Loạt khu vực ở Hà Nội ‘sốt đất’: Mua bán chủ yếu giữa các nhà đầu cơ

15/01/2021 16:53 PM | Xã hội

Việc đô thị hóa mạnh ở Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Tuy nhiên, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.

Đánh giá thị trường bất động sản tại Hà Nội năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, trong năm quan thị trường xuất hiện sự chuyển dịch đầu tư vào thị trường bất động sản từ các ngành kinh tế khác, làm tăng lực cầu đầu tư trong ngắn hạn. Điều này đã làm thị trường bất động sản nóng lên ở một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận.

Cụ thể, theo thống kê của VARs, đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m², tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019.

“Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau”, ông Đính cho biết.

 Loạt khu vực ở Hà Nội ‘sốt đất’: Mua bán chủ yếu giữa các nhà đầu cơ  - Ảnh 1.

Năm 2020, giá đất trong làng xã một số khu vực ở Hà Nôi tăng đến 50% so với năm 2019 nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.

Ngoài ra, do có thông tin lên quận, thông tin phát triển đầu tư đã làm sốt đất bùng phát ở một số vùng như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh… nhưng cuối năm hiện tượng trên đã lắng dịu.

Cũng theo VARs, năm 2020, nhà đất là món ăn ưa thích của các nhà đầu tư Hà Nội và một phần cũng là dòng sản phẩm hàng hiếm. Vì vậy, mặc dù COVID nhưng nhiều dự án được đầu tư hạ tầng chất lượng tốt đã tăng giá mạnh, tăng khoảng 5% so với năm 2019. Trong đó, một số dự án nhà phố ở khu vực quận Hà Đông đã thành lập những mức giá kỷ lục từ 200-300 triệu đồng/m².

Về phân khúc chung cư, ông Đính cho biết chỉ số cho thấy giá tăng nhẹ ở phân khúc trung cấp, phân khúc cao cấp trên thực tế cho thấy đang có áp lực giảm giá, căn hộ bình dân không có biến động. Do tính thanh khoản chậm nên các nhà đầu tư có hiện tượng cắt lỗ và chủ đầu tư gia tăng chính sách hỗ trợ, khuyến mại...

“Căn hộ chỉ hâp thụ tốt ở phân khúc bình dân và rất chậm ở phân khúc cao cấp. Kể cả những dự án được đánh giá là chất lượng tốt cũng có tỉ lệ hấp thụ không cao. Hàng tồn trên thị trường chủ yếu nằm ở căn hộ có giá >35 triệu đồng/m², nhà đất có giá >100 triệu đồng/m²”, ông Đính nói.

Chặn thổi giá nhà đất để trục lợi

Thông tin về thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản; thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường BĐS chưa đầy đủ.

Thời gian qua Bộ đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", "làm giá" để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản...

Ninh Phan

Cùng chuyên mục
XEM