Cận cảnh sân bay tốt nhất thế giới

11/12/2011 07:39 AM |

Dù còn nhiều tranh luận, nhưng từ trước đến nay Changi ở Singapore được nhiều người xem là sân bay tuyệt vời nhất thế giới.

Kể từ khi mở cửa vào năm 1981, sân bay Changi của Singapore đã 370 lần nhận được các danh hiệu tốt nhất thuộc nhiều hạng mục từ các tổ chức du lịch hay các nhà xuất bản trên khắp thế giới. Khi nhìn vào cách điều hành của sân bay này, người ta hiểu tại sao Changi nhận được nhiều mến mộ của các hành khách đến thế.

Changi là một trong những sân bay hiếm hoi có nhiều tiện nghi vốn chỉ tìm thấy ở các khu vực dành riêng cho khách VIP của các hãng hàng không. Tại đây, hành khách có thể nghỉ ngơi, ngủ trưa, xem TV, tìm đồ uống ở quầy bar, làm việc với đường Internet miễn phí. Phòng nghỉ trưa có giá 23 USD cho mỗi 3 tiếng đồng hồ, phòng tắm 6 USD mỗi lần. Thậm chí sân bay này cung cấp cả dịch vụ mát xa cá với giá 17 USD cho mỗi 20 phút. Hành khách ở lại khách sạn chờ chuyến sau có thể dùng bể bơi miễn phí, còn những người khác đóng 11 USD. Sân bay cũng có một chuyến xe bus miễn phí đi từ sân bay đến trung tâm Singapore.

Không chỉ quan tâm đến những chi tiết lớn, nhà quản lý còn chăm chút cả các tiểu tiết nhỏ để làm hài lòng khách hàng. Ví dụ tại đây, người ta hạn chế hết mức những màn thông báo bằng loa phiền toái vốn thường thấy ở các sân bay, thay vào đó, họ mở những bản nhạc dịu nhẹ xua tan cái căng thẳng cho những người đang chờ di chuyển. Thậm chí trong toilet, sân bay còn lắp đặt cả màn hình cảm ứng để hành khách gửi tin nhắn ra ngoài, chẳng hạn để thông báo hết giấy toilet.

Bằng những phương thức khéo léo, sân bay Changi đã "dụ dỗ" người dùng vui vẻ rút ví vào các trung tâm mua sắm. Ví dụ như hành khách muốn dùng cầu trượt từ tầng 4 của khu vui chơi phải trình được hóa đơn đã mua hàng tại trung tâm thương mại với giá trị ít nhất 8 USD. Tại đây, 70.000 mét vuông dành cho các cửa hàng, đã đem lại 50% doanh thu cho sân bay. Năm ngoái, tổng doanh thu của các nhà bán lẻ tại đây đã đạt kỷ lục tới một tỷ USD.

Là sân bay lớn thứ 18 thế giới về lượng hành khách, Changi vẫn nhỏ hơn Kennedy Airport ở New York và Schiphol ở Amsterdam. Mặc dù vậy, sân bay này đóng vai trò là điểm kết nối quan trọng giữa bắc và nam Á cũng như châu Âu với châu Đại dương.


"Chúng tôi muốn thay đổi cách thức đi lại từ trước đến nay, và tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn mới, khiến người ta không còn cảm thấy căng thẳng mỗi khi phải di chuyển", ông Foo Sek Min, Phó Chủ tịch của Tập đoàn sân bay Changi, nơi điều hành sân bay Changi phát biểu.

Một trong dự án xuất phát từ ý tưởng cá nhân của ông Foo là khu vườn bướm. Với kỳ vọng đem lại cảm giác thư giãn, thoải mái cho hành khách, sân bay này xây dựng một khu vườn nhiệt đới 2 tầng với hàng nghìn con bướm sặc sỡ. Trước đây, người ta dự định xây nơi thư giãn cho những người hút thuốc. "Nhưng rồi chúng tôi tự hỏi: 'Sao không làm nhiều hơn thế", ông Foo nói.

Tại Changi, người ta có thể tìm thấy mọi loại dịch vụ cần thiết. Ở đây có hẳn một nhà ga mang tên "Jet Quay" dành cho những người có nhu cầu riêng tư như các ngôi sao, người đi máy bay riêng, quan chức chính phủ, các CIP (người quan trọng về mặt thương mại) hay nói chung bất cứ ai có tiền. Bỏ ra 1.150 USD, hành khách sẽ được đưa đón bằng limosine đến tận chân máy bay. Thêm 231 USD, họ sẽ được sử dụng nhà ga riêng và có xe điện đưa ra tận cửa. Bỏ ra 62 USD nữa, sẽ có người của Jet Quay chào đón khách và hộ tống ra khu vực chính.

"Phục vụ khách hàng luôn đi liền với kiếm lợi nhuận", ông Foo nói. "Đã bao giờ bạn cần một bể bơi ở sân bay chưa? Chưa bao giờ có ai đề nghị điều đó. Tuy nhiên chúng tôi đã tạo ra nhu cầu cho khách. Và thế là nhiều người đã chọn Singapore vì họ có thể bơi ở sân bay", ông nói tiếp.

Bill Franke, cựu Chủ tịch hãng hàng không America West Airlines, người đang điều hành hành một quỹ đầu tư vào các hãng hàng không, cho biết ông là một khách hàng thường xuyên của sân bay này. "Việc giao nhận hành lý nhanh chóng, thủ tục nhập cảnh dễ dàng và an ninh tốt, khung cảnh dễ chịu là vài trong số các lý do khiến tôi thích sân bay này", ông cho biết.

Còn ông chủ một công ty mỏ Kevin Swendson, đang trên đường đến Indonesia công tác, cho biết ông đã dành thời gian chờ máy bay để xem phim trong rạp tại sân bay Changi. "Tôi biết nhiều sân bay rất chán. Còn ở đây tôi được xem phim, mát xa, ăn uống. Điều đó thật tuyệt", ông thốt lên. Đối với Swendson, các sân bay chỉ cần có óc tưởng tượng tốt và thêm một chút gia vị là sẽ thành công. "Điều này có vẻ không khó đối với các hãng hàng không thực sự muốn thay đổi mình", Kevin Swendson nhận xét.

Theo Thanh Bình

VnExpress

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM