Lời hứa một năm trước, khi nào chúng tôi được giao dịch chứng khoán lô 10?

23/02/2022 21:13 PM | Kinh doanh

Một năm trước, lý do để nâng số lượng cổ phiếu giao dịch một lô là do hệ thống còn hạn chế.

Nâng lô giao dịch vì hệ thống kém!

Cách đây một năm, các nhà đầu tư được một phen lao đao trước thông tin "sốc" của HoSE công bố: HoSE thay đổi lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu.

Thậm chí, ngay sau đó, tân tổng giám đốc của HoSE Lê Hải Trà đưa ra đề xuất táo bạo là nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu để giảm nghẽn hệ thống.

Thông tin trên đã ảnh hưởng rất lớn đến đại đa số nhà đầu tư vào thời điểm đó. Họ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong đó có tôi. Một số mã tôi có thói quen đầu tư trải nghiệm và học hỏi dần trước khi quyết định vào vốn lớn hơn.

Đến khi quyết định nâng lô giao dịch lên 100, tôi vẫn giữ vài mã có số lượng dao động từ 50-90 cổ phiếu. Tức còn xa số lượng yêu cầu đủ để giao dịch lô chẵn theo quy định mới. Trong khi đó, với 90 cổ phiếu, ở ngày trước, tôi có thể thoải mái lập 9 lệnh mua - bán ở 9 thời điểm khác nhau để đảm bảo tối ưu lợi nhuận hoặc giảm thiểu lỗ nếu có.

Sau khi nâng lô giao dịch, các mã dưới 100 cổ phiếu của tôi trở thành "con ghẻ". Mua chẳng được, bán chẳng xong. Dù nó vẫn nằm trong rổ tài sản nhưng tôi gần như bất lực.

"Có thể thấy, nếu tài sản sở hữu dưới 100 cổ phiếu cho cùng một mã chứng khoán thì xem như mất yếu tố thanh khoản bởi không thể giao dịch", khi đó tôi viết cho báo điện tử VnExpress.

Tháng 8/2021, "Sẽ quay lại lô giao dịch 10 cổ phiếu khi dịch bớt căng thẳng" - dòng tít xuất hiện báo điện tử Chính phủ - làm tôi hy vọng. Theo đó, ông thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, bộ này đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm triển khai trở lại giao dịch lô 10 như trước.

Tuy nhiên, đến nay, sau một năm, các nhà đầu tư còn giữ số lượng đủ để giao dịch lô 10 bỗng trở thành lô lẻ khi quyết định lô 100 diễn ra vẫn rất hoang mang.

Mất quyền lợi do sàn chỉ giao dịch lô chẵn 100

Gần đây, một số công ty chứng khoán cho phép áp dụng hình thức "bán chứng khoán lô lẻ" đối với rổ tài sản cổ phiếu đang từ ông hoàng thành kẻ đầu đường, xó chợ. Hình thức này bắt chẹt nhà đầu tư khi áp giá sàn cho cổ phiếu nếu muốn bán ra.

"Giá giao dịch chứng khoán lô lẻ là giá sàn của chứng khoán tại ngày bạn đặt lệnh bán", một công ty chứng khoán đăng tải trên website.

Chẳng hạn, với FRT, tôi có kỳ vọng bán ít nhất 115.000 đồng/cổ phiếu vì hôm 22/2 mã này tăng trần. Tuy nhiên, khi bán lô lẻ chỉ được ghi nhận giá bán ở mức giá sàn, tức khoảng hơn 100.000 đồng. Đồng nghĩa, quyền lợi nhà đầu tư bị mất những 15.000 đồng/cổ phiếu. Nếu quyết định bán ra, tôi bị lỗ trước mắt do chênh lệch giữa sàn - trần tổng cộng 150.000 đồng, chưa tính các khoản thuế phí.

Cạnh đó, lô 100 cũng tăng rủi ro đầu tư cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư mới (F0) chưa có kinh nghiệm thị trường. Trước đó, như cá nhân tôi, phải mất một khoảng thời gian thử sức tôi mới vững tay để đầu tư mạnh hơn.

Nhưng hiện nay, các F0 đang mò mẫm thị trường lại phải bỏ ra vốn đầu tư quá lớn. Thay vì chỉ mất 1.110.000 đồng để mua 10 cổ phiếu PNJ (thị giá kết phiên 22/2) thì bây giờ phải mua 100 cổ phiếu, tương đương 11.100.000 đồng.

Rủi ro không là gì nếu đó là số tiền tự họ tích lũy. Và trở thành vấn đề rất lớn nếu F0 vay tiền tham gia thị trường.

Khả năng cắt lỗ, giảm mất vốn lúc này không thể xảy ra bởi yêu cầu giao dịch lô 100.

Ở chiều tăng trưởng, gần đây, một số mã chứng khoán Việt Nam liên tục có các phiên tăng điểm. Chênh lệch giữa hai phiên có thể 5-10%, thậm chí hơn nữa. Giả dụ, tôi muốn cắt tài sản thành các khoản nhỏ để bán từng phần cũng không làm được. Lợi nhuận của tôi bị giảm sút do quy định ngặt nghèo.

Xu hướng chung của các sàn trên thế giới là giảm dần lô giao dịch để thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Hiện Hàn Quốc, một quốc gia hiện đại, duy trì giao dịch chứng khoán lô 10 trên Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). KOSDAQ là lô 1 cổ phiếu.  Tại Mỹ, lô lẻ dưới 100 cổ phiếu chiếm áp đảo trong số lượng lệnh trên thị trường.

Theo Dy Khoa

Cùng chuyên mục
XEM