Lộ nhiều sai phạm ở dự án cao ốc nghìn tỷ giữa trung tâm Hà Nội, ông chủ đứng sau là ai?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), dự án tổ hợp cao ốc 21 tầng tại số 44 Yên Phụ (Hà Nội) đã có sai phạm về việc góp vốn của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, vi phạm quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Ngoài ra, TTCP kiến nghị kiểm tra, rà soát lại việc miễn tiền thuê đất.
Những năm gần đây, thị trường địa ốc Hà Nội xôn xao với một tổ hợp tháp đôi cao cấp cao 21 tầng, có tên thương mại là Hanoi Aqua Central. Đây là tòa nhà hỗn hợp khách sạn 5 sao, căn hộ thương mại, văn phòng và trung tâm thương mại được xây dựng trên lô đất 6.800m2 tại địa chỉ 44 Yên Phụ. Một vị trí rất đắc địa, ngay sát khu phổ cổ Hà Nội, được xem là "đất vàng" ở Thủ đô.
Các căn hộ ở đây được quảng cáo là căn hộ cao cấp có giá cả chục tỷ đồng mỗi căn. Hanoi Aqua Central có tổng số 238 căn hộ và penthouse, đều là những căn hộ 3-4 phòng ngủ diện tích từ 117 đến 146m2, với giá bán khoảng 70-90 triệu đồng/m2.
Vị trí đắc địa dự án Hanoi Aqua Central
Ông chủ Hanoi Aqua Central là ai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất xây dựng dự án trước đây do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý, sử dụng từ năm 2005 trước khi được chuyển mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Tháp nước Hà Nội, được thành lập vào tháng 2/2009. Tại ngày thay đổi đăng ký kinh doanh 25/06/2015 thì công ty có vốn điều lệ 197,8 tỷ đồng, gồm có 4 cổ đông sáng lập: gồm Công ty CP BĐS An Bình có trụ sở tại 21 Hàm Nghi, Q1, Tp.HCM (công ty này đã chuyển nhượng hết cổ phần –PV), Công ty CP Picenza Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội.
Ông Trần Văn Phòng là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc, được biết ông Phòng là thành viên HĐQT Công ty CP Sông Đà 207, một trong 2 nhà thầu của dự án.
Nhìn vào cơ cấu cổ đông này, cho thấy những ông chủ đứng sau dự án đáng chú ý phải kể tới là Picenza Việt Nam, do ông Nguyễn Văn Hùng là chủ tích, hay còn được biết đến là ông chủ của chuỗi nội thất Hùng Túy, được mệnh danh là "tay chơi" trong lĩnh vực nội thất khi sở hữu căn nhà mặt phố 20 Cát Linh diện tích sàn khoảng 1.000m2 với đầy đủ các thương hiệu nội thất nhập khẩu từ Tây Ban Nha,…nhiều chi tiết được dát vàng 24k.
Tuy nhiên, cái tên nắm giữ phần lớn cổ phần tại dự án lại khá xa lạ là CTCP Đầu tư và Thương mại Hà Nội. Đây được xem là một trong 5 thành viên của Tập đoàn Đồng Lực, cái tên khá "bí ẩn" khiến nhiều người tò mò.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tập đoàn này hoạt động ở lĩnh vực dược phẩm và y tế, hình thành từ năm 1998 cung cấp các thiết bị y tế tại Việt Nam. Trong lĩnh vực BĐS, họ đầu tư thứ cấp vào nhiều dự án tại Hà Nội như Diamond Flower, 671 Hoàng Hoa Thám, Dự án BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình…
Lộ nhiều sai phạm
Theo thông tin vừa được báo Đấu Thầu phản ánh kết luận của TTCP về dự án Hanoi Aqua Central, trong quá trình đầu tư xây dựng dự án này có nhiều sai phạm. Thời gian triển khai dự án từ quý 1/2016 đến quý 2/2018. Tại thời điểm thanh tra, Dự án đã hoàn thiện toàn bộ 3 tầng hầm và đang thi công phần thân công trình.
Đáng chú ý là việc ngày 12/1/2017 Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội, là sai quy định theo Nghị định 91 của Chính phủ, bởi tại thời điểm này công ty không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trường hợp đã góp vốn, đầu tư phải thoái vốn.
Để đầu tư dự án này, tháng 11/2015 HĐQT của Tháp nước Hà Nội đã quyết định tăng tổng mức đầu tư Dự án từ 989 tỷ đồng lên 2.594 tỷ đồng (tăng 262%) và dự kiến tăng vốn điều lệ từ 197,8 tỷ đồng lên 518,8 tỷ đồng. Nên các bên phải góp vốn bổ sung.
Phối cảnh dự án Hanoi Aqua Central
Trước đó, để thực hiện dự án năm 2007 giữa công ty Nước sạch Hà Nội và CTCP Đầu tư và Thương Mại Hà Nội đã ký kết hợp tác kinh doanh, sau đó thành lập ra Cty Tháp Nước Hà Nội. Năm 2015 dự án được chuyển mục đích sử dụng đất. Hai bên đã tiến hành góp vốn theo tỷ lệ Nước sạch Hà Nội góp 30% (tương đương 59,3 tỷ) và Đầu tư và Thương mại Hà Nội góp 70%, được huy động vốn từ các nhà đầu tư khác khoảng 138,4 tỷ đồng.
Cũng theo TTCP, Đầu tư và Thương mại Hà Nội đã hỗ trợ Nước sạch Hà Nội gần 70,7 tỷ đồng, số tiền này được UBND TP Hà Nội đồng ý được ghi tăng vốn chủ sở hữu, trong đó góp vào Tháp nước Hà Nội là 59,3 tỷ.
Ngoài ra, TTCP còn phát hiện dự án vi phạm về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP.
Đối với khoản 64 tỷ đồng tiền thuê đất và tiền chậm nộp còn nợ trước khi chuyển mục đích sử dụng đất: Theo lý giải của Chủ đầu tư và UBND TP. Hà Nội, thì Tổng cục Thuế đã đồng ý với kiến nghị của Cục thuế Hà Nội cho Chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng xây dựng, tạm ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng từ ngày 22/7/2010 đến hết ngày 11/2/2015, số tiền 41,8 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Chi cục Thuế quận Ba Đình đã thực hiện quyết toán và Chủ đầu tư đã nộp số tiền thuê đất còn nợ và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát việc miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng xây dựng, tạm ngừng hoạt động; đồng thời tính tiền và ký hợp đồng thuê đất mới đối với diện tích 2.168 m2 đất làm sân đường nội bộ và 466 m2 đất làm vườn hoa mở phục vụ cho dân trong khu vực sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước khi biểu quyết tăng vốn tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội để thực hiện Dự án.