“Liều thuốc hy vọng”: Ông Biden thúc đẩy các nước giàu chia sẻ vaccine Covid-19

23/09/2021 21:00 PM | Xã hội

Tổng thống Biden đã lên kế hoạch công bố các cam kết bổ sung vaccine Covid-19 của Mỹ trong cuộc họp hôm 22/9 (theo giờ Mỹ) để thúc đẩy phần còn lại của thế giới cùng đưa ra “cam kết với mức độ lớn hơn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy các quốc gia khá giả làm nhiều hơn nữa để kiểm soát đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới, một số nhóm viện trợ và tổ chức y tế toàn cầu đưa ra cảnh báo về tốc độ tiêm chủng đang chậm lại.

“Liều thuốc hy vọng”: Ông Biden thúc đẩy các nước giàu chia sẻ vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP.

Ông Biden sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về vaccine vào ngày 22/9 để thúc đẩy các nước khác đi theo sự dẫn dắt của Mỹ - nước cho đến này đã tài trợ vaccine cho quốc tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, ông Biden chuẩn bị công bố một đợt mua vaccine mới để chia sẻ cho thế giới và đặt ra mục tiêu cho các quốc gia khác làm điều tương tự.

Nhưng ngay cả như vậy, hành động của Mỹ vẫn vấp phải sự chỉ trích vì quá khiêm tốn, đặc biệt khi chính quyền Biden ủng hộ việc cung cấp mũi tiêm tăng cường cho hàng chục triệu người Mỹ trước khi những người dễ bị tổn thương ở các quốc gia nghèo nhận được mũi tiêm đầu tiên.

“Chúng ta đã nhìn thấy thất bại của chủ nghĩa đa phương để đưa ra phản ứng một cách công bằng, phối hợp với nhau trong những thời điểm khó khăn nhất. Khoảng cách giữa các nước liên quan đến quá trình tiêm chủng là chưa từng thấy”, Tổng thống Colombia Iván Duque nói.

Ngày 21/9, ông Biden đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc Mỹ đã chi hơn 15 tỉ USD cho phản ứng toàn cầu đối với Covid-19, để hỗ trợ hơn 160 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước khác. Mỹ cũng đã mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và tặng cho chương trình COVAX .

“Máy bay chở vaccine từ Mỹ đã hạ cánh ở 100 quốc gia, mang đến cho mọi người trên khắp thế giới một chút hy vọng, như một y tá đã nói với tôi. Một liều hy vọng từ người dân Mỹ - và quan trọng là không có ràng buộc”, ông Biden phát biểu.

Tổng thống Biden đã lên kế hoạch công bố cam kết bổ sung của Mỹ trong cuộc họp hôm 22/9 (theo giờ Mỹ) để qua đó kêu gọi phần còn lại của thế giới cùng đưa ra “cam kết với mức độ lớn hơn”.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng thừa nhận những gì mà cộng đồng quốc tế đang làm là chưa đủ.

Tổng thống Chile Sebastian Piñera cho rằng “chiến thắng” của việc phát triển vaccine thần tốc đã bị phủ mờ bởi “thất bại” của sự phân phối không công bằng.

“Nếu như trong khoa học, sự hợp tác chiếm ưu thế thì trong chính trị lại là chủ nghĩa cá nhân. Trong khoa học, thông tin được chia sẻ chiếm ưu thế thì trong chính trị là dự trữ. Trong khoa học, làm việc theo nhóm chiếm ưu thế còn trong chính trị lại là nỗ lực cô lập”, ông Piñera nói.

Bất bình đẳng trong phân phối vaccine vẫn nhức nhối

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự bất bình đẳng về vaccine giữa các nước giàu và nghèo. Trong một tuyên bố được đưa ra vào tuần trước, WHO đã bày tỏ mong muốn các quốc gia thực hiện cam kết chia sẻ vaccine “ngay lập tức” và cung cấp thêm mũi tiêm cho chương trình triển khai vaccine cho các nước nghèo nói chung và châu Phi nói riêng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 20/9 viết trên Twitter rằng WHO mong muốn cuộc họp của Liên Hợp Quốc giúp đảm bảo công bằng vaccine và khả năng tiếp cận bình đẳng với các công cụ phòng, chống đại dịch Covid-19, cải thiện khả năng chuẩn bị cho tình huống sắp tới và nỗ lực đổi mới để đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc trên phạm vi rộng hơn.

Tiến sĩ Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO, cho biết: “Chúng tôi muốn có những hành động lớn hơn trong việc thúc đẩy tiếp cận liều tiêm cho các nước thực sự cần chúng”.

COVAX, chương trình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để phân phối vaccine đến tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo, đã phải vật lộn với những trục trặc trong khâu sản xuất, thiếu hụt nguồn cung và thỏa thuận song phương của một số nước với các nhà sản xuất.

WHO đã nhiều lần kêu gọi “đoàn kết”, thúc giục các công ty dược phẩm sản xuất vaccine ưu tiên cho COVAX, công khai kế hoạch cung ứng, đồng thời kêu gọi những nước giàu tạm thời chưa triển khai rộng rãi tiêm mũi thứ 3 để nhường phần cho lực lượng y tế và những người dễ bị tổn thương ở các quốc gia đang phát triển.

Cho đến nay, COVAX đã bỏ lỡ gần như toàn bộ mục tiêu chia sẻ vaccine. Các nhà quản lý của cơ chế này đã nhiều lần giảm mục tiêu cung cấp vaccine cho đến cuối năm nay – từ mục tiêu ban đầu là khoảng 2 tỷ liệu vaccine trên toàn thế giới xuống mức 1,4 tỷ hiện nay. Nhưng mục tiêu này vẫn có nguy cơ bị bỏ lỡ.

Tại một cuộc họp báo vào tuần trước, Tiến sĩ Seth Berkley Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã gọi chương trình này là “đợt triển khai vaccine lớn nhất, phức tạp nhất trong lịch sử” và thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều biết rằng phản ứng toàn cầu vẫn chưa đủ tốt”.

“Thế giới bị chia thành phần có Covid-19 và phần không có Covid-19 càng lâu thì đại dịch sẽ càng kéo dài, càng có nhiều biến thể phát triển và càng có nhiều người chết và đau khổ hơn”, tiến sĩ Maria Guevara của tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận định.

Tom Hart, quyền Giám đốc điều hành của ONE Campaign cho biết: “Một năm rưỡi sau đại dịch, chúng ta gần như không thể đảm bảo được kế hoạch ứng phó toàn cầu”.

Theo ông Hart, các nước G7 đã thể hiện ý chí chính trị hạn chế trong việc giải quyết sự bất bình đẳng về vaccine và hội nghị thượng đỉnh ngày 22/9 là một dấu hiệu tích cực đáng hoan nghênh, mang lại cơ hội cải thiện việc cung cấp và phân phối vaccine trên toàn cầu./.

Theo Hùng Cường

Cùng chuyên mục
XEM