Lấy cơ sở nào để giảm giá điện mặt trời mái nhà đến 30%?

12/03/2021 19:03 PM | Kinh doanh

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã lý giải về cơ sở tính toán của mức giảm giá đối với điện mặt trời mái nhà tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 12/3.

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới, thay thế cho mức giá đang được quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 31/12/2020. Cụ thể, dự kiến từ mức 8,38 cent/kWh (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg), giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh (tương đương giảm gần 30%) với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước.

Lý giải về cơ sở tính toán của mức giảm giá đối với điện mặt trời mái nhà tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 12/3, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, điện mặt trời mái nhà được coi là nguồn năng lượng sạch, được phát triển với mục đích chủ yếu là sử dụng tại chỗ. Vì được lắp đặt trên mái nhà nên tận dụng cơ sở hạ tầng, với quy mô rất phù hợp với các hộ dân, doanh nghiệp, nên đây là loại hình đang được khuyến khích.

Thực thi Quyết định 13 được ban hành năm 2020 cũng như thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương, trên thực tế cũng đã thu được các kết quả tốt. Theo báo cáo của EVN, đến hết tháng 12/2020 có khoảng 106 nghìn dự án điện mặt trời mái nhà, đóng góp lớn và lưới điện quốc gia phục vụ cho phát triển.

Tuy nhiên, giá điện trong Quyết định 13 chỉ có hiệu lực thi hành đến hết năm 2020, vì vậy, Bộ Công thương phải ban hành chính sách mới để phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng.

Đối với điện mặt trời trên mặt đất và mặt nước, xu hướng chung là chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng tham mưu cho Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng, đối với điện mặt trời mái nhà vẫn dựa theo cơ chế giá cố định. Bởi có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ sản xuất điện mặt trời trong thời gian vừa qua, nên chi phí thiết bị, dẫn đến chi phí sản xuất điện đã giảm rất nhanh. Không chỉ điện mặt trời mái nhà mà điện mặt trời trên mặt đất, mặt nước cũng giảm nhanh.

Trên thực tế, năm 2019 trở về trước, giá mua điện mặt trời trên mặt đất nói chung là 9,35 cent/kWh. Nhưng khi giá giảm xuống 7,09 cent/kWh thì vẫn còn rất nhiều cơ quan đề xuất.

"Với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giá sản xuất điện mặt trời mái nhà giảm rất nhanh, đồng thời, hiệu suất của các tấm quang điện cũng tăng nhanh từ khoảng 16-17% lên 19-20% (tức là cùng một tấm pin cho ra sản lượng điện cao hơn), nên đó là cơ sở để tính toán giảm giá điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng. Mức độ giảm từ 20-30% là tính toán hợp lý, vẫn đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư", ông Dũng cho biết.

Thái Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM