Liên tục sa thải nhân viên, đóng cửa văn phòng, tương lai Uber sẽ đi về đâu?
Từng là biểu tượng tham vọng không giới hạn ở thung lũng Silicon, Uber hiện đang rất bết bát, liên tiếp sa thải nhân viên, đóng cửa văn phòng.
Uber từng là biểu tượng của tham vọng không giới hạn ở thung lũng Silicon. Gần đây nhất, công ty này hứa hẹn với người dùng sẽ mở ra một cuộc cách mạng xe tự lái và phổ biến hóa "xe bay".
Tuy nhiên vào hôm qua, Uber nói rằng họ sẽ tiếp tục sa thải thêm 3.000 nhân viên, loại bỏ những dự án lớn và đóng cửa hàng chục văn phòng sau khi dịch Covid-19 đã khiến mảng kinh doanh gọi xe của họ gặp quá nhiều khó khăn.
Vòng cắt giảm nhân sự mới nhất tại công ty khiến tổng cộng 6.7000 người đã phải mất việc kể từ khi khủng hoảng bắt đầu. Trước đó vào đầu tháng này, hàng nghìn người cũng đã được cho nghỉ việc. Việc cắt giảm nhân sự hiện chiếm 1/4 lực lượng lao động của Uber.
Trong bức thư gửi nhân viên vào ngày hôm qua, CEO Dara Khosrowshahi đã ngừng lại một chút và nói rằng đây sẽ là đợt sa thải cuối cùng của công ty vì Covid-19.
Những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra cho thấy gã khổng lồ gọi xe - đơn vị có văn phòng trên khắp thế giới trở nên nhỏ bé hơn rất nhiều. Trong email gửi đi vào thứ 2, CEO Dara nói rằng Uber sẽ tái định hướng lại cho công ty thành 2 mảng kinh doanh cốt lõi: Gọi xe và giao đồ ăn. Những mảng đầu cơ gồm Uber Incubator, phòng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và dịch vụ tìm kiếm việc làm Uber Works sẽ bị đóng cửa. Uber cũng sẽ đóng hoặc hợp nhất 45 trong số hàng trăm văn phòng trên toàn cầu của hãng.
"Chúng tôi phải thiết lập chính mình trở thành doanh nghiệp có khả năng tự duy trì, không còn phụ thuộc vào nguồn vốn mới hay các nhà đầu tư để tăng trưởng, mở rộng và cải tiến", CEO Dara nói trong thư gửi nhân viên.
Cổ phiếu Uber đã tăng tới 9% sau tuyên bố vào ngày thứ 2 nhưng kết thúc phiên chỉ tăng 4%. Việc cắt giảm nhân lực và một số thay đổi khác tuyên bố vào ngày hôm qua sẽ khiến công ty mất chi phí khoảng 175 - 220 triệu USD, hầu hết sẽ được ghi nhận trong báo cáo quý 2.
Các chuyên gia phân tích nói rằng dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Uber từ một công ty chỉ chú trọng tăng trưởng sang tập trung vào chi phí. Kết quả là những thay đổi vừa được công bố có thể vẫn là chưa đủ.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có một đợt sa thải thứ 3 ở Uber. Họ có cấu trúc chi phí khá lớn".
Kể từ khi đại dịch ập đến, Uber đã chuyển sang tập trung vào những khu vực trọng điểm, bên cạnh việc giảm những hoạt động kinh doanh thua lỗ. Công ty cũng đóng cửa hoạt động giao đồ ăn ở 7 khu vực, giảm tải mảng chia sẻ xe đạp đang đốt tiền rất nhiều và tạm thời đóng 40% trạm điều lái xe. Một trong những văn phòng sẽ được đóng là Singapore, nơi Uber đã bán hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab vào năm 2018.
Dù ở những địa phương mảng kinh doanh Uber phát triển mạnh, một vài văn phòng nhỏ cũng sẽ bị hợp nhất với văn phòng lớn. Những thành phố gồm San Francisco và New York - có nhiều văn phòng Uber sẽ được hợp nhất lại khi nhân viên quay trở lại khi việc phong tỏa chấm dứt.
Uber không phải là công ty duy nhất đang gặp khó khăn trong đại dịch. Việc giữ khoảng cách và lệnh phong tỏa ở nhiều nơi khiến những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chia sẻ gặp khó khăn. Lyft - đối thủ chính của Uber ở Bắc Mỹ đã cắt giảm 17% nhân viên, cho nghỉ việc không lương hoặc giảm lương số còn lại. Airbnb thì cắt giảm 1/4 lực lượng lao động.
Suốt nhiều năm Uber theo chiến lược đốt tiền để đổi lấy tăng trưởng người dùng, chính vì vậy họ cũng đối mặt với nhiều thách thức trước khi dịch Covid-19 ập đến. Mảng giao đồ ăn của họ là điểm sáng hiếm hoi trong khi đó những mảng khác gồm xe tự lái và taxi bay vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan.
Đầu tháng này, công ty báo cáo mức giảm lượng booking lần đầu tiên trong lịch sử trong quý đầu tiên và rút lại mục tiêu đạt lợi nhuận trong năm tới thay vì cuối năm 2020. Để đạt được mốc đó, CEO Dara nói rằng ông lên kế hoạch cắt giảm 1 tỷ USD chi phí, gồm sa thải nhân viên, giảm thuê bất động sản…
Tờ Bloomberg ước tính rằng nếu Uber quyết định thoái vốn khỏi tập đoàn xe tự lái ATG và mảng vận chuyển hàng hoá, họ có thể cắt giảm thêm 500 - 100 triệu USD chi phí hàng năm. Tuy nhiên, CEO Dara không đề cập đến việc cắt giảm 2 mảng này.
Nhưng dù đang tiến hành những nỗ lực cắt giảm chi phí, Uber vẫn đang đàm phán mua lại Grubhub - thương vụ sẽ giúp họ trở thành người chơi chính trong thị trường giao đồ ăn ở Mỹ. CEO Dara nói với nhân viên rằng dù Uber thua lỗ trong mảng giao đồ ăn nhưng đây là "cơ hôi tăng trưởng khổng lồ tiếp theo".
Cũng trong ngày hôm qua, Uber đã vay thêm 100 triệu USD, bổ sung vào con số 900 triệu USD bán trái phiếu vào tuần trước.