Các ngành học bị TikToker chỉ mặt là "vô dụng", gây thất nghiệp nhiều nhất NHƯNG thực tế có tỷ lệ việc làm cao ngất ngưởng, sinh viên chỉ cần tốt nghiệp là 100% có việc
Các ngành học như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự... đều có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt gần 100%.
Khi gần đến thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các clip hướng nghiệp trên TikTok với chủ đề "Những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam" hay bóc phốt các ngành học dễ thất nghiệp lại xuất hiện càng nhiều.
"Thầy nói các em học sinh lớp 12 nghe, các em đừng học những ngành như Xã hội học, Văn hóa học, Nhân học, Hán Nôm, Bảo tàng học… những ngành hoàn toàn không có tương lai. Có những ngành nghề lạc hậu rồi, không phải hay hay dở mà là thị trường có cần hay không. Đó là vấn đề của cung cầu chứ không phải thích, nếu ở ngoài không có nhu cầu thì dẹp…"- trích lời của một TikToker và đang công tác ở một trường đại học nói.
Trong một số clip TikToker này cũng nói thêm: "Các em hãy bỏ ngay những ngành như Thiết kế thời trang, Xã hội học... Những ngành này học xong không có việc làm và 100% thất nghiệp chứ không phải 99% thất nghiệp. Hoặc học xong sẽ chẳng có nơi nào nhận, còn nếu có thì lương cũng không nỡ đếm nổi..".
Ngoài ra, các ngành học như Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự... cũng được các TikToker liệt kê là những bằng đại học vô dụng nhất. Các cá nhân đăng tải những clip này khuyên các bạn trẻ không nên đăng ký học những ngành này.
Tuy nhiên trên thực tế, theo thống kê từ hàng loạt trường đại học cho thấy những ngành này đều nằm trong top tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.
Tại Đại học Kinh tế TPHCM, trong đề án tuyển sinh 2024 thể hiện tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 12 tháng sau tốt nghiệp ở ngành quản trị kinh doanh là 96,03%, marketing gần 95% và ngôn ngữ Anh 100%.
Theo đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, những ngành bị gọi tên "vô dụng nhất" có tỷ lệ việc làm nằm trong top đầu. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên số sinh viên phản hồi ngành quản trị kinh doanh 97,69%, quản trị nhân lực 97,58%, marketing 97,93% và ngôn ngữ Anh 98,73%.
Khảo sát năm 2023 tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng cho thấy tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi ngành quản trị kinh doanh trên 90%, ngôn ngữ Anh 100%.
Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), báo cáo gần nhất chỉ ra ngành quản trị kinh doanh tỷ lệ việc làm 86%, marketing 95%.
Trường Đại học Luật TPHCM, khảo sát tỷ lệ việc làm nhiều năm liền thể hiện ngành ngôn ngữ Anh luôn có tỷ lệ việc làm chạm ngưỡng 100%, ngành quản trị kinh doanh trên 94%.
Theo đề án tuyển sinh 2023 của Học viện Tài chính, 99,15% sinh viên ngành quản trị kinh doanh và 98,1% sinh viên ngành ngôn ngữ Anh ra trường có việc làm.
Còn trong đề án tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề cập con số tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở ngành quản trị kinh doanh 98,7%, marketing 97,8%; quản trị nhân lực 95,3%.
Ngoài ra, báo Dân Trí dẫn thống kê những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) có ngành marketing, kinh doanh thương mại, bất động sản, biên phiên dịch…
Falmi dự báo nhu cầu nhân lực cho năm 2024 tại TPHCM dự kiến cần khoảng từ 300.000 - 320.000 chỗ làm việc.
Theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 71,31% tổng nhu cầu nhân lực năm 2024, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,58% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,11%.
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 64,27%, trong đó ngành thương mại chiếm 23,4%; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 3,72%; du lịch chiếm 4,72%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 7,06%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 5,62%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 6,45%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 8,07%; giáo dục và đào tạo chiếm 2,63%; y tế chiếm 2,6%.
Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%. Cụ thể, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,57%, trung cấp chiếm 23,94%, cao đẳng chiếm 21,28%, đại học trở lên chiếm 22,21%, lao động phổ thông chiếm 13%.
Tổng hợp