Liên minh các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới đồng thuận giảm mạnh sản lượng

07/06/2020 15:51 PM | Kinh tế vĩ mô

OPEC và một số nước sản xuất dầu đồng minh của OPEC vào ngày thứ Bảy đã đồng ý kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng lịch sử thêm 1 tháng nữa trong nỗ lực cân bằng thị trường dầu toàn cầu.

OPEC và một số nước sản xuất dầu đồng minh của OPEC vào ngày thứ Bảy đã đồng ý kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng lịch sử thêm 1 tháng nữa trong nỗ lực cân bằng thị trường dầu toàn cầu. Thỏa thuận đã được chốt trong buổi họp trực tuyến của nhóm, theo tin từ CNBC.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman, cho biết: “Hôm nay chúng tôi có cơ sở để có thể lạc quan thận trọng về tương lai, tuy nhiên, chúng ta chưa vượt qua khó khăn và sẽ còn nhiều thách thức trước mắt”.

Ông đã hối thúc nhóm này thể hiện sự đoàn kết và đi đến kết luận nhanh chóng: “Cùng với nhau, chúng tôi trở nên mạnh hơn, chúng tôi có thể khôi phục lại sự bình ổn cho thị trường dầu toàn cầu và giúp xây dựng lại kinh tế toàn cầu”.

Bắt đầu từ 1/5/2020, liên minh đã đồng ý giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày. Ban đầu, thỏa thuận giảm sản lượng dự kiến sẽ được rút dần từ ngày 1/7/2020. Giờ đây, mức sản lượng của tháng 7/2020 đã được quyết định ở mức 9,7 triệu thùng dầu/ngày sau khi Mexico, nước có sản lượng 100.000 thùng dầu/ngày cho biết nước này sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận trước đây của nhóm.

Mức giảm sản lượng sẽ được điều chỉnh theo tháng, cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ được bắt đầu vào ngày 18/6/2020.

Một vấn đề dai dẳng với OPEC+ cho đến nay chính là các nước không tuân thủ hạn mức trước đây của họ. Thỏa thuận vào ngày thứ Bảy được thực hiện dựa trên mức độ tuân thủ của các thành viên tham gia.

Những nước nào chưa thực hiện đủ quy định giảm sản lượng cần phải thực hiện đầy đủ cam kết giảm sản lượng đó trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2020 nhằm bù lại cho việc họ không làm đúng cam kết trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Bộ trưởng Năng lượng, Thái tử Saudi Arabia nói: “Việc tuân thủ chặt chẽ cam kết là cần thiếp nếu chúng ta muốn đảm bảo được sự ổn định vốn đã quá khó khăn mới có được trên thị trường năng lượng và khôi phục lại niềm tin trong toàn bộ nhóm”.

Trước cuộc họp ngày hôm qua, thị trường năng lượng đã thể hiện tâm lý lạc quan về khả năng sẽ có được thỏa thuận giảm sản lượng. Trong ngày thứ Sáu, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 5,72% lên 39,55USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 5,78% lên 42,30USD/thùng. Đây là tuần tăng thứ 6 của giá dầu và là mức đóng cửa cao nhất của giá dầu tính từ ngày 6/3/2020.

Iraq là nước phụ thuộc vào dầu, cho đến nay Iraq khá chật vật trong việc duy trì giảm sản lượng. Khi cuộc họp ngày thứ Bảy bắt đầu, Bộ trưởng Năng lượng Iraq Assem Jihad tuyên bố rằng bất chấp những thách thức về kinh tế và tài chính, Iraq vẫn cam kết thực hiện đầy đủ thỏa thuận giảm sản lượng.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM