Loại rau giải nhiệt mùa hè nhà nào cũng nấu, nhưng nam giới yếu sinh lý chớ đụng đũa

26/06/2022 19:20 PM | Sống

Theo TS. BS Ngô Quang Hải, rau mùng tơi không cải thiện sinh lý đàn ông. Trường hợp yếu sinh lý do thận dương hư mà dùng mồng tơi lại càng gây suy giảm sinh lý.

Mồng tơi là loài dây leo, thân mọc cuốn, dài 1,5-2m. TS Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, mồng tơi là một loại rau được nhiều người dân ưa dùng trong mùa hè bởi nó có đặc điểm mát, vị nhạt.

Trong đông y, mồng tơi xếp vào loại âm dược (nhớt thì sinh tân chỉ khát, nhận hạ, mát thì giải được nhiệt độc do hoả do nhiệt mạnh).

Công dụng của loại rau cây này là lợi đại, tiểu tiện, giải nhiệt, giải độc, lợi sữa (lá nấu canh ăn). Lá tươi vò đắp mụn nhọt sưng tấy. Hạt sắc lấy nước nhỏ mắt đau. Toàn cây còn được dùng chữa lỵ, viêm bàng quang, viêm ruột.

Loại rau giải nhiệt mùa hè nhà nào cũng nấu, nhưng nam giới yếu sinh lý chớ đụng đũa - Ảnh 1.
Nam giới yếu sinh lý do thận dương hư tuyệt đối không nên sử dụng rau mồng tơi 

Mặc dù trên thực tế, người ta thường chỉ dùng rau mồng tơi nấu canh ăn cho mát, ít dùng làm thuốc nhưng trong sách cổ (bản thảo cương mục của Lý Thời Trân) có ghi là rau mồng tơi có vị chua hàn, hoạt, không độc, chủ trị hoạt trung, tán nhú lợi đại tiểu trường.

Hay như tại Indonesia người dân dùng rau mồng tơi là thuốc chữa trẻ con bị táo bón, phụ nữ đẻ khó, nước ép quả dùng nhỏ mắt chữa đau mắt. Tại Trung Quốc có nơi người dân lại dùng rau mồng tơi giã đắp chữa vú sưng nứt, giải độc…

Ngoài công dụng thanh nhiệt, nhuận tràng TS Ngô Đức Phương cũng nhấn mạnh rau mồng tơi còn có tác dụng giải độc; chứa chất nhầy pectin chống béo phì, hỗ trợ giảm cân…

Bổ sung thêm, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết theo Đông y mồng tơi có vị chua ngọt, không độc, tính hàn, công dụng nhuận tràng, thông tiện, thanh nhiệt, lương huyết giải độc, hoạt huyết, chủ trị táo bón, nước tiểu đỏ vàng, trĩ, đi ngoài phân ra máu. Lượng dùng một lần 10-15 g nếu lá khô, 60 g nếu lá tươi.

Trong 100 g lá mồng tơi chứa 102 mg vitamin C, giúp cơ thể nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch. Chất này cần thiết cho sự tổng hợp collagen trong cơ thể, duy trì sự toàn vẹn của các tế bào máu, da, nội tạng và xương.

Các nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thanh lọc cơ thể, tăng cường hấp thu sắt, khống chế bệnh tim, xơ cứng động mạch và giảm cholesterol, chống đục thủy tinh thể. Vitamin C tan trong nước, cơ thể không có khả năng tạo ra hay tích trữ nên cần cung cấp hàng ngày.

Ngoài ra, mồng tơi cũng chứa magie, canxi, sắt, kẽm, vitamin A... tốt cho sức khỏe tổng thể. Chất nhầy pectin giúp phòng chữa nhiều bệnh, chống béo phì, tác dụng hấp thu cholesterol. Cholesterol nội sinh và ngoại sinh đều bị giữ lại trong ruột, chất béo trong thực phẩm không ngấm được qua màng ruột, cholesterol sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Do đó, ăn rau mồng tơi giúp thải chất béo, tốt cho người có mỡ và đường trong máu cao, hỗ trợ giảm cân.

Rau mồng tơi chế biến thành món ăn thích hợp cho người có mỡ cao trong máu, người muốn giảm cân, như: canh ngao mồng tơi, canh cua mồng tơi, mồng tơi xào tỏi, mồng tơi luộc.

Đáng lưu ý, nước cốt từ rau mồng tơi theo bác sĩ Ngô Quang Hải có thể trị vết bỏng. Ngoài ra, hầm mồng tơi với chân giò để ăn hàng ngày sẽ giúp trị đau nhức xương khớp. Các bà mẹ sau sinh ít sữa có thể ăn rau mồng tơi để tăng cường lượng sữa về do trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, sắt nên tốt cho thai phụ...

“Lưu ý do tính hàn hoạt, rau mồng tơi hạn chế dùng cho phụ nữ mang thai. Đặc biệt loại rau này hoàn toàn không cải thiện sinh lý đàn ông. Ngược lại, trường hợp yếu sinh lý do thận dương hư mà dùng mồng tơi lại càng gây suy giảm sinh lý”, BS Ngô Quang Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo BS Ngô Đức Phương do là âm dược nên những người mắc các chứng bệnh như: người hay hàn lạnh, lạnh bụng, phân nát, tỳ vị hànn thực hay hàn hư, người mập béo trắng thấp hàn nhiều… thì đều không nên sử dụng.

Nhiều gia đình có thói quen ăn canh rau mồng tơi không hết thường để qua đêm để ăn cho bữa sau. Đây là thói quen không tốt, nguyên nhân là hàm lượng nitrat trong rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn bị phân hủy, lượng nitrat sẽ tạo thành nitrite, một chất gây ung thư. Do đó, tốt nhất nếu ăn xong còn thừa rau canh, bạn nên đổ đi.

theo N. Huyền

Cùng chuyên mục
XEM