Lời cảnh tỉnh từ nữ giám đốc 38 tuổi: Lương tháng 7.000 đô nhưng không có nổi 1 đồng tiết kiệm, gánh nợ 10.000 đô
Sau hơn 10 năm đi làm với mức lương cao, Lavinia hiện không có đồng nào trong tài khoản tiết kiệm và khoản nợ 10.000 đô.
Lavinia là một giám đốc truyền thông làm việc tại Singapore với mức lương 7.000 SGD/tháng. Tuy nhiên, chia sẻ của cô với tạp chí Her World đã khiến mọi người bất ngờ: Ở tuổi 38, cô không có đồng tiết kiệm nào và thậm chí còn ở trong tình trạng nợ nần.
Dưới đây là lời chia sẻ của Lavinia:
Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ tôi sống trong túng thiếu vì tôi lúc nào trông cũng như người có tiền. Thực tế là tôi sống chật vật dù kiếm được khoảng 7.000 SGD/tháng – một con số khá ấn tượng so với hầu hết đồng nghiệp. Tôi cho rằng mình không giỏi quản lý tiền bạc. Từ khi bắt đầu đi làm năm 23 tuổi cho đến nay, tôi gần như chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Thói quen mua sắm quá đà
Mua sắm quá nhiều khiến Lavinia gặp rắc rối về tài chính.
Tôi lớn lên trong một gia đình giản dị. Cha mẹ tôi làm việc chăm chỉ và có mức lương ổn nhưng họ hầu như không mua sắm trừ khi thực sự cần thiết. Chúng tôi không đi du lịch, tôi và chi gái cũng không nhận được khoản tiền tiêu vặt quá lớn, tôi thường phải dùng lại sách vở, quần áo của chị. Cha mẹ tôi coi những thứ vật chất hay kỳ nghỉ là sự lãng phí tiền bạc.
Năm 18 tuổi, tôi làm việc bán thời gian trong một quán cà phê. Đến lúc đó, tôi mới có tiền để mua quần áo và mỹ phẩm theo ý muốn mà không cần xin tiền cha mẹ. Sau hơn 1 năm, tôi kiếm được khoảng 8.000 SGD nhưng thay vì tiết kiệm, tôi đã tiêu tiền vào những thứ phù phiếm như mua váy áo, túi xách hàng hiệu và các bữa ăn sang chảnh. Càng mua nhiều, tôi càng nghĩ mình cần nhiều hơn.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 23 tuổi, tôi có công việc toàn thời gian đầu tiên, với mức lương 2.500 SGD/tháng. Đó là số tiền rất lớn đối với một cô gái ở tuổi tôi. Thế nhưng trong vài năm sau đó, tôi cũng tiêu sạch số tiền kiếm được.
Tôi mua quần áo thiết kế, thoải sức mua sắm, tận hưởng các kỳ nghỉ xa hoa và các liệu pháp spa đắt đỏ, mua quà đắt tiền cho gia đình bạn bè, luôn đi taxi, chiều chuộng bản thân bằng những tiện ích sang trọng.
Lavinia chiều chuộng bản thân hết mức có thể.
Khi bước sang tuổi 30, sau 7 năm làm việc và kiếm tiền khá ổn, tôi chỉ có khoảng 1.500 SGD trong tài khoản tiết kiệm. Ngay cả lúc đó, tôi cũng không cảm thấy lo lắng về tình hình tài chính vì tự tin rằng mình vẫn còn trẻ và có nhiều thời gian để tích lũy tài sản.
Năm 33 tuổi, tôi làm một công việc mới với mức lương 5.000 SGD/tháng. Đây có thể đã là cơ hội hoàn hảo để tôi thành lập và thực hiện kế hoạch tài chính. Tuy nhiên, tôi đã làm ngược lại và lãng phí thu nhập vào những thứ không thực sự cần thiết.
Khi bước sang tuổi 37 vào năm ngoái, lương của tôi đã tăng lên mức 7.000 SGD/tháng và đáng buồn thay, tôi mới chỉ có gần 3.000 SGD tiết kiệm. So với những gì tôi kiếm được trong hơn 10 năm qua, con số 3.000 SGD thực sự quá nhỏ bé. Sau một thời gian, số tiền này đã trở về con số 0 và tôi thậm chí còn nợ đến 10.000 SGD.
Không thể tiết kiệm
Tôi rất xấu hổ vì không tiết kiệm được tiền. Tôi có một vài giả thiết về việc tại sao mình lại quản lý tiền bạc tệ đến vậy.
Một là tôi lớn lên trong gia đình không mấy khác giả. Vì vậy, khi bắt đầu có tiền, tôi bị cuốn vào việc chi tiêu quá đà. Thứ hai, tôi có xu hướng sống như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng của mình. Tôi có thể chết vào ngày mai và không thể mang tiền đi theo. Đó là một lý do ngớ ngẩn!
Rất nhiều lần tôi tự hỏi bản thân tại sao không thể chi tiêu có tính toán hơn nhưng câu trả lời vẫn luôn giống nhau: Mua sắm, du lịch và chi tiêu cho bản thân khiến tôi hạnh phúc. Tôi yêu lối sống này.
Hiện tôi đang ở trong một căn hộ cùng một người bạn. Giá thuê không hề rẻ nhưng tôi không ngại chi thêm tiền để mua thêm nội thất. Bố mẹ muốn tôi chuyển về sống cùng họ để tiết kiệm được khoảng 2.000 SGD/tháng nhưng tôi thích tự do hơn.
Không bao giờ là quá muộn để thay đổi
Không bao giờ là quá muộn để tiết kiệm tiền.
Tôi cảm thấy may mắn vì không phải nuôi con. Hầu hết bạn bè của tôi đều có con nhỏ và dùng phần lớn thu nhập cho bọn trẻ. Họ gần như chẳng còn nhiều tiền để làm việc mình muốn. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu phải hi sinh tài chính như vậy.
Hiện tại, tôi đang tận hưởng số tiền mình kiếm được để mua những thứ tôi muốn và đi du lịch khắp nơi. Cũng có lúc tôi lo lắng về tương lai như bị mất việc hay đối mặt với tình huống khẩn cấp. Khi đó, tôi sẽ chìm trong nợ nần vì không có tiền tiết kiệm cứu nguy. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi mình quá già để đi làm. Ai sẽ chăm sóc hay chu cấp khi tôi không còn tiền?
Tôi không muốn nhờ cậy gia đình vì họ không hề biết tôi thường xuyên hết tiền. Bạn bè cũng không biết về tình hình tài chính của tôi. Họ chỉ biết tôi là người giàu khi nhìn vào cách tôi chi tiền cho các món đồ sang chảnh.
Gần đây, tôi đã gặp một chuyên gia tài chính và giải thích về tình trạng hiện tại. Ông ấy nói rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiết kiệm cho tương lai. Tôi sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn so với những người bạn đã làm điều đó từ 10 – 20 năm trước.
Mục tiêu của tôi là có khoản tiết kiệm đáng kể năm 50 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải kỷ luật hơn trong chi tiêu, từng bước thanh toán các khoản nợ, đầu tư thông minh và thậm chí là tìm một công việc bán thời gian để có thêm thu nhập. Hi vọng tôi sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm thấy lo lắng về việc không thể chăm sóc bản thân và không có nhiều tiền tiết kiệm.
Nguồn: Straits Times