Lo ngại nguy cơ từ các ‘vũ khí bí mật’ của Chính phủ khi kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Chính phủ vẫn không hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế dù mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm khá ảm đạm. Theo các chuyên gia kinh tế, đã có dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang áp dụng một biện pháp rất xưa để đạt mục tiêu tăng trưởng: KÍCH CẦU. Nguy cơ ‘ném tiền Nhà nước’ vào đầu tư với hiệu quả thấp đang rất hiện hữu.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2016.
Để đạt được mức tăng trưởng này, Tổng cục Thống kê cho rằng từ giờ đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế phải đạt mức 7,6% - câu chuyện mà các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận là RẤT KHÓ – từ ngữ mà các chuyên gia cũng nói thẳng là đã sử dụng rất kiềm chế.
Trong cuộc họp mới đây, Chính phủ thống nhất không hạ mục tiêu tăng trưởng. Và để thực hiện được mục tiêu này, các “vũ khí bí mật” của Chính phủ đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Vũ khí 1: Kích cầu
“Tất cả chính sách đang giống biện pháp ngày xưa: KÍCH CẦU”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Viện Kinh tế Tài chính – Học viện Tài chính, lo ngại.
Tại tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 2/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế lo ngại trong khi Việt Nam kêu gọi tái cơ cấu kinh tế suốt từ năm 2011 đến nay, nhưng giờ các cơ quan chức năng vẫn khuyến nghị tăng đầu tư, tức tăng trưởng bằng đầu tư.
Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đã lên tới 32,9% GDP, trong khi cách đây 2 năm mức 30% GDP được đặt ra như mục tiêu khó đạt.
Như vậy, đã có chuyện tăng trưởng thấp hơn, nhưng đầu tư cao hơn hẳn. Và dường như các chính sách vẫn có khuynh hướng kêu gọi tăng đầu tư để tăng trưởng.
“Toàn bộ công sức tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng e là sẽ lại xuống sông xuống biển”, TS. Ánh lo ngại.
Vũ khí 2: Khuyến nghị tăng đầu tư khu vực Nhà nước
Trong mức 32,9% đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm, tăng trưởng đầu tư thấp nhất là khu vực Nhà ước với mức 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Khu vực ngoài Nhà nước tăng trưởng 14,7%, và mức tăng trưởng cao nhất 15,6% thuộc về khu vực FDI.
Với chiến lược kích cầu, chúng ta sẽ kích thích đầu tư khu vực nào?
Mức tăng 15,6% của khu vực FDI đã tăng gấp đôi mức tăng năm 2015, gấp 3 so với số liệu này năm 2014.
Khu vực ngoài Nhà nước cũng đã có mức tăng gấp rưỡi mức tăng năm ngoái.
Chúng ta đang kêu gọi là tăng đầu tư khu vực Nhà nước – khu vực vốn dĩ trước nay có hiệu quả đầu tư thấp nhất. Nếu tăng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước, tổng vốn đầu tư sẽ tăng vọt, nhưng hiệu quả đầu tư không đi theo.
“Với mức tăng trưởng như thế, chúng ta đang khuyến nghị tăng cường “ném tiền Nhà nước” ra. Đây là chính sách nới lỏng tài khóa thông qua tăng đầu tư”.
“Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản lại thấp. Tại sao chúng ta không giải ngân được? Hay là vướng mắc ở dự án chứ không phải không có tiền giải ngân?”, TS. Ánh đặt vấn đề.
Vũ khí 3: Tăng xuất khẩu
Mục tiêu xuất khẩu trong năm 2016 Chính phủ đặt ra là trên 10%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm chỉ ở mức 5,9%, còn cách một khoảng quá xa.
Nếu chúng ta kiên trì giữ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% đến cuối năm 2016, thì từ giờ đến cuối năm, mức tăng phải là bao nhiêu cho đủ?
Quan trọng hơn, nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch xuất khẩu thật đã tăng 10,1%. Theo lý giải của TS Ánh, điều này có nghĩa không phải do chúng ta xuất khấu kém hơn, mà là do giá thế giới đang đi xuống. “Việt Nam định làm gì với giá thế giới? Giải pháp của Việt Nam là gì để thay đổi giá thế giới?”, ông Ánh chất vấn.