Loại hạt tỷ đô của Việt Nam từ Đông sang Tây ai cũng mê: giá trong nước lập đỉnh lịch sử, nước ta xuất khẩu thứ 2 thế giới
Giá xuất khẩu và giá trong nước của mặt hàng này liên tục tăng cao trong năm 2023, giúp Việt Nam thu về hơn 4,2 tỷ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12 đạt 207.613 tấn với trị giá hơn gần 600 triệu USD, tăng mạnh 74% về lượng và tăng 68,1% về trị giá so với tháng trước đó. Cả năm 2023, nước ta thu về hơn 4,2 tỷ USD với 1,62 triệu tấn cà phê xuất khẩu, giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng giảm nhưng kim ngạch tăng là do giá xuất khẩu trong 12 tháng liên tục tăng mạnh, bình quân đạt 2.613,8 USD/tấn, tăng tới 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường xuất khẩu, 3 thị trường lớn nhất là Đức, Italy và Nhật Bản với thị phần về kim ngạch lần lượt là 10.8%, 7.7% và 7,5%.
Cụ thể, xuất khẩu nước ta xuất sang Đức 196.090 tấn cà phê và thu về hơn 458 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 3,3% về trị giá. Italy chi hơn 281 triệu USD nhập khẩu 125.226 tấn cà phê từ Việt Nam, tăng 2,1% về lượng và tăng 10% về trị giá. Đối với Nhật Bản, nước ta xuất khẩu sang quốc gia này 111.003 tấn cà phê kể từ đầu năm và thu về hơn 319 triệu USD, tăng 1,5% về lượng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800 nghìn ha, Bờ Biển Ngà gần 800 nghìn ha.
Tuy là nước có diện tích cà phê đứng thứ 6 thế giới nhưng năng suất cà phê của nước ta đạt cao nhất thế giới và là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Brazil. Năng suất trung bình cà phê của Việt Nam cao gấp 1,4 lần của Brazil, gấp 2,8 lần của Colombia và gấp 4,5 lần của Indonesia.
Cà phê là loại đồ uống nổi tiếng, nhiều người nước ngoài bày tỏ sự yêu thích khi thưởng thức hương vị thơm ngon và trải nghiệm văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt.
Theo khảo sát, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng vượt mốc 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay tại thị trường trong nước.
Thông tin từ Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, giá cà phê trong nước dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024, do nguồn cung thiếu hụt trầm trọng trong niên vụ cà phê 2022/2023.
Hiệp hội ước tính còn thiếu khoảng 1,5 – 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại, trong khi nhà nông vẫn chưa muốn bán cà phê với mức giá hiện hành, đã đẩy giá tiếp tục tăng trên sàn London.
Cũng theo thống kê từ Vicofa, hiện châu Âu tiêu thụ khoảng 40-50% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam và khu vực này vẫn đang có nhu cầu tốt. Vì thế, với nguồn cung đang thiếu hụt lớn như hiện nay, dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2024.
Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết, căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ khiến một số hãng tàu phải điều chỉnh lại tuyến đường chở cà phê. Do đó, đối với cà phê Đông Nam Á và Đông Phi trên đường đến châu Âu, những tác động không lường trước được bao gồm việc tăng chi phí vận chuyển do một số công ty vận tải đã đưa ra các khoản phụ phí để bù đắp cho thời gian vận chuyển kéo dài.