Lek Chi “ái nữ duy nhất của cố diễn viên Hồng Sơn”: Cái ngông thời con gái và chất nghệ đàn bà đằng sau 1 nữ doanh nhân
Lek Chi khởi nghiệp kinh doanh áo cưới vì tiền, nhưng điều tuyệt vời là chất nghệ sĩ cũng cùng lúc trỗi dậy. Còn cuộc sống riêng chị cũng gặp những ngã rẽ không ngờ...
Lek Chi
Lek Chi (tên thật là Lê Kim Chi) - sinh năm 1983 - ái nữ duy nhất của cố diễn viên Hồng Sơn (nổi tiếng với phim Dòng sông phẳng lặng, Một thời đã sống, Cỏ lông chông, Ma làng…) và nghệ sĩ Thu Hương (bà chủ tiệm áo cưới cùng tên nổi tiếng 1 thời trên phố cổ Hà Nội).
Chị được biết tới là 1 NTK váy cưới tài hoa, nữ doanh nhân sở hữu thương hiệu váy cưới Lek Chi. Hiện tại là bà mẹ 2 con, mê phượt, nghiện chơi các môn thể thao mạo hiểm, sở hữu 1 thân hình nóng bỏng… Tuổi 38 dù không mong đợi nhưng chị lại quay trở lại cuộc sống độc thân và chọn sự tự do rực rỡ...
Tính đến giờ cũng đã 10 năm ngày diễn viên Hồng Sơn ra đi. Cuộc đời nhiều chìm nổi của người cha quá cố từng là diễn viên tài năng đã để lại cho chị điều gì, vết thương hay nghị lực?
Cả hai, bởi tôi yêu bố vô điều kiện, nên khi cùng ông vượt qua những chặng lao đao của cuộc đời từ khi tôi còn là cô bé 14 - 15 tuổi đến khi thành một người phụ nữ trưởng thành đã có gia đình, nỗi đau của bố cũng là nỗi đau của tôi.
Đến ngày ông ra đi cũng là ngày tôi đón nhận một vết thương lòng sâu sắc nhất.
Nhưng cũng vì thế mà tôi trở nên mạnh mẽ hơn, một quá khứ khắc nghiệt đã dạy cho tôi cách đương đầu, cứng cỏi, bản lĩnh, không được phép để mình yếu đuối và gục ngã.
Cha chị từng là 1 người đàn ông lắm tài nhiều tật, chị tự nhận thấy tính cách của mình có phần nào giống ông?
Tôi đã thừa hưởng từ bố bản năng sống mãnh liệt, tâm hồn nhạy cảm, dồi dào nhiều cảm xúc, sự rung động điên rồ của một người nghệ sĩ. Tôi không rõ đó là tài hay tật.
Có lẽ nếu giữ bản năng nguyên thủy ấy thì nó sẽ giống như hai mặt của một đồng xu, nó có thể giúp ta kiến tạo những tác phẩm tuyệt vời nhưng cũng là một điểm yếu chí mạng khiến ta sa lầy hay gục ngã.
Tôi không dám quả quyết rõ ràng về chữ “tài" hay “tật” ở mình, nhưng có một điều tôi chắc chắn hơn rằng tôi có những cách riêng, hay nói cách khác là những nguyên tắc của bản thân tự đặt ra để cân bằng và giữ mọi thứ không đi quá giới hạn.
Nghe nói tuổi trẻ của Lek Chi cũng từng bị gọi là ngông và gắn mác “gái hư”. Đó liệu có phải là 1 phần tính cách của cha chị “thừa hưởng” lại?
Ồ, chắc có lẽ mọi người ưu ái gắn mác cho tôi hơi quá. Chứ thực tình, để làm được “gái hư" cũng khó lắm. Tôi thời sinh viên thì chỉ mê vẽ và ham dịch chuyển. Có thể cái thú vui xê dịch và kết giao bạn bè hữu hảo khắp nơi khiến tôi trông có vẻ phóng túng nào đó.
Nhưng thực tế tôi có nguyên tắc riêng và khá cứng nhắc trong việc giữ mình. Nhiều bạn bè chơi thân với tôi ngày trước sẽ biết, tôi có vẻ ngoài, hành xử phóng khoáng kiểu bản năng nhưng đối diện với chuyện tình cảm thì lại khá giữ gìn kiểu truyền thống.
Nhưng gái hư ở góc nào đó người ta thường nghĩ tới sự thú vị đấy chứ...
Giờ tôi nghĩ lại, thi thoảng cũng thấy mình mâu thuẫn và gàn dở, đáng lẽ tuổi trẻ cứ hư đi cho biết, càng nhiều trải nghiệm sẽ có thể biết rõ bản thân mình cần gì, muốn gì sớm hơn.
Vì sao đã có “cái ô” mà mẹ xây rồi, 1 cửa hàng áo cưới Thu Hương nổi danh phố cổ, nhưng chị vẫn quả quyết chọn tên riêng rồi 1 mình 1 ngựa xây thương hiệu riêng, làm áo cưới theo cách của mình? Lúc khởi nghiệp chị bao nhiêu tuổi và trong tay có gì?
Mẹ tôi cũng là một người phụ nữ mạnh mẽ. Sự nghiệp bà xây dựa trên những tiêu chí kinh doanh và quan điểm thẩm mỹ riêng của bà.
Khi tôi khởi nghiệp với cái tên riêng, tôi cũng có quan điểm và hướng đi riêng, đối tượng khách hàng mà tôi nhắm tới cũng rất khác. Tôi hình thành một tư tưởng, đường lối trong đầu mình rất rõ ràng và mạnh mẽ. Vì vậy mà không thể đứng dưới cái bóng của một ai.
Tôi khởi nghiệp Lek Chi từ khi có bầu em bé đầu lòng năm 27 tuổi. Nhưng trước đó tôi đã từng lập xưởng sản xuất riêng và sản xuất nhiều đơn hàng cho một thương hiệu áo cưới của Nhật. Sau đó bắt đầu chú tâm vào thị trường trong nước và mở một cửa hàng nhỏ đầu tiên tại Hà Nội.
Vốn đỗ thủ khoa chuyên ngành khác ở ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp, đam mê hội họa, thích lang thang, nhưng chị đã chọn thiết kế và kinh doanh áo cưới, ban đầu chắc hẳn chỉ vì… tiền? Thế nào mà 1 cô gái vốn ngông, thích gì làm nấy rồi lại trở nên chín chắn bất đắc dĩ như vậy?
Đúng là vì tiền, ngay khi tôi có bầu em bé đầu lòng tôi đã nghĩ rằng không thể vì eo hẹp kinh tế mà để con mình thiếu những điều kiện học tập tốt nhất.
Thứ hai là vì nhu cầu bản thân, tôi luôn muốn mong mỏi khám phá thế giới, muốn mình được đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều. Nếu kiếm tiền chỉ đủ ăn thì rất khó để đạt được những ước mơ đó. Vì thế tôi buộc phải khởi nghiệp, loay hoay tìm ra một hướng đi tốt nhất, ban đầu mục đích là kiếm tiền.
Nhưng rồi trên con đường kinh doanh và chú tâm làm thiết kế, tôi đã tự khám phá ra khả năng của mình, học hỏi mỗi ngày, trưởng thành cùng lúc với nuôi dưỡng niềm đam mê tạo ra những bộ váy đẹp.
Dù kinh doanh váy cưới vì tiền nhưng cuối cùng chị lại quá nhập vai mà “lên đồng” với những đường cắt cúp, với voan lụa và những hạt cườm tạo ra những BST cực kỳ nữ tính, đương thời. Có phải sống bằng đam mê thì cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều không?
Gặp gỡ khách hàng chính là một điều bất ngờ thú vị giúp tôi liên tục có những cảm hứng mới. Mỗi người phụ nữ đến gặp tôi đều có một kiểu tính cách riêng, nét đẹp riêng, những mong muốn khác nhau. Chính sự tiếp xúc, trò chuyện rất phong phú với nhiều kiểu tính cách, phong cách khác biệt đã tiếp thêm năng lượng mới, gợi mở những ý tưởng mới cho tôi.
Có thể nói khách hàng làm giàu thêm tài nguyên sáng tạo của tôi giúp nó chảy không ngừng trong cái đầu nhỏ bé và từ đó mà tôi thấy yêu công việc của mình. Thực chất những tác phẩm của nhà thiết kế thời trang không chỉ đến từ sáng tạo của bản thân họ. Nó là một hỗn hợp được tinh chế từ tài năng của nhà thiết kế và mơ ước của người mặc.
Tôi đã biến giấc mơ của bao nhiêu cô gái thành sự thật trong ngày tiệc lớn nhất của cuộc đời họ. Chính sự mãn nguyện, hạnh phúc của họ tỏa sáng lung linh đã gây nghiện và khiến tôi đam mê nghề này mãnh liệt hơn.
Rồi chị đã làm thế nào để chất doanh nhân và nghệ sĩ có thể đứng chung mà không “cãi” nhau? Nếu đang thiết kế mà đầu vẫn phải nghĩ đến doanh thu chẳng phải dễ “tụt mood” hơn sao?
Rất may đối với tôi, mọi thứ đến khá tự nhiên. Tựa như cách cân bằng phần bản năng, rung động mãnh liệt trong tôi với những nguyên tắc và giới hạn cần có để duy trì cuộc sống ổn định. Lý trí và cảm tính. Cuộc đời tôi như thể gắn liền với mọi kết cấu đối nghịch như vậy.
Thật ra nó cũng không có gì thần thánh cả. Tôi gây dựng mô hình kinh doanh ban đầu theo hướng boutique, nghĩa là chỉ phục vụ số ít những khách hàng có cùng gu thẩm mỹ với nhà thiết kế, có mong muốn đặc biệt riêng cho chiếc váy của mình. Nó không phải mô hình kinh doanh bán lẻ rộng rãi nên về áp lực doanh thu cũng ít hơn.
Cuối cùng thì cần giữ chất phiêu, điên, lãng mạn để sáng tạo liên tục và cũng cần luôn thực tế để tiếp nhận mong muốn khách hàng tạo ra một tác phẩm lan toả tốt trên thị trường.
Thương hiệu Lek Chi hiện tại đã có 12 năm, nếu nhìn lại hành trình của nó, đã có những giai đoạn nào lao đao hay không? Thời dịch bệnh này chị đã làm thế nào để có thể… sống sót?
Chính thức tính cả thời gian Lek Chi sản xuất hàng cho thương hiệu áo cưới của Nhật, thì phải là 14 năm kinh doanh. Đã từng có thời gian lao đao nhất đối với tôi chính là trước khi tập trung vào thị trường trong nước. Lúc đó là vấn đề nhân sự, mong manh tưởng như có thể sập bất cứ lúc nào.
Thời dịch bệnh Covid kéo dài suốt 1 năm rưỡi qua cũng là một thời gian dài khó khăn với chúng tôi. Rất nhiều thương hiệu khác cùng ngành đã đóng hẳn. Dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng đến ngành cưới. Những tiệc cưới lớn không thể tổ chức, mọi người thu hẹp mô hình đám cưới lại, thậm chí cũng không mặc váy cưới nhiều mà chuyển qua váy tiệc nhẹ hoặc áo dài.
Nhiều đám cưới đặt xong rồi lại hoãn hủy. Nên thực sự thời điểm này chúng tôi đều đang cầm hơi, cố gắng sống sót chờ qua dịch bệnh để mong mọi thứ trở lại bình thường. Nhưng quả thật chặng đường gian nan này quá dài và chưa biết bao giờ kết thúc.
Từng chứng kiến sự đổ vỡ của cha mẹ và trải nghiệm việc không có 1 mái nhà đầy đủ tình yêu thương của cả cha mẹ. Dường như cũng vì điều đó nên chị cũng đã từng luôn muốn giữ cho con mình 1 mái ấm. Nhưng gần đây người ta lại thấy Lek Chi trở lại với hình ảnh độc thân nóng bỏng. Tuổi 38 đẹp rực rỡ và lại cháy hết mình. Đó là 1 lựa chọn hay là biến cố?
Tôi nghĩ không riêng gì mình, những người phụ nữ đã có hai mặt con chắc không ai lựa chọn quay lại đời độc thân cả. Cuộc sống luôn thường trực những ngã rẽ đột ngột không thể ngờ tới. Nhiều khi chúng ta cứ cho rằng mình chắc chắn hiểu rõ nắm rõ mọi thứ, nhưng thực tế chẳng phải như vậy. Có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, không phải cứ chúng ta mong muốn, nỗ lực là sẽ đạt được.
Vậy nên tôi mới tự nhủ với bản thân mình, không thể ngừng yêu thương nhưng tuyệt đối không kỳ vọng, đặc biệt là không đặt kỳ vọng vào những thứ nằm ngoài bản thân mình. Vì chẳng ai ôm được cả trời xanh.
Định mệnh trả tôi lại với tự do thì tôi buộc phải tìm cách để sinh tồn với nó. Hay dở chẳng ai nói trước được, nhưng sống thì vẫn phải tiếp tục và thậm chí phải tiếp tục một cách hạnh phúc.
Người ta thấy hình ảnh Lek Chi của hiện tại trở lại thời đôi mươi: ham chơi, ham xê dịch, ưa vận động, thích các thú chơi mạo hiểm và sẵn sàng khoe thân hình nóng bỏng… Có phải gia đình ấm êm 1 thuở đã kìm hãm biến Lek Chi thành 1 người phụ nữ điềm đạm. Nhưng giờ đến khi cái “dây trói” ấy được cởi ra đó lại là cơ hội để chị tìm về đúng là chính mình. Vậy thì trong cái rủi luôn có cái may đúng không?
Tôi chỉ đang sống đúng với cuộc sống của một người phụ nữ độc thân, tự do. Khi có gia đình tôi đã sống một phiên bản khác phù hợp với thời điểm đó. Khi định mệnh đẩy trả tôi về lại với tự do, tôi phải thích nghi lại với nó. Thực ra ai cũng có thể sống theo nhiều cách khác giống như tìm cách tồn tại, chấp nhận hạnh phúc với những gì mình có trong hiện tại.
Có một điều khá rõ ràng là khi sống độc thân, tôi được quyền quan tâm, yêu thương bản thân mình nhiều hơn, được có những kế hoạch cho riêng mình, được làm những điều mình thích. Bằng những kế hoạch tập luyện, ăn uống, gặp gỡ giao lưu, học chơi những môn thể thao mới, đọc nhiều sách hơn, mở rộng mối quan hệ bạn bè… tôi điền kín lịch của mình, những điều tích cực giúp tôi sản sinh ra năng lượng tích cực.
Tinh thần thoải mái, lối sống lành mạnh, tôi đẹp hơn trước và cũng muốn truyền đi năng lượng tích cực từ hình ảnh của mình. Phụ nữ thường hay bỏ quên bản thân mình vì quá nhiều lý do, tôi cũng từng như vậy, nó thật sự là không đáng. Tôi sẽ luôn nhắc nhở bạn bè những người phụ nữ quanh mình điều này, bằng những hình ảnh khỏe đẹp, tích cực của tôi.
Ở một mặt khác, đánh đổi lại tôi phải chấp nhận sự cô đơn đâu đó vảng vất, chấp nhận nó như một phần tất yếu trong suốt quãng đời sau này.
Tôi cũng hy vọng mình đủ mạnh mẽ để hạnh phúc độc hành trên đường đời. Tôi phải hạnh phúc để con tôi được lớn lên trong bầu không khí sống lạc quan, vui vẻ.