Không chỉ phụ nữ đang mang thai, mà bất kỳ ai cũng có thể gặp nguy hiểm bởi virus Zika
Virus Zika được cho là nguyên nhân chính gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh cũng là nghi phạm chính cho hội chứng Guillain-Barré, khiến bệnh nhân người lớn bị liệt tạm thời, hôn mê mãi mãi hay thậm chí tử vong.
Chưa đầy 1 năm sau trận dịch Ebola, thế giới lại chứng kiến dấu hiệu của một đại dịch mới ở Châu Mỹ mang tên Zika.
Thông thường, các triệu chứng nhiễm virus Zika ở người lớn là không rõ ràng và chưa có ghi nhận thiệt hại về tính mạng. Tuy nhiên, đợt dịch mới tại Châu Mỹ này đã khiến khoảng 1,5 triệu người bị nghi mắc bệnh và khiến nhiều trẻ em mắc dị tật đầu nhỏ.
Hiện virus Zika đã được chính thức phát hiện ở 28 quốc gia, bao gồm Mỹ, và Tổ chức Y tế Quóc tế (WHO) đã nhận định hầu như tất cả các nước Châu Mỹ đang có nguy cơ bị lây lan loại dịch bệnh này.
Hiện nay, điều khiến mọi người thực sự lo lắng là chưa có vắc xin hay phương pháp điều trị loại dịch bệnh này.
Thậm chí, các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được liệu virus Zika có phải thủ phạm gây ra các dị tật não nhỏ của trẻ sơ sinh hay không và nếu đúng như vậy, cơ chế lây lan cũng như tác động của virus này là như thế nào.
Virus Zika lây lan chủ yếu qua muỗi Aedes
Bệnh sốt Zika là bệnh gì?
Bệnh sốt Zika là một loại bệnh gây ra bởi virus Zika, lây lan qua đường muỗi Aedes. Đây là một trong những triệu chứng hiếm hoi của những người nhiễm virus Zika, chiếm tỷ lệ khoảng 20% số người mắc bệnh. Những bệnh nhân còn lại hầu như không có triệu chứng gì dù đã nhiễm virus.
Loại bệnh sốt Zika này thường kéo dài từ vài ngày đến 1 tuần và điều đặc biệt nguy hiểm là người bệnh hiếm khi bị sốt nặng tới mức phải đi bệnh viện hay tử vong, qua đó khiến bệnh nhân tưởng lầm là sốt thông thường và bỏ qua xét nghiệm hay điều trị.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus Zika và khoảng 60-80% người nhiễm bệnh không có triệu chứng gì. Thời gian ủ bệnh là từ 3-12 ngày và 20-40% số bệnh nhân còn lại sẽ mắc bệnh sốt Zika với các triệu chứng đau cơ, phát ban, mắt đỏ, sốt, đau đầu.
Virus Zika hiện chỉ được phát hiện qua xét nghiệm huyết thanh với công nghệ hiện nay nếu chưa có các phát hiện mới. Do loại xét nghiệm này chưa được thương mại hóa hoàn toàn nên việc các bệnh nhân Zika bị chẩn đoán sai là dễ xảy ra.
Bệnh nhân sốt Zika thường tự hồi phục bình thường sau quá trình mắc bệnh nhưng liệu virus có còn tồn tại trong cơ thể người bệnh hay không thì vẫn còn là nghi vấn.
Hiện các bệnh viện chưa có vắc xin hay thuốc chữa cho loại bệnh này nhưng Giáo sư Paul Roepe và chuyên gia Daniel Bausch của WHO khuyến cáo người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, virus Zika được cho là có thể gây ra sự co rút não trẻ sơ sinh nếu các bà mẹ nhiễm bệnh khi mang thai. Loại virus này cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng Guillain-Barré với triệu chứng tê liệt thần kinh ở con người.
Trẻ em sơ sinh mắc dị tật đầu nhỏ
Virus Zika đến từ đâu?
Trên thực tế, bệnh sốt do virus Zika gây ra đã có từ thập niên 50 tại vùng Châu Phi gần sa mạc Sahara khi được phát hiện lần đầu vào năm 1947 trong cơ thể một con khỉ ở vùng rừng Zika-Uganda. Năm 1948, loại bệnh này được phát hiện cũng nằm trong các loài muỗi tại vùng rừng Zika này.
Đến năm 1952, bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika là người Nigeria.
Cho đến trước năm 2007, loại virus này từng được phát hiện tại một số vùng rừng nhiệt đới Châu phi và Đông Nam Á nhưng chưa có dấu hiệu bùng phát thành dịch bệnh.
Đến năm 2007, một số hòn đảo tại Thái Bình Dương cũng phát hiện loại virus này cùng một số bệnh nhân. Cho đến tận năm 2014, tổng số trường hợp nghi nhiễm loại virus này chưa đến 200 người.
Tháng 2/2014, một đợt dịch nhỏ chính thức bùng phát tại đảo Polynesia thuộc Pháp tại Thái Bình Dương với số ca nhiễm liên tục tăng. Đi kèm với đó là các triệu chứng dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Tháng 5/2015, loại bệnh này được phát hiện tại Brazil và nhanh chóng lan ra toàn Châu Mỹ với tốc độ và triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Nhiều chuyên gia hiện nay cho rằng virus Zika có thể lây truyền qua đường muỗi bằng các hình thức như bám trong khoang máy bay hoặc tàu biển, hoặc lây lan qua những người đi du lịch hay công tác.
Hiện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (UCDC) đã nâng mức báo động lên cấp 2 và yêu cầu mọi người cẩn trong khi du lịch đến 17 nước đang có dịch bệnh này.
Trên thực tế, tất cả những vùng mà loài muỗi Aedes có thể sinh sống đều có nguy cơ lây nhiễm virus Zika cao.
Con đường bùng phát của virus Zika
Tại sao mọi người cần lo lắng về dịch bệnh này?
Trước khi vụ việc tại Brazil bùng phát, chưa có trường hợp dịch bệnh Zika nào lây lan rộng được ghi nhận. Tuy nhiên, việc virus Zika lây lan nhanh chóng tại Brazil cùng với tỷ lệ trẻ em mắc tật đầu nhỏ tăng 3.800% trong năm 2015 đang khiến nhiều người nghi ngờ loại virus này chính là thủ phạm.
Những đứa trẻ mắc dị tật đầu nhỏ thường tử vong khi được sinh ra hoặc sống không lâu sau đó. Thậm chí khi được chăm sóc cẩn thận, những đứa trẻ này sẽ phải chịu thiệt thòi và đau đớn trong cuộc sống sau này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil đã ghi nhận 46 trường hợp trẻ em mắc dị tật đầu nhỏ tử vong.
Mặc dù ngoài Zika, bệnh sởi cũng có thể gây nên dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nhưng với những triệu chứng lâm sàng ở Brazil, nhiều chuyên gia nghiêng về phía virus Zika hơn.
Ngoài ra, một số yếu tố nữa cũng có thể gây ra loại dị tật này như do lối sống không lành mạnh của người mẹ, hút thuốc, uống rượu và dùng thuốc phiện quá nhiều.
Thậm chí một số chuyên gia còn nghi ngờ khả năng nhiễm độc trong môi trường sống, nhưng những nguyên nhân này có độ khả thi không cao.
Hiện các chuyên gia vẫn chưa thể xác định người mẹ mắc virus Zika bao lâu thì đủ an toàn để mang thai và sinh con.
Dù Brazil đã ghi nhận gần 3.900 trường hợp trẻ em sinh ra mắc dị tật đầu nhỏ nhưng con số trên chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng số trẻ em mới sinh tại quốc gia này và nhiều phụ nữ từng mắc bệnh sốt Zika tại đây cũng không sinh ra con có dị tật trên.
Tuy vậy, WHO và chính phủ Brazil vẫn khuyến cáo các mẹ đang mang thai cẩn thận với virus Zika khi những chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của dị tật trên.
Phụ nữ mang thai và mọi người nên tránh đến các vùng dịch
Chỉ phụ nữ mang thai là nguy hiểm?
Câu trả lời là KHÔNG.
Virus Zika có thể gây ra triệu chứng Guillain-Barré, một loại bệnh hiếm thấy khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào thần kinh, khiến người bệnh bị liệt tạm thời hoặc thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Guillain-Barré vẫn chưa được xác định chính xác nhưng khoảng một nửa trường hợp mắc bệnh này được ghi nhận là do nhiễm trùng cấp tính bởi virus hay vi khuẩn (bị lây qua các trường hợp viêm họng hay bị cảm cúm).
Tại El Salvador, gần 150 trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré do bị lây virus Zika và điều này chứng tỏ loại dịch bệnh này dễ gây ra triệu chứng tê liệt tạm thời nhiều hơn các loại bệnh khác.
Hầu hết các bệnh nhân mắc triệu chứng Guillain-Barré có thể hồi phục từ vài tháng đến khoảng 2 năm, nhưng cũng có trường hợp cá biệt bị liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong. Tuy vậy, triệu chứng Guillain-Barré chưa từng lây lan rộng và cũng chưa được coi là mối nguy hiểm như dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Mặc dù vậy, mối liên kết giữa virus Zika, dị tật đầu nhỏ và triệu chứng Guillain-Barré vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh hoàn toàn mà chỉ dựa trên các thí nghiệm lâm sàng cũng như chẩn đoán sơ bộ.
Virus Zika có thể lây nhiễm trực tiếp từ người sang người?
Đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu cho thấy virus Zika có thể không lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo mọi người không thể không đề phòng bởi loại virus này chưa được phân tích triệt để.
Cá biệt, năm 2009 đã ghi nhận trường hợp người đàn ông lây virus Zika cho một người phụ nữ qua đường tình dục.
Cần tích cực diệt muỗi để đối phó với virus Zika
Cần làm gì để đối phó với virus Zika?
Hiện chưa có vắc xin hay thuốc điều trị loại bệnh này, vì vậy tại thời điểm hiện nay, những người sống ở vùng nhiệt đới cần cố gắng phòng tránh muỗi đốt, mắc màn, mặc quần áo dài tay hay bôi thuốc.
Phụ nữ mang thai được khuyến nghị không nên di chuyển đến các vùng có dịch.
Một số nước Châu Mỹ Latinh thậm chí đề nghị phụ nữ tạm ngừng mang thai cho đến năm 2018. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước cũng đang tăng cường công tác tiêu diệt muỗi, dọn dẹp vệ sinh, sử dụng nước sạch.
Dù động thái này không tiêu diệt hoàn toàn được muỗi Aedes nhưng cũng làm giảm không gian sống của chúng.