Lộ diện mảnh ghép công nghệ cao của Viettel: Sản phẩm quân sự công nghệ cao tương đương chuẩn NATO, đang sản xuất hàng loạt thiết bị theo dõi sức khỏe tim mạch từ xa, máy lọc và cấp không khí tươi…
Mảnh ghép "công nghiệp và công nghệ" rất quan trọng của hệ sinh thái Viettel đã bộc lộ tương đối hoàn chỉnh và toàn diện trong năm 2021.
Mới đây, Viettel đã tuyên bố tái định vị thương hiệu, hình thành 6 nền tảng chủ đạo của một xã hội số gồm: Hạ tầng số; Giải pháp số; Nội dung số; Tài chính số; An ninh mạng và Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Với mảng công nghệ cao, hơn 10 năm tham gia nghiên cứu, chế tạo và sản xuất công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Viettel đã tổ chức lại bộ máy và công bố thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) vào đầu năm 2019, hoạt động trên lĩnh vực chính: Công nghệ quân sự; Công nghệ viễn thông; và Thiết bị dân dụng.
Nếu như Tập đoàn Viettel được xác định trở thành hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam trong tương lai không xa, thì VHT chắc chắc phải đóng vai trò "hạt nhân của hạt nhân", Trung tá Nguyễn Vũ Hà – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) chia sẻ.
Chiến lược của VHT là luôn phát triển đồng đều cả 3 trụ cột quân sự - dân sự - viễn thông với phương châm làm chủ công nghệ cao với trình độ song hành thế giới".
Là cái tên khá kín tiếng trong hệ sinh thái Viettel, ít người biết trong lĩnh vực công nghệ quân sự, đến nay đơn vị này đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng hàng chục khí tài quân sự hiện đại.
Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel cho biết trong số những khí tài quân sự hiện đại đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng, tiêu biểu có thể kể đến các dòng sản phẩm công nghệ cao và rất cao - tương đương chuẩn NATO như các dòng ra đa công nghệ mới, hệ thống chỉ huy điều khiển, quang điện tử… vốn đều phải nhập ngoại hoặc không thể nhập ngoại.
Chỉ riêng năm 2020, VHT đã triển khai thử nghiệm thành công, sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng nhiều sản phẩm, với tổng giá trị đạt 7,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 326 triệu USD.
Ở lĩnh vực công nghệ viễn thông, trong năm 2020, VHT đã đóng gói thành công nhiều sản phẩm công nghệ cao như thiết bị truy nhập vô tuyến gNodeB 5G, mạng lõi 5G, chip 5G (chip RFIC, DFE)… sẵn sàng thương mại hóa theo lộ trình. Đặc biệt, thiết bị lõi 5G do VHT nghiên cứu chế tạo sản xuất đã tham gia hoạt động và kết nối thông suốt trên mạng 5G của Viettel được cung cấp ở mức dịch vụ thương mại thử nghiệm diện rộng từ tháng 11/2020 vừa qua.
Trước đó, nhiều sản phẩm cốt lõi của mạng lưới viễn thông do VHT sản xuất như vOCS, IMS, EPC, site router... đã được đưa vào khai thác trên mạng viễn thông Viettel cả tại Việt Nam và các thị trường quốc tế như Myanmar, Lào, Campuchia, Burundi… Đây là những hệ thống sản phẩm công nghệ viễn thông chỉ có rất ít các hãng lớn trên thế giới có thể làm chủ được. Vì vậy, VHT đã nhận được đề xuất tham gia cung cấp thiết bị, giải pháp viễn thông chuyên nghiệp của một số đối tác quốc tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dự kiến năm 2021, doanh thu lĩnh vực công nghệ viễn thông của VHT sẽ tăng khoảng 43,3%.
Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị dân sự, VHT đã hình thành một hệ sinh thái sản phẩm công nghệ cao. Các nền tảng, giải pháp mới của VHT như nền tảng kết nối Internet vạn vật (IoT Platform), Camera giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bộ điều khiển nguồn và lưu điện thông minh, thiết bị quản lý tàu cá, các thiết bị theo dõi sức khỏe tim mạch từ xa, máy lọc và cấp không khí tươi… được thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất hàng loạt. Lĩnh vực này trong năm 2021 dự kiến doanh thu tăng đến 24%.
Là đơn vị chủ lực của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, năm 2020 VHT đã hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận đơn 66 sáng chế.