Loại trái chỉ 30.000 đồng/kg nhưng là “vàng xanh” ở Nhật Bản, bán “đắt như tôm tươi” trong khi người Việt không mấy dùng
Loại nông sản này được người Nhật vô cùng ưa chuộng nhưng cung không đủ cầu, nên nguồn hàng từ Việt Nam vẫn rất có sức hút.
Loại nông sản được xuất đi Nhật rất nhiều, nhưng tiêu chí cực chặt chẽ
Đậu bắp có nguồn gốc từ Tây Phi, còn được gọi bằng các tên khác như mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê,....
Đậu bắp là loại cây ăn quả, có thể trồng thành cây một năm hoặc nhiều năm. Cây đậu bắp thường cao đến 2,5m với lá dài và rộng lớn từ 10cm đến 20cm. Hoa của cây đậu bắp có 5 cánh với màu trắng hoặc vàng, có các đốm đỏ tại phần gốc hoa. Quả đậu bắp dáng dài chứa nhiều hạt bên trong.
Loại cây này có khả năng chịu nóng bức và khô hạn rất tốt nên có thể trồng ở cả vùng nhiệt đới và ôn đới. Ngày nay, quả đậu bắp ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, thành một món ăn hàng ngày ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, nông sản này có mặt chủ yếu ở các tỉnh miền Nam có khí hậu nóng bức, thường được bán với mức giá bình dân (từ 30-35.000đ/kg).
Không phải người Việt nào cũng yêu thích mùi vị độc đáo và chất nhầy kết dính của loại nông sản này. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, đậu bắp lại trở thành mặt hàng bán "đắt như tôm tươi".
Người ta tận dụng đậu bắp để chế biến thành nhiều món ẩm thực Nhật Bản độc đáo, khác biệt. Trong tiếng Nhật, họ còn sử dụng từ Neba Neba (粘々 hay ねばねば) có nghĩa là "dính" hoặc "nhớt", chỉ chung nhóm thực phẩm có vẻ ngoài nhầy nhớt như vậy. Neba Neba được chế biến từ đơn giản đến cầu kỳ nhưng nhìn chung chúng đều mang lợi ích đến sức khỏe nên người Nhật thưởng thức thường xuyên, đặc biệt là trong mùa hè để giải nhiệt, cân bằng dưỡng chất cho cơ thể.
Vì thế, đậu bắp luôn là một trong những mặt hàng thường xuyên xuất khẩu sang Nhật Bản. Dù vậy, để đáp ứng được thị trường khó tính, sản phẩm cũng đòi hỏi nghiêm ngặt từ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hái tới chất lượng. Nhiều đối tác, công ty xuất khẩu thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra, đòi hỏi 100% sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu thì mới đưa đi cung ứng.
Để đạt những yêu cầu này, bắt buộc quy trình sản xuất phải được thực hiện chỉn chu trong từng giai đoạn, mỗi một khâu từ gieo trồng cho tới sản xuất, phân loại đều cần giám sát chặt chẽ. Nguyên liệu không đảm bảo chất lượng phải được loại bỏ trước khi đưa vào sơ chế, rửa, hấp, làm lạnh, cấp đông rồi đóng gói để xuất khẩu.
Tại sao người Nhật mê đậu bắp đến vậy?
Nhật Bản là đất nước được biết đến với thời tiết khắc nghiệt với đặc trưng mùa hè nắng nóng còn mùa đông lạnh buốt. Vì vậy, họ rất chú trọng vấn đề thực dưỡng, chăm sóc sức khỏe ngay trong mỗi bữa ăn. Các loại thực phẩm Neba Neba có độ dính và nhớt đều giàu khoáng chất và chứa ít calories nên trở thành sự lựa chọn của đông đảo người Nhật từ xưa đến nay.
Đậu bắp có chứa các loại vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa như epicatechin, catechin, rutin, procyanidin B1, B2 và quercetin. Nông sản này cũng có chứa nhiều chất xơ giúp điều chỉnh lượng cholesterol trong cơ thể. Có thể nói, đậu bắp có thể cung cấp 1/10 lượng acid folic và vitamin B6 được yêu cầu tiêu thụ hàng ngày. Những chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào do tác động của môi trường và sự căng thẳng gây ra.
Tính năng nổi bật hơn cả của đậu bắp lại là chất nhầy bên trong. Chất nhầy này được cấu tạo bởi 2 hoạt chất chính là collagen và mucopolysacarit có tác dụng tạo môi trường cho các vi sinh vật có lợi cho đường ruột. Nhờ đó tăng khả năng đề kháng cho hệ tiêu hóa.
Một nghiên cứu gần đây còn cho biết, đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và các thành phần dinh dưỡng hữu ích, có thể giúp cải thiện sinh lý phái mạnh. Các thành phần axit folic, selen, kẽm, vitamin và khoáng chất khác giúp sản xuất tinh trùng ở nam giới. Không phải tự nhiên mà người ta còn ví đây là "vàng xanh" đối với đàn ông, nên sử dụng thường xuyên để duy trì sinh lực.
Đặc biệt, các chuyên gia còn phát hiện ra, chất nhầy trong đậu bắp cũng góp phần chống bệnh tiểu đường, vì chất xơ trong đậu bắp có thể làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Tác dụng kiểm soát lipid nhờ chất xơ hòa tan được gọi là Pectin có thể làm giảm 10% lượng cholesterol trong máu. Người dân ở các vùng Đông Nam Á, Viễn Đông và Trung Đông ăn đậu bắp để cải thiện chức năng não bộ.
(Tổng hợp)