Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi
Trong 2 ngày, 3 quận huyện tiếp tục ghi nhận xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi. Đến thời điểm này, hiện nay Hà Nội đã có 4 quận, huyện xuất hiện dịch.
Ngày 7/3, Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại gia đình ông Đỗ Văn Bạc (thôn Bình Chù, xã Dương Quang). Cơ quan chức năng tiêu hủy 29 con lợn, tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại.
UBND xã Thụy Lâm (Đông Anh) lập 3 chốt kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển gia súc từ Thụy Lâm đi hướng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).
Trước đó, ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan (phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Gia đình bà Lan nuôi 46 con lợn, trong đó 4 con lợn mắc bệnh và đã chết.
Ngay sau khi lợn chết bất thường, bà Lan đã báo cho cán bộ thú y xuống lấy mẫu. Các mẫu xét nghiệm bệnh phẩm từ đàn lợn cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong ngày 6/3, Chi cục Thú y Hà Nội tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của gia đình bà Lan.
Như Tiền Phong đã đưa tin, tối 5/3, một ổ dịch khác được phát hiện ở hộ chăn nuôi gia đình bà Trương Thị Vân (xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh).
Như vậy, từ ngày 22/2, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hà Nội đã ghi nhận ở địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, đến nay toàn thành phố đã có 4 quận huyện xuất hiện ổ dịch.
Theo ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Ngã Tư Sở, chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), thịt lợn có phần tiêu thụ chậm hơn từ một tuần nay.
Hỗ trợ ngay 38.000 đồng/kg lợn tiêu hủy
UBND thành phố Hà Nội vừa họp ứng phó dịch tả lợn châu Phi. Lãnh đạo Hà Nội đề nghị các địa phương khẩn trương tiêu hủy và sau 5 ngày lợn bị tiêu hủy phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi.
Địa phương thứ 10 xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Ngày 7/3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại Thái Nguyên. Đây là địa phương thứ 10 trên cả nước có dịch ASF cùng với Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên và Hòa Bình.
Dịch ASF xuất hiện tại đàn lợn hơn 50 con của một hộ chăn nuôi ở xóm Giữa, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Nguyên cùng huyện Phú Bình phát hiện nhiều mẫu dương tính với ASF. Địa phương đã tiêu huỷ đàn lợn 52 con.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra việc tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thủy Nguyên-Hải Phòng. Ảnh: Khánh Nguyên
Huyện Phú Bình lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại xã Ức Kỳ, đề nghị các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện "5 không" trong vòng chống dịch: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành có nhiều tuyến giao thông, nên việc kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật chung và từ lợn là vô cùng khó khăn, trong khi có đàn lợn khoảng 2 triệu con, nuôi nhỏ lẻ trong dân chiếm trên 60%.
Đặc biệt, nguồn lợn từ nhiều địa phương khác cung cấp cho các cơ sở giết mổ ở Hà Nội hàng ngày rất lớn. Các cơ sở như Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ 1.800-2.000 con/ngày, một số cơ sở giết mổ tại Chương Mỹ, Mê Linh từ 100-500 con/ngày, phụ thuộc 60 % số lợn từ tỉnh thành khác. Ngoài ra, nhiều lò mổ nhỏ lẻ (3- 5 con/ngày) thường không chấp hành việc khai báo kiểm dịch. Lợn giết mổ xong thường chở bằng xe máy vào ban đêm, có thể từ vùng này qua vùng kia, kể cả từ nơi đang có dịch về Hà Nội.
Nam Khánh