Loài người đang hủy diệt trái đất bằng cách mua ngày càng nhiều quần áo
Hàng năm, khoảng 56 triệu tấn quần áo mới được mua trên toàn cầu và con số này ước tính sẽ đạt 90 triệu tấn vào năm 2030, sau đó là 160 triệu tấn vào năm 2050.
Nghiên cứu của chuyên gia xã hội học Sophie Woodward thuộc trường đại học Manchester cho thấy bình quân 12% số quần áo trong tủ đồ của phụ nữ chả mấy khi được dùng đến. Rõ ràng, người tiêu dùng vẫn tích đầy tủ quần áo và hàng năm thay mới mà chẳng quan tâm chúng có còn mặc được hay không. Tất cả luôn xoay quanh câu chuyện thời trang, hợp xu thế hay đơn giản chỉ là thỏa mãn thú vui mua sắm.
Năm 2017, khoảng 83% số quần áo thời trang tại Mỹ bị vứt bỏ, tương đương 13 triệu tấn, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Những rác thải này cuối cùng bị đốt bỏ hoặc chôn lấp tại các bãi rác. Tính bình quân mỗi người Mỹ vứt đi khoảng 37kg quần áo mỗi năm. Nếu tính bình quân trên thế giới, hàng năm con người vứt bỏ khoảng 92 triệu tấn quần áo, tương đương mỗi giây sẽ có đầy 1 xe chở quần áo bị thải bỏ ra ngoài bãi rác.
Theo nhiều ước tính, đến năm 2030 thế giới sẽ vứt bỏ hơn 134 triệu tấn quần áo mỗi năm.
Ô nhiễm môi trường
Chuyên gia Chetna Prajapati của trường đại học Loughborough-Anh cho biết ngành thời trang hiện nay sử dụng lượng lớn những vật liệu không thể tái chế như những hóa chất từ dầu mỏ, trong khi xu hướng người tiêu dùng hiện nay sử dụng quần áo ngày càng ngắn. Hệ quả là ngày càng nhiều quần áo bị chôn xuống đất hay trôi dạt ra ngoài biển mà rất khó phân hủy hoàn toàn.
"Ngành may mặc hiện đang gây ô nhiễm lên các nguồn tài nguyên như nguồn nước, hủy hoại môi trường và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, qua đó tạo nên những biến động gián tiếp trong xã hội ở phạm vi toàn cầu", Chuyên gia Chetna nhận định.
Thời trang thế giới đang đóng góp tới 10% số khí thải nhà kính hiện nay và mỗi năm ngành này lại thải tới 1,2 tấn khí thải nhà kính ra khí quyển. Không dừng lại ở đó, ngành may mặc là thủ phạm cho 20% số nước bị lãng phí trên toàn cầu vì sử dụng một cách không hợp lý trong sản xuất.
Bất chấp những điều trên, con người đang mua nhiều quần áo hơn bao giờ hết. Hiện người tiêu dùng toàn cầu đang mua nhiều quần áo hơn 60% so với 15 năm trước đây dù khả năng sử dụng của họ vẫn thế. Tại Anh, cứ mỗi 15 phút lại có 2 tấn quần áo mới được mua, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào tại Châu Âu.
Hàng năm, khoảng 56 triệu tấn quần áo mới được mua trên toàn cầu và con số này ước tính sẽ đạt 90 triệu tấn vào năm 2030, sau đó là 160 triệu tấn vào năm 2050.
Trong khi phần lớn quần áo có thể sử dụng trong thời gian dài thì sự thay đổi xu hướng thời trang lại khiến vòng đời của chúng ngắn đi. Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, một bộ quần áo bình quân có thể sử dụng 2-10 năm không hỏng tùy vào chất liệu và thể loại. Ví dụ đồ lót hay áo phông có thể dùng 1-2 năm chưa hỏng, trong khi các bộ vest có thể dùng đến tận 6 năm.
Thật không may, sự thay đổi liên tục trong nhu cầu của người tiêu dùng khiến những món đồ này bị vứt đi nhanh chóng. Hệ quả là chúng tồn tại được khá lâu trong môi trường và gián tiếp phá hoại sinh thái.
Tại sao quần áo khó tái chế?
Hiện nay, khoảng 13,6% số quần áo và giày dép bị vứt đi tại Mỹ được tái chế. Xét trên toàn cầu, tỷ lệ này là 12%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với những sản phẩm từ giấy, kính hay nhựa với các tỷ lệ tái chế tương ứng là 66%, 27% và 29% tại Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu bằng sự phức tạp trong nguyên vật liệu làm nên mỗi bộ quần áo. Mỗi thiết kế sử dụng các phụ kiện, vảy may và vật liệu khác nhau để làm nên thành phẩm, chúng có thể là sợi tự nhiên, nhựa hay thậm chí là kim loại.
Ví dụ một chiếc áo 100% cotton sẽ vẫn chứa những thành phần khác như nhãn hiệu bằng nhựa, chỉ may bằng sợi hay các thiết kế khác trên sản phẩm.
Điều này khiến các nhà tái chế khó phân loại quần áo bởi nếu làm thủ công sẽ tốn quá nhiều chi phí. Đó là chưa kể đến xu hướng sử dụng những vật liệu hỗn hợp trong ngành thời trang hiện nay để may quần áo.
Tất nhiên, quần áo cũ có thể bán lại theo dạng secondhand nhưng tính đến năm 2015, chưa đến 1% quần áo cũ trên thế giới được sử dụng lại theo cách này. Chính xu hướng thời trang cũng như sự thất thường của nhu cầu người tiêu dùng đã kìm hãm điều này.
Bên cạnh đó, việc xử lý tái chế quần áo cũng liên quan đến các hóa chất, khiến quy trình trở nên phức tạp, đắt đỏ cũng như không còn thân thiện với môi trường. Rõ ràng, việc xử lý quần áo cũ không hề dễ và việc chúng ta mua sắm vô tội vạ đang ảnh hưởng nặng đến môi trường.
"Chúng ta cần mua quần áo chậm lại và nên dành thời gian kết nối với những bộ đồ đã mua, qua đó trân trọng chúng. Hãy nhớ rằng bất cứ bạn mặc thứ gì thì chúng cũng là công sức của rất nhiều nguồn lực để có thể tạo nên", Biên tập Clare Press của tạp chí thời trang Vogue Australia nhấn mạnh.