Lo sợ bị cấm dùng Android, Huawei gấp rút phát triển hệ điều hành riêng
Việc sở hữu một hệ điều hành smartphone làm "dự phòng" có lẽ đã trở thành một vấn đề cấp bách với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang gia tăng.
Lệnh cấm của Mỹ ngăn không cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ là một bài kiểm tra đối với tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Việc ZTE có khả năng sẽ mất giấy phép sử dụng hệ điều hành Android trên các smartphone của hãng đã làm dấy lên một câu hỏi: liệu Trung Quốc có cần một hệ điều hành smartphone của riêng mình để làm phương án dự phòng?
Android và iOS hiện là hai hệ điều hành di động lớn nhất thế giới, nắm trong tay đến 99,9% thị phần toàn cầu. Đã có nhiều nhà phát triển và nhiều hệ điều hành tìm cách phá vỡ thế lưỡng độc quyền này: Microsoft với Windows Mobile OS, và Samsung Electronics với Tizen. Chúng ta còn có cả nền tảng Symbian của Nokia - từng một thời là kẻ tiên phong mở đầu thời kỳ smartphone.
Huawei Technologies - thương hiệu smartphone bán chạy hàng đầu Trung Quốc và là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - có thể là kẻ tiếp theo gia nhập đội quân này. Công ty hiện đang phát triển và hoàn thiện hệ điều hành smartphone của riêng mình - theo nguồn tin từ 4 người có mối quan hệ quen biết với các kế hoạch của công ty.
Một trong bốn người cho biết, Huawei đã bắt đầu phát triển hệ điều hành của mình sau một cuộc điều tra của Mỹ đối với Huawei và ZTE hồi năm 2012, và còn sở hữu một hệ điều hành "cây nhà lá vườn dành cho tablet và PC.
Kế hoạch này được khởi xướng bởi nhà sang lập Huawei - Ren Zhengfei - và công ty chưa bao giờ từ bỏ nó khi mà hệ điều hành này là một phần quan trọng trong chiến lược đầu tư nhằm chuẩn bị cho "những tình huống xấu nhất". Huawei không tung ra hệ điều hành này bởi nó chưa tốt như Android và cũng chưa cho nhiều ứng dụng bên thứ ba dành riêng cho mình.
Ren Zhengfei (phải) và chủ tịch Tập Cận Bình.
Tại một sự kiện tổ chức ở Bắc Kinh đầu tuần này, Zhao Ming, chủ tịch của Honor - một thương hiệu smartphone do Huawei sở hữu, đã được hỏi rằng có phải công ty đang phát triển hệ điều hành của riêng mình không. Ông này trả lời rằng: "Đó là vấn đề về khả năng và tính cần thiết. Huawei có khả năng thực hiện điều đó, nhưng ngay lúc này, tôi không nghĩ nó cần thiết khi mà chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Google và sẽ tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android".
Huawei "không có dự định tung ra hệ điều hành riêng trong tương lai trước mắt" - công ty nói - "Chúng tôi tập trung vào các sản phẩm chạy hệ điều hành Android và giữ một thái độ mở đối với hệ điều hành di động".
Thế nhưng, sau những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, việc sở hữu một hệ điều hành làm "dự phòng" có lẽ đã trở nên cấp thiết. Huawei hiện đang bị đặt dưới sự điều tra của chính phủ Mỹ vì vi phạm các lệnh cấm vận trong đó ngăn cấm bán hàng cho Iran. Cả Bộ Tư pháp lẫn Huawei đều chưa xác nhận thông tin này.
Công ty cho biết mình "tuân thủ mọi điều luật và quy chế tại các quốc gia có hoạt động kinh doanh". Hồi đầu năm nay, các nhà mạng di động Mỹ là AT&T và Verizon đã ngừng hỗ trợ thương hiệu Trung Quốc này.
"Ngay cả nếu họ đã phát triển thứ gì đó, câu hỏi chủ đạo là liệu nó có sử dụng các dịch vụ của Google hay không" - Brian Ma, phó chủ tịch công ty nghiên cứu công nghệ IDC nói - "Nếu không, hệ sinh thái ứng dụng của nó sẽ cực kỳ tệ hại đối với người dùng bên ngoài Trung Quốc, tương tự như tình huống của Windows, Tizen và các hệ điều hành di động khác".
Chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất đã luôn nằm trong chiến lược quản lý công ty, đó là những gì Ren đã nói vào năm 2012.
"Chúng ta đang phát triển hệ điều hành riêng vì lý do chiến lược, bởi nếu không, chúng ta sẽ sụp đổ khi họ đột ngột cắt nguồn lương thực, không cho phép chúng ta sử dụng Android hay Windows 8 nữa" - Ren nói. Huawei từ chối xác minh lại nội dung bài nói chuyện này, dù nó đã được đăng tải trên nhiều cổng tin tức lớn như Sina và Sohu.
"Tương tự, tôi không phản đối việc mua những con chip cao cấp từ Mỹ khi chúng ta cũng đang phát triển những con chip cao cấp của riêng mình" - Ren nói tiếp - "Tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng chip cao cấp của họ càng nhiều càng tốt để hiểu rõ về chúng hơn. Khi họ không còn bán chip cho Huawei nữa, chúng ta sẽ có thể sử dụng chip của riêng mình với số lượng lớn, dù chúng kém hơn một chút, chúng vẫn có thể được sử dụng".
Huawei là một trong những công ty có ngân sách phục vụ nghiên cứu công nghệ lớn nhất thế giới, khi chi ra 14,2 tỷ USD vào năm ngoái vào nghiên cứu và phát triển, hay 14,9% doanh thu của hãng, chỉ xếp sau Amazon và xếp trên cả công ty mẹ của Google là Alphabet.
Kết quả là bộ phận HiSilicon của Huawei - một công ty sản xuất chip bán dẫn đóng tại Thâm Quyến - đã có thể phát triển chip Kirin, con chip được sử dụng ngày càng nhiều trong các thiết bị của Huawei, bao gồm cả series Mate 10 và P20 cao cấp.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn lệ thuộc nặng vào nhập khẩu bán dẫn, chiếm hơn 60% doanh số chip toàn cầu thường niên. Chip bán dẫn đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, cùng với máy bay, dầu tinh chế và xe hơi.
Lệnh cấm ZTE và vụ điều tra Huawei đã làm ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc nóng lên. Công nghệ cốt lõi là một công cụ quan trọng đối với đất nước, đó là những gì Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong một hội nghị quốc gia về an ninh mạng và thông tin vào thứ 7 vừa qua. "Chúng ta phải dự phòng và đẩy mạnh đột phá công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực thông tin" - ông nói.
Huawei đã bán 153,1 triệu smartphone vào năm ngoái, và chúng được trang bị hệ điều hành gọi là EMUI được tối ưu từ Android của Google. Công ty này hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. Tại Trung Quốc, Huawei đứng đầu thị trường với doanh số 21 triệu máy bán ra bao gồm cả nhãn hiệu Honor.
Công ty này sẽ tiếp tục mua chipset từ Qualcomm (Mỹ) và MediaTek (Đài Loan) - hai nhà sản xuất chipset di động lớn nhất thế giới. Chip Kirin của Huawei sẽ được sử dụng trên các smartphone của chính hãng và không được bán ra cho khách hàng bên ngoài Trung Quốc.
"Chúng tôi vẫn trung thành với chiến lược nhiều nhà cung cấp này, bởi nó rất quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ của mảng kinh doanh smartphone" - Chủ tịch Eric Xu của Huawei nói trong một hội nghị tại Thâm Quyến vừa qua - "Chúng tôi không thể đặt hết trứng vào một rổ được".
Đối với thông tin Mỹ điều tra Huawei, Zhao cho biết Huawei đã từng vượt qua các cuộc điều tra bởi nhiều quốc gia khác trước đây bởi công ty tuân thủ pháp luật.
"Miễn là chúng tôi tiếp tục kinh doanh một cách trung thực, chúng tôi sẽ ổn" - ông nói.
Tham khảo: SCMP