Lời chế nhạo 14 năm về trước Mourinho dành cho Sir Alex, giờ ứng vận chẳng sai lấy 1 ly

26/12/2018 11:43 AM | Xã hội

“Đắc nhân tâm” là một trong những quyển sách được đọc nhiều nhất trong lịch sử. Nhưng không phải cứ đọc, cứ nghiền ngẫm là có thể áp dụng được. Nhìn Mourinho thì biết!

1. Người ta nói Man United chỉ mất khoảng… 5 phút là dọn hết toàn bộ đồ đạc trong phòng làm việc của Jose Mourinho , để Ole Gunnar Solskjaer có thể chuyển vào bất kỳ lúc nào. Người ta xem đấy là một ví dụ cho thấy Ban lãnh đạo Man United đã cạn tàu ráo máng với một HLV đã gắn bó với mình trong suốt hai năm rưỡi qua.

Thật khó hiểu khi đến giờ, vẫn còn những người cảm thấy tiếc cho Mourinho. Bạn lo sợ ông sẽ có một Giáng sinh buồn bã ư? Với một người bỗng dưng được lãnh hơn 300 tỷ đồng Việt Nam để… không phải làm việc nữa, có lẽ họ cũng chẳng bất hạnh lắm đâu.

Bất hạnh nhất có lẽ là không được làm công việc mà mình yêu thích nữa. Nhưng Mourinho phải trả giá cho việc đã để mọi thứ vượt tầm kiểm soát. Nói cách khác: Mourinho đã quyết định cho kết cục của mình.

Ba lần gần nhất Mourinho bị sa thải, ở Real Madrid, Chelsea và Man United, người ta đều dùng tới cụm từ "phản thầy". Cần phải nói ngay là cụm từ này sai hoàn toàn về bản chất.

 Lời chế nhạo 14 năm về trước Mourinho dành cho Sir Alex, giờ ứng vận chẳng sai lấy 1 ly - Ảnh 1.

Thứ nhất, làm gì có khái niệm "thầy" ở đây. Mourinho là một HLV, chịu trách nhiệm về chiến thuật, lối chơi. Cầu thủ chịu trách nhiệm vào sân thi đấu. Đấy là một mối quan hệ công viêc thuần túy. Bạn đi làm, đâu có gọi người quản lý của mình là thầy bao giờ, kể cả khi họ chỉ dẫn cho bạn những điều hữu ích?

Trên thế giới , cũng chưa bao giờ người ta gọi HLV là thầy. Họ dùng từ "coach" hoặc "manager", chứ tuyệt đối không bao giờ dùng từ "teacher", trừ khi bạn là học sinh, chơi bóng dưới trướng của… thầy thể dục.

Ngày xưa, khi chiến thuật hãy còn ở mức độ mông muội, người ta còn miễn cưỡng chấp nhận HLV là một kiểu "mentor" (người truyền cảm hứng) cho các cầu thủ. Chứ bây giờ, khi tuổi đời của HLV ngày càng trẻ, khi cầu thủ đã được hấp thụ lý thuyết chiến thuật khi còn bé xíu thông qua môi trường học viện, làm gì còn kiểu một HLV nói thì cầu thủ phải nhất nhất tuân theo như mệnh lệnh nữa.

 Lời chế nhạo 14 năm về trước Mourinho dành cho Sir Alex, giờ ứng vận chẳng sai lấy 1 ly - Ảnh 2.

Đã không có khái niệm "thầy", càng không có khái niệm "phản". Xin trích một câu của Sir Alex Ferguson, viết trong quyển sách có nhan đề "Lãnh đạo":

"Trong bóng đá, người ta càng lúc càng cần bàn nhiều hơn về việc cầu thủ không còn muốn đá cho HLV nữa. Khi còn cầm quân, tôi đã từng chứng kiến điều đó. Khi việc ấy xảy ra, HLV giỏi cách mấy cũng chết chắc. Bởi vì anh ta đã thất bại trong khâu cơ bản nhất: kích thích các cầu thủ tin mình, theo mình. Đấy là lỗi của HLV nhiều hơn là cầu thủ".

Ở Việt Nam, khi nói về mối quan hệ HLV và cầu thủ, người ta có thói quen trích dẫn câu của cựu HLV Đặng Trần Chỉnh: "Ghế huấn luyện có bốn chân, thì cầu thủ nắm hết ba chân". Câu nói này rõ ràng đề cao thái quá vai trò của cầu thủ, nhưng nó cũng nêu được mối quan hệ nhân quả. Nếu một HLV làm việc không tốt, ông ta không thể mặc nhiên có được sự phục vụ của các cầu thủ.

Từ khi lên làm HLV của Man United, dù chỉ mới có một tuần ít ỏi, Solskjaer luôn nhắc nhở cho mọi người nhớ là Man United đặc biệt như thế nào. Còn Mourinho, suốt hơn hai năm chỉ luôn miệng nhắc nhở về sự đặc biệt của… bản thân. Khi một người đặt mình ra ngoài tập thể, khi một người cứ ngoái nhìn lại hào quang quá khứ, ta biết là người ấy đang lạc lõng, đang tụt hậu.

Mourinho từng là một nhà tiên phong trong những năm tháng khởi nghiệp. Ông từng nói một triết lý kinh điển: "Nếu bạn có một chiếc Ferrari và tôi chỉ có một chiếc xe nhỏ, để đánh bại cậu trên đường đua, tôi phải phá thắng và bỏ nước đường vào trong bình xăng của bạn".

 Lời chế nhạo 14 năm về trước Mourinho dành cho Sir Alex, giờ ứng vận chẳng sai lấy 1 ly - Ảnh 3.

Trong một thập kỷ đầu tiên trên ghế huấn luyện, tỷ lệ thắng trận của Mourinho đạt đến trạng thái thiên hạ vô địch thủ. Ông vô địch Champions League 2 lần, vô địch quốc gia ở 4 đất nước khác nhau. Suốt 9 năm dài đằng đẵng, không một đối thủ nào có thể đả bại được ông trên sân nhà. Mourinho và Pep Guardiola trở thành một cặp kỳ phùng địch thủ. Mourinho làm mọi cách để gia cố hàng thủ, Pep làm mọi cách để mài sắc hàng công.

Nhưng vấn đề của những nhà tiên phong là họ cố bảo vệ lý tưởng của mình bằng mọi giá. Và giữa một thế giới bóng đá không ngừng vươn lên, Mourinho đứng lại. Mà đứng lại đồng nghĩa với thụt lùi. Ngày Mourinho xuất quan, thế giới còn đang lo về việc cầu thủ uống rượu quá nhiều và bỏ bữa ăn. Ngày Mourinho lụn bại ở Manchester, thế giới đang lo về việc cầu thủ uống quá nhiều… espresso và ăn quá nhiều pizza.

Khi pressing trở thành xu thế, khi hậu vệ cũng phải biết ghi bàn và thủ môn cũng phải biết chuyền bóng, Mourinho vẫn chỉ chăm chăm vào việc phá lối chơi của đối thủ, thay vì tự gầy dựng lối chơi của riêng mình.

Y học thể thao cũng đã đi một chặng đường rất dài. CLB bây giờ đo đạc giấc ngủ của cầu thủ, soi từng cử động của họ trên sân tập, thiết kế những giáo án tập luyện riêng theo nhu cầu của HLV. Kết quả là thế giới bóng đá đang chứng kiến một thế hệ cầu thủ bóng đá mới, được kết hợp bởi một VĐV thể hình và một người chạy nước rút.

 Lời chế nhạo 14 năm về trước Mourinho dành cho Sir Alex, giờ ứng vận chẳng sai lấy 1 ly - Ảnh 4.

2. Và bóng đá lại có những nhà tiên phong mới. Như Juergen Klopp, đã dùng sự tiến hóa y học thể thao để tạo nên một trường phái mới. Trong lúc Mourinho chỉ cố đoạt bóng trên sân nhà, thì Klopp đã nghĩ đến việc đoạt bóng trên sân đối phương.

Pep Guardiola thích nghi rất nhanh với thời thế. Sau thành công rực rỡ ở Barcelona, ông thừa nhận: "Tôi chẳng còn một ý tưởng chiến thuật nào mới nữa cả". Ông bỏ một năm không huấn luyện, chuyển sang sống tại New York. Đấy thực sự là một năm bế quan luyện công, ông vay mượn tất cả những ý tưởng có thể, từ rugby đến phim Woody Allen cho đến thuật đánh cờ của Gary Kasparov.

Ở Bayern Munich, Pep áp dụng ý tưởng của mình, nhưng cũng tiếp thu thứ bóng đá tốc độ cao của người Đức. Để rồi ở Manchester City, ông thực sự là "nhất đại tôn sư" của bộ môn pressing.

Mourinho thì không. Ông cứ bám mãi vào những ý tưởng đã cũ. Ông vẫn chạy chiếc xe cũ và tìm cách phá xe đối phương, trong khi CLB đã cấp cho ông một chiếc Ferrari.

Ở Man United, người ta cho ông đến 370 triệu bảng Anh để chiêu mộ cầu thủ. Không một CLB nào ở Anh có quỹ lương cao như Man United (lương trung bình là 6,5 triệu bảng/mùa, của Man City là 6 triệu, Liverpool là 4 triệu, theo thống kê của Sporting Intelligence).

 Lời chế nhạo 14 năm về trước Mourinho dành cho Sir Alex, giờ ứng vận chẳng sai lấy 1 ly - Ảnh 5.

Zlatan Ibrahimovic, học trò ưng ý của Mourinho, từng viết trong tự truyện: "Ông mua một chiếc Ferrari, nhưng lại dùng tôi như một con FIAT". Câu nói ấy, Zlatan dùng chỉ mắng Pep Guardiola. Trớ trêu thay, Mourinho cũng quản lý đội bóng với tư duy y hệt. Ông được cấp Ferrari, nhưng cũng chỉ lái như một chiếc FIAT mà thôi.

"Tôi nghĩ không một đội bóng nào cảm thấy thoải mái khi phải đối đầu với những Rashford, Martial, Lingard và Pogba" - Solskjaer nói sau trận đấu đầu tiên. Mourinho làm gì với bốn cầu thủ trẻ trung và giàu sức chiến đấu ấy? Ông bắt họ… phòng ngự, buộc họ giữ khoảng cách. Ông không kích thích sự tự do của họ. Nói cách khác, ông dựng chiếc Ferrari trong bãi và tiếp tục đậu xe bus.

Tháng Tư năm nay, người ta thống kê các cầu thủ của Mourinho chỉ chạy bình quân có 106 km/trận. Đấy là con số thấp nhất Premier League. Đứng đầu là Liverpool và Man City, với lần lượt bình quân 116,9 và 115 km. Mùa bóng này, tính đến trước khi Mourinho bị sa thải, các cầu thủ của Man United tung ra số pha nước rút ít hơn 2/3 số đội bóng tại Premier League.

Mourinho ngày xưa chỉ trích tất cả, từ trọng tài, Ban tổ chức, cầu thủ đội bạn, HLV đối phương, CĐV đối thủ, nhưng chừa cầu thủ của mình ra. Bây giờ, ông chỉ trích tất, từ Martial, Lingard, Luke Shaw, Rashford và đặc biệt là Pogba. Vậy mà khi Mourinho ra đi, người ta vẫn có thể nghĩ tới cụm từ "phản thầy" cho được.

Năm 2004, khi Alex Ferguson kỷ niệm trận đấu thứ 1.000 trên cương vị HLV Man United, một Mourinho trẻ trung chế nhạo: "1.000 trận ư? Tôi chả dám nghĩ đến ngày ấy. Lúc ấy tôi sẽ ở Algarve, ngắm hoàng hôn và không làm gì cả. Ở 55, chắc chắn tôi sẽ ở Algarve".

Ngày rời Manchester, Mourinho đúng 55 tuổi!

Theo Bình Bồng Bột

Cùng chuyên mục
XEM