Lỗ lớn, nợ nhiều, Giấy Tân Mai muốn chuyển nhượng hàng ngàn hecta rừng ở Lâm Đồng

06/09/2017 15:38 PM | Bất động sản

Từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành giấy nhưng Tân Mai đã trượt dốc mạnh trong những năm qua. Năm 2016, doanh thu của công ty chưa đến 50 tỷ đồng trong khi lỗ lũy kế đã lên đến hơn 550 tỷ.

Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Tân Mai vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 tại Tp. Biên Hòa, Đồng Nai với sự tham gia của 46 cổ đông, đại diện cho 83,3 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương 93,5% vốn cổ phần.

Dù đã có một nhóm cổ đông sở hữu khoảng 9% không nhất trí với hầu hết các nội dung tờ trình liên quan đến hoạt động kinh doanh các năm 2015, 2016, báo cáo triển khai các dự án Lâm nghiệp, dự án Công nghiệp và dự án bất động sản tại Công ty và định hướng năm 2017. Nhưng cuối cùng, với số cổ phần áp đảo của nhóm cổ đông, đại hội cũng đã thông qua các tờ trình.

Chuyển nhượng và hợp tác với bên ngoài khai thác quỹ đất

Đáng chú ý nhất là quyết định thông qua việc chuyển nhượng 2.000 ha rừng thông tại Tỉnh Lâm Đồng để thu xếp vốn đầu tư dự án Nhà máy Bột Giấy & Giấy Tân Mai Kontum. Có hơn 9% số cổ phần không tán thành và có ý kiến về vấn đề này.

Cùng với đó, Tập Đoàn Tân Mai cũng đưa ra phương án chuyển nhượng cổ phần tại các Công ty được thành lập từ việc hợp tác đầu tư khai thác quỹ đất tại nhà Máy giấy Tân Mai, Nhà máy giấy Đồng Nai, nhà máy Giấy Bình An; quỹ đất rừng 1.000 ha tại Huyện Vĩnh Cữu, ĐN; quỹ đất từ 35ha đến 40ha dự án nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông.

Về dự án Nhà máy Giấy Tân Mai quãng Ngãi, công ty đã thông qua việc ngừng dự án này và chuyển toàn bộ máy móc, dây chuyền bột BCTMP 130.000T/năm và chuyển dây chuyền sản xuất giấy trắng 200.000 T/năm về cho Tập đoàn Tân Mai để đầu tư xây dựng dự án Nhà Máy giấu tại Đồng Nai và dự án Nhà máy Bột giấy tại Kontum.

Đồng thời, thông quan việc lập dự án đầu tư Nhà máy Giấy Long Thành – Đồng Nai sau khi Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông và dự án Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai KonTum hiện hữu đi vào hoạt động ổn định.

Nhóm cổ đông lớn Tân Mai cũng đã thông qua chủ trương góp 30% vốn thành lập Công ty CP để kinh doanh dịch vụ logistic trên diện tích 35ha đến 40ha tại Công ty CP Tân Mai Miền Đông – Long Thành.

Thông qua chủ trương thành lập Công ty CP đầu tư và phát triển với mô hình Công – Nông – Lâm nghiệp tại các xí nghiệp NLG Lâm Đồng, Xí nghiệp NLG ĐăkLăk, Xí nghiệp NLG Đông Nam Bộ, xí nghiệp NLG ĐăkNông. Theo đó, ban lãnh đạo được quyền chọn các đơn vị tư vấn lập hồ sơ và định giá đối với các dự án trước khi thành lập Công ty.

Công ty cũng thông qua chủ trương cho thành lập thêm một Công ty cổ phần tại Lâm Đồng để lập dự án khai thác các quỹ đất thông qua hình thức hợp tác, liên kết, chuyển nhượng…Cụ thể, dự án khu du lịch sinh thái nghĩ dưỡng khoảng 600 ha tại tiểu khu 276, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng; Dự án khu đất ở và Văn phòng khoảng 16,1ha tại khoảnh 6, tiểu khi 278a, xã Hiệp An, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh các dự án trên, Công ty cũng đề xuất thông qua chủ trương lập dự án xin Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên diện tích rừng tại Đông Nam bộ thuộc đất công ty quản lý.

 Lỗ lớn, nợ nhiều, Giấy Tân Mai muốn chuyển nhượng hàng ngàn hecta rừng ở Lâm Đồng  - Ảnh 1.

Được biết Công ty cổ phần Tập Đoàn Tân Mai tiền thân là Công ty Kỹ Nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA) được thành lập ngày 14/10/1958 và chuyển sang cổ phần vào đầu năm 2006. Ngành nghề kinh doanh chính của Tân Mai là sản xuất bột giấy, giấy, các sản phẩm từ giấy, bao bì, hoạt động lâm nghiệp, trồng cao su…

Dù là một trong những DN lớn trong ngành và sở hữu quỹ đất rừng hàng ngàn hecta nhưng hoạt động kinh doanh của Tập đoàn này liên tục thua lỗ trong khi nợ thì liên tục tăng. Tính đến 31/12/2016, nợ phải trả của Tập Đoàn này đã lên đến gần 6.800 tỷ đồng và gần ngang với tổng tài sản.

Năm 2016, công ty này tiếp tục thua lỗ 61 tỷ đồng, con số có thể lớn hơn nếu như công ty ghi nhận một cách hợp lý trên báo cáo tài chính theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán.

Kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán SG-VN cũng nhấn mạnh rằng Công ty đang có số lỗ lũy kế 553 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản đáng lý phải ghi nhận), số dư nợ ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn 342 tỷ đồng. Các khoản nợ vay quá hạn tại các ngân hàng với tổng số tiền 262 tỷ đồng chưa được cơ cấu lại thời gian trả nợ. Vấn đề này theo kiểm toán viên là có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn này.

Theo Hoàng Trung

Cùng chuyên mục
XEM