Liên tục tăng trưởng vượt dự báo và không có dấu hiệu dừng lại: Một "con hổ châu Á" mới đang hình thành ngay cạnh Việt Nam?

31/03/2023 14:05 PM | Kinh tế vĩ mô

Nền kinh tế Campuchia không chỉ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch mà còn có nhiều điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Liên tục tăng trưởng vượt dự báo và không có dấu hiệu dừng lại: Một "con hổ châu Á" mới đang hình thành ngay cạnh Việt Nam? - Ảnh 1.

"Con hổ châu Á" mới?

Là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hơn hai thập kỷ, cùng với lượng dân số trẻ ngày càng tăng và nhanh chóng được chuyển đổi thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, Campuchia ngày càng được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế coi là "Con hổ châu Á" tiếp theo, theo bước của Singapore, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc trên nhiều phương diện - tờ Khmer Times cho hay.

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, nhờ xuất khẩu hàng may mặc phát triển mạnh và du lịch bùng nổ, nền kinh tế Campuchia đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,7% trong giai đoạn 1998-2019, biến nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Báo cáo cho biết thêm rằng sau đại dịch, Campuchia đã bắt đầu lấy lại đà phục hồi. Các động lực tăng trưởng truyền thống, đặc biệt là sản xuất hàng may mặc, da giày, du lịch và xuất khẩu nông sản đã phục hồi hoàn toàn.

Theo báo cáo công bố tháng 12/2022, nền kinh tế Campuchia được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2022, được củng cố bởi xuất khẩu hàng hóa và hoạt động kinh tế trong nước. Tuy nhiên, ngày 2/1/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước này đã đạt 5,5% và nguồn thu từ thuế, hải quan vượt hơn 127% so với kế hoạch (tương đương hơn 6,1 tỷ USD).

Liên tục tăng trưởng vượt dự báo và không có dấu hiệu dừng lại: Một "con hổ châu Á" mới đang hình thành ngay cạnh Việt Nam? - Ảnh 2.

Trong trung hạn, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm do luật đầu tư mới và các hiệp định thương mại tự do giúp thúc đẩy đầu tư và thương mại.

Anthony Galliano, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), nói với Khmer Times rằng Campuchia xứng đáng được công nhận là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới với những thành tựu kinh tế trong lịch sử và có tiềm năng với triển vọng hứa hẹn nhất trong khu vực.

Campuchia đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới kể từ năm 1998, ông Galliano nhấn mạnh.

Theo ông Galliano, nhờ cách điều hành "gần như hoàn hảo" của chính phủ trước đại dịch Covid-19, Campuchia đã duy trì được sự cân bằng giữa y tế, an toàn xã hội cũng như an ninh và ổn định kinh tế. Nhờ đó, Campuchia đã trở thành một trong những nền kinh tế ít bị tổn thương nhất với tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất.

"Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dự báo rằng Campuchia sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2025. Vương quốc này có tỷ lệ thất nghiệp gần như bằng không và đang tạo ra nhiều việc làm tốt hơn với thu nhập ngày càng tăng," ông Anthony nói.

Chủ tịch AmCham chia sẻ thêm: "Campuchia có nền kinh tế mở, chính phủ ổn định và tiếp tục cung cấp các ưu đãi đầu tư. Đất nước đã tham gia và tiếp tục tham gia các hiệp định thương mại quan trọng, đồng thời liên tục và nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường xá và cảng".

Liên tục tăng trưởng vượt dự báo và không có dấu hiệu dừng lại: Một "con hổ châu Á" mới đang hình thành ngay cạnh Việt Nam? - Ảnh 3.

Theo ông Galliano, đó là những lý do tại sao đất nước này có thể trở thành nền kinh tế "Con hổ châu Á" tiếp theo trong khu vực.

Ngoài ra, một số lợi thế khi đầu tư vào Campuchia bao gồm 100% quyền sở hữu công ty của các nhà đầu tư nước ngoài ngoại trừ một số hạng mục như sản xuất thuốc lá, sản xuất phim, xay xát gạo, khai thác và chế biến đá quý.

Các lợi thế khác bao gồm thuế doanh nghiệp thấp, yêu cầu vốn tối thiểu chỉ 1.000 USD để thành lập công ty và dân số trẻ khoảng 8 triệu người dưới 25 tuổi. Ông Anthony Galliano cho rằng "Campuchia có lẽ là nơi an toàn nhất trên trái đất để sinh sống."

Lợi thế của Campuchia

Theo Galliano, nền kinh tế Campuchia vẫn đang tăng tốc bất chấp việc giảm vốn FDI của Trung Quốc và xuất khẩu của Campuchia sang nước này chậm lại.

"Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là yếu tố bất ngờ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia ở mức cao hơn nhiều so với dự đoán".

Vichet Lor, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Toàn cầu (GRA) tại Phnom Penh, đồng ý với quan điểm rằng mức độ USD hóa cao đã giúp nước này thu hút các khoản đầu tư nước ngoài lớn vì nó bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những biến động lớn của tiền tệ.

Là một nền kinh tế tự do hóa hoàn toàn, Campuchia có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sá, sân bay, khoan và khai thác dầu, ông Lor cho biết thêm rằng Campuchia cũng đang có một trong những mức thuế doanh nghiệp thấp nhất ở châu Á và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai gần với sự ra đời của Luật Đầu tư Mới cung cấp các ưu đãi về thuế và thời gian miễn thuế lên đến chín năm.

Sự ổn định của nền kinh tế cũng được làm nổi bật bởi thực tế là Tổng nợ quốc gia chỉ bằng khoảng 40% GDP khiến các tổ chức tài chính như ADB, IMF và Ngân hàng Thế giới đánh giá Campuchia là an toàn về tài chính trong trung hạn, Lor nói thêm.

Một lợi thế to lớn khác giúp Campuchia có tiềm năng trở thành "Con hổ châu Á" tiếp theo là nước này có dân số trẻ với khoảng 70% dưới 40 tuổi và tỷ lệ thất nghiệp gần bằng không. Theo ý kiến của Vichet, dân số nói được hai thứ tiếng hoặc ba thứ tiếng ở Phnom Penh làm tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của FDI. Sau Singapore và Malaysia, Campuchia được coi là quốc gia có dân số nói tiếng Anh lớn nhất trong khu vực.

Liên tục tăng trưởng vượt dự báo và không có dấu hiệu dừng lại: Một "con hổ châu Á" mới đang hình thành ngay cạnh Việt Nam? - Ảnh 4.

Việc không có các hạn chế trong trao đổi hoặc chuyển tiền ngoại tệ cũng đã nâng cao vị thế của đất nước trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài. Việc thu thuế tăng hàng năm đã mang lại cho chính phủ nhiều dư địa và sự linh hoạt hơn để đầu tư hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Luật Thuế sửa đổi sắp được Quốc hội Campuchia thông qua sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của các nhà đầu tư vào nước này. Các thị trường vốn mới nổi bao gồm Sàn giao dịch chứng khoán Campuchia (CSX) sẽ đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới. Đất nước này cũng có nhiều lĩnh vực chưa được khám phá để tăng trưởng như fintech và thương mại điện tử có thể thu hút nhiều đầu tư hơn trong tương lai gần.

Chính sách Đặc khu kinh tế (SEZ) của Campuchia cũng đang đóng vai trò hàng đầu để kích thích lĩnh vực sản xuất vì nước này đã được hưởng lợi rất nhiều từ các Hiệp định Thương mại Tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc, bên cạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Đây đều là những dấu hiệu cho thấy Campuchia giữ nhiều tiềm năng để trở thành nền kinh tế "Con hổ châu Á" tiếp theo trong khu vực.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM