Lộ diện nhiều "tay chơi" mới rót nghìn tỷ vào địa ốc, doanh nghiệp ngoài ngành lại lao vào bất động sản

08/05/2017 16:35 PM | Kinh doanh

Trong khi có nhiều doanh nghiệp địa ốc đang "than thở" thị trường có nhiều khó khăn, thực hiện chiến lược đầu tư cầm chừng, thì ngược lại nhiều doanh nghiệp trái ngành như thủy sản, nông nghiệp, giao thông lại quyết lập công ty có vốn điều lệ cả nghìn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án BĐS.

Xu hướng này có thể thấy qua mùa ĐHCĐ thường niên năm 2017 của các doanh nghiệp vừa qua.

"Ông lớn" ngành xây dựng lấn "sân chơi" đầu tư địa ốc

Trong mua ĐHCĐ thường niên 2017, nhiều "ông lớn" ngành xây dựng công bố kế hoạch lớn và tham vọng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án BĐS lớn. Đơn cử như Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) - doanh nghiệp có tiếng trong ngành cầu đường với nhiều dự án BT, tuyến đường trên cao... Trước mắt, trong năm 2017 này, CII sẽ thành lập công ty CP CII Land để hiện thức hóa chiến lược đầu tư hai dự án cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Công CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cũng đã lập công ty con chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có tên là Công ty TNHH Convestcons. Theo đó, vốn điều lệ của Convestcons dự kiến khoảng 26 tỷ đồng. Công ty được phân nhiệm vụ thực hiện kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là môi giới bất động sản (bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất) và kinh doanh BĐS (bao gồm kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất, thuộc chủ sở hữu hoặc đi thuê).

Ông Vũ Duy Lam, Giám đốc Đầu tư CTD , cho biết, “Chúng tôi nhìn nhận rằng không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Do đó, CTD đang muốn đi trước một bước, đang tranh thủ lúc thị trường đang còn tốt, dùng nguồn lực đầu tư để có được nguồn thu lâu dài, ổn định”.

Song song đó, cũng tuyên bố tại ĐHCĐ 2017, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty CP Tasco (mã HUT) cho biết định hướng phát triển trong 5 năm tới của Công ty tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư bất động sản; đầu tư y tế và công nghệ.

Về đầu tư bất động sản, ông Dũng cho biết sẽ lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư để đầu tư bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Hiện Công ty đang thực hiện dự án nhà ở Bộ Ngoại giao 48 Trần Duy Hưng. Dự án này có doanh thu là trên 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, Tasco tập trung chiến lược mua lại đất, làm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư về bất động sản ở Hà Nội và các thành phố lớn. Công ty định vị lợi nhuận nhất định ở mức 25-30%. “Chúng tôi làm xong là bán chứ không kỳ vọng lớn quá. Vừa qua nhiều nhà đầu tư lao đao, bản thân Tasco rất khó khăn nên qua đó chúng tôi rút kinh nghiệm đó là bán được là bán, không tích tụ, không om hàng”, ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ Tasco, mới đây Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cũng thông báo sẽ chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.

Tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Cienco 4 đã công bố giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An). Cienco 4 mới thành lập Công ty cổ phần Green Tea Islands và ủy thác cho Green Tea Islands thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau.

Doanh nghiệp ngoài ngành lại lao vào "cuộc chơi"

Không chỉ những doanh nghiệp trong ngành xây lắp lấn sân sang đầu tư các dự án BĐS, mà thị trường còn chứng kiến nhiều cái tên ngoài ngành còn lạ lẫm. Đơn cử như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn công bố, sẽ rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP.HCM).

Tại ĐHCĐ của CP Thủy sản Hùng Vương (HVG), lãnh đạo công ty này khẳng định rằng hiện công ty đang sở hữu một quỹ đất khá lớn để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" vào lĩnh vực BĐS trong năm nay, với 10ha đất ở KCN Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sản xuất; Dự án tại quận 6 không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỷ mà dự kiến sẽ rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp để gia tăng giá trị tài sản.

Một bất ngờ khác, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017, trong đó nhắm vào chiến lược đầu tư và khai thác một số dự án khách sạn. Hiện Tracodi đã thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp và văn phòng (Tòa nhà Bamboo Prince Court) tại số 89 Cách mạng Tháng 8, Quận 1, TP.HCM. Diện tích dự án dự kiến là 2,328 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng.

Theo HĐQT Tracodi, do tài chính dự án quá lớn so với năng lực tài chính của Tracodi, nên để tránh rủi ro, HĐQT trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT cân nhắc, lựa chọn đối tác hợp tác có năng lực tài chính và kinh nghiệm khai thác bất động sản cùng góp vốn xây dựng tòa nhà này. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2017 hoặc trong năm 2018 tùy vào tình hình tài chính công ty.

Là một công ty có thế mạnh về kinh doanh dây cáp, thiết bị ngành điện, tuy nhiên tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017 với cuộc chuyển hướng là "bám" theo lĩnh vực đầu tư - kinh doanh BĐS. Theo đó, SAM kỳ vọng doanh thu đạt 2,531 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 192% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, mảng dây và cáp vẫn chiếm vị thế quan trọng, đạt lần lượt 71% tổng doanh thu và 67% tổng lợi nhuận theo kế hoạch.

Riêng mảng bất động sản, SAM đặt kế hoạch doanh thu 606 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo HĐQT công ty, chỉ tiêu kế hoạch đề ra để Ban điều hành cố gắng chứ có thể vẫn tiếp tục lỗ trong năm 2017. Mặc dù vậy, mạnh mảng bất động sản sẽ là một trong hai mảng kinh doanh chủ lực của Công ty trong năm 2017. Cụ thể, Samland sẽ nhắm đến hai phân khúc nhà chung cư và du lịch nghỉ dưỡng, trong đó mảng chung cư Công ty dự kiến triển khai tại những thành phố lớn như TP.HCM hay TP. Hà Nội.

Cùng với đó, một công ty có thế mạnh về điện lạnh nhưng đóng góp doanh thu và lợi nhuận cao nhất năm 206 cho Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) lại là... BĐS! Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 vừa được công bố tại ĐHĐCĐ mới đây, REE đặt mục tiêu tổng doanh thu 4.631 tỷ đồng, tăng 26,1% so với doanh thu đạt được năm 2016; trong đó riêng doanh thu từ REE M&E khoảng 2.000 tỷ đồng, bất động sản khoảng 737 tỷ đồng, Reetech 720 tỷ đồng, mảng điện và nước khoảng 616 tỷ đồng.

REE cho biết hiện nay đang triển khai dự án cao ốc văn phòng E.town Central, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2018. Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE cho biết hiện tại dự án cho thuê của tòa nhà E.Town Central đang đi tới giai đoạn hoàn thiện, dự kiến có thể ký 50% diện tích cho thuê trong năm nay. Hiện dự án đã có 5 - 6 khách đặt vấn đề cần thuê 3 - 4 tầng lầu.

Thậm chí Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) - một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử cũng bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc. Trong năm 2017, doanh nghiệp này sẽ triển khai một số dự án căn hộ cao cấp tại tỉnh Gia Lai và TP.HCM.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM