Lộ thêm khối tài sản của Khải Silk bị rao bán

17/12/2018 14:12 PM | Kinh doanh

Chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên về Việt Nam từng thuộc sở hữu của đại gia Khải Silk đã từng được một showroom tư nhân tại Hà Nội chào bán.

Mới đây, thông tin Khai Silk bất ngờ chuyển quyền quản lý "lâu đài" TajmaSago và nhà hàng Cham Charm cho Tập đoàn Chloe Hospitality đã khiến không ít người ngỡ ngàng bởi "lâu đài" TajmaSago từng là biểu tượng gắn với một thời huy hoàng của ông Hoàng Khải.

Tuy nhiên, ít ai biết hồi tháng 8/2018 thông tin chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên về Việt Nam từng thuộc sở hữu của đại gia Khải Silk được một showroom tư nhân tại Hà Nội chào bán với giá hơn 9 tỷ đồng cũng từng gây xôn xao dư luận, theo thông tin từ VOV.

 Lộ thêm khối tài sản của Khải Silk bị rao bán  - Ảnh 1.

Chiếc Phantom màu bạc này chính là chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên được đưa về Việt Nam.

Gắn liền với thương hiệu và tên tuổi của doanh nhân Hoàng Khải, chiếc Phantom màu bạc này chính là chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên được đưa về Việt Nam. Thời điểm năm 2007, xe được định giá vào khoảng 1 triệu USD tức hơn 16 tỷ đồng theo tỷ giá thời bấy giờ và trở thành chiếc xe đắt nhất Việt Nam.

Tuy nhiên sau bê bối lụa giả vào cuối năm 2017, chiếc xe Rolls-Royce Phantom này đã được doanh nhân Khải Silk bán lại. Xe hiện có mặt ở Hà Nội và từng được showroom tư nhân kinh doanh xe đã qua sử dụng chào bán với giá hơn 9 tỷ đồng.

 Lộ thêm khối tài sản của Khải Silk bị rao bán  - Ảnh 2.

Chiếc Rolls-Royce Phantom từng thuộc sở hữu của doanh nhân Khải Silk được sản xuất vào năm 2006. Xe đã lăn bánh được hơn 50.000km sau 11 năm sử dụng.

Nếu so với giá bán 16 tỷ đồng thời điểm mua mới, chiếc Rolls-Royce Phantom này sau 11 năm sử dụng mất chưa đến một nửa giá trị. Mức giá 9 tỷ đồng thời điểm hiện tại cũng gần bằng giá của những chiếc Rolls-Royce Ghost đời 2010-2011 đang được chào bán.

Như vậy, có thể thấy từ sau khi dính vào bê bối bán lụa Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” nhiều tài sản giá trị của Khai Silk cũng lần lượt có những biến cố. Hiện ông Hoàng Khải cũng không còn là người đại diện pháp luật của Khải Silk dù vẫn nắm hầu hết số vốn tại công ty này.

Theo nhiều lời đồn đoán trên thị trường, tình hình kinh doanh bết bát diễn ra suốt nhiều năm của Khải Silk ở cả lĩnh vực kinh doanh tơ lụa, nhà hàng, kinh doanh bất động sản cộng với vụ việc bán lụa Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” hồi cuối năm 2017 đã khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn. Do đó việc bán tài sản để trang trải tài chính cũng là điều dễ hiểu.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2016 Công ty TNHH Khải Đức – doanh nghiệp hạt nhân chi phối lĩnh vực lụa và chuỗi nhà hàng cao cấp ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 47,7 tỷ đồng. Lợi nhuận ghi nhận trong năm 2016 chỉ hơn 1 tỷ đồng so với mức 6 tỷ đồng của năm trước. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của Khải Đức đến cuối năm 2016 vẫn đang âm hơn 1 tỷ đồng, toàn bộ tài sản hiện tại của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả.

Không chỉ Khải Đức, tình trạng tài chính bết bát cũng là thực trạng của những doanh nghiệp khác có liên quan đến Hoàng Khải. Kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải - hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, phụ trách mảng cho thuê bất động sản trong năm 2016 cũng không mấy tích cực. Dù doanh thu đạt gần 28 tỷ đồng, tăng 4 tỷ so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải lỗ gần 6 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng.

Năm 2016 mặc dù chưa dính phải vụ bê bối bán lụa Trung Quốc dán mác "made in Việt Nam" nhưng nhiều công ty con trong hệ sinh thái Khải Silk đã ghi nhận tình hình tài chính không mấy khả quan như trên thì việc tình trạng kinh doanh Khải Silk trong năm 2017, 2018 càng trở nên khó khăn là điều dễ hiểu.

Theo Lan Nhi

Cùng chuyên mục
XEM