Lật tẩy chiêu trò tạo sốt đất "ảo" của nhóm “cá mập”
Cùng một kịch bản tạo sốt đất lặp đi lặp lại nhiều lần của nhóm cá mập trong nhiều năm vẫn khiến không ít nhà đầu tư bị dính bẫy. Tuy nhiên, nhờ nhanh nhạy nhiều người dân tại khu vực được thổi giá cũng thu về cả tỷ đồng.
"Cá mập" tạo "sốt đất" ảo
Trong những năm gần đây, liên tục các cơn "sốt đất" ảo đến và đi rất nhanh chóng, làm cho thị trường bất động sản ở nhiều nơi trở nên nhiễu loạn. Nhà đầu tư lâu năm cho rằng, đây thực tế là chiêu trò tạo sốt ảo của những tay to, có tiềm lực kinh tế lớn (cá mập), tạo ra sự khan hiếm nguồn cung nhằm đẩy giá lên cao.
Theo anh Nguyễn Văn Chính - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho hay, thời gian qua thị trường liên tục đón những cơn sốt đất, nhưng các cơn sốt này đều có điểm chung chỉ kéo dài tối đa trong vòng 1 tháng. Thậm chí, có những khu đất trước kia mặc dù không có giá trị lớn nhưng chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng từ 50 - 100%, còn có thể cao hơn nữa.
Tiết lộ về sự thật phía sau các cơn "sốt đất" ảo, anh Chính cho biết, thực tế đây chỉ là chiêu trò của nhóm nhà đầu tư tay to có tiềm lực kinh tế lớn. Ví dụ, ban đầu, nhóm này sẽ huy động vốn từ 300 - 500 tỷ đồng. Tiếp theo, họ sẽ âm thầm sử dụng 20% tổng số vốn hùn để, khoảng 60 - 100 tỷ đồng mua một quỹ đất rộng trước đó khoảng 1 - 3 tháng và chia thành 100 - 200 lô khác nhau.
"Họ bỏ ra khoảng 100 tỷ mua một quỹ đất rộng, sau đó chia làm 200 lô, tức mỗi lô ban đầu có giá khoảng 500 triệu đồng. Mục tiêu của họ chỉ cần bán 1 tỷ đồng/lô là đã thắng lớn", anh Chính ví dụ.
Trong các cơn sốt đất, không thể thiếu bàn tay của "cò đất", nhóm cá mập sẽ tuyển khoảng 50 - 100 môi giới để tiếp tay cho họ. Tiếp tục, họ sử dụng khoảng 20 - 30% số vốn hùn, bắt tay nhau liên tục tạo các giao dịch ảo với mức giá khoảng 700 triệu đồng - 8 tỷ đồng/lô, tăng 30 - 70% so với thời điểm ban đầu và chụp ảnh đăng tải lên các hội nhóm đầu tư trên mạng xã hội để thu hút khách hàng.
Sau khi hoàn thành các bước thu hút khách hàng, bắt đầu nhiều người non kinh nghiệm tham gia vào xuống tiền mua đất đầu tư. Đến thời điểm này, khi thị trường bắt đầu thấm, họ bơm hết số tiền hùn còn lại để tiếp tục tạo các giao dịch mua đi bán lại, thậm chí 1 lô đất trong ngày có thể sang tay đến 3 lần. Đến lúc này giá đất tại khu vực thổi giá đã tăng lên 1 - 1,3 tỷ đồng/lô, tức 100 - 120%, thậm chí, nếu thị trường khu vực đó ủng hộ có thể lên tới 200% so với thời điểm ban đầu.
Đến giai đoạn cuối cùng, khi giá đất đã đạt đỉnh và tạo được hiệu ứng khan hiếm đất, các cá mập bắt đầu nhả hàng ôm trước đó, họ chỉ cần bán gấp 2 lần so với thời điểm mua vào là đã thành công rồi.
Khi nhóm tay to đã thu hồi được hết vốn rời đi, thị trường khu vực được thổi giá bắt đầu đi ngang, thậm chí ngay lập tức tụt dốc. Không ít nhà đầu tư non kinh nghiệm chạy theo cơn sốt đã dính bẫy, lâm cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Anh Chính cũng cho biết, thực tế trong các cuộc dạo chơi của nhóm cá mập như vậy, ngoài tiền chênh bán đất, họ còn thu lợi không ít từ việc nhà đầu tư bỏ cọc.
Người dân tại khu vực cũng thu về cả tỷ đồng
Các cơn "sốt đất" đi qua nhiều nhà đầu tư non không kịp thoát hàng, thậm chí bị mắc kẹt phải bán lỗ. Tuy nhiên, cũng không ít người dân xung quanh cũng được hưởng ké lợi lớn.
Theo anh Trần Tuấn Anh - nhà đầu tư tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, thực tế trong các cơn “sốt ảo” do các nhóm cá mập tạo ra, thậm chí họ còn lợi dụng các thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để "thổi giá" cao ngất ngưởng. Điều này cũng làm cho nhiều nhà đầu tư lâu năm dính bẫy.
"Không ít nhà đầu tư lâu năm hiện nay vẫn giữ phong cách đầu tư kiểu chạy theo quy hoạch. Do đó, chỉ cần có thông tin quy hoạch ở đâu chưa rõ ràng họ đã đi săn lùng mua đất để đi trước đón đầu. Tuy nhiên, tưởng rằng là đón đầu lợi nhuận nhưng lại rơi vào bẫy của cá mập", anh Tuấn Anh nói.
Theo anh Tuấn Anh, trong các cuộc chơi thổi giá của nhóm cá mập, nhiều người dân ở địa phương cũng thu không ít lợi nhuận. Nhiều vùng đất giá vẫn lẹt đẹt chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/m2, bỗng dưng được ăn theo hiệu ứng của nhóm cá mập cũng tăng gấp vài lần.
Đơn cử, cơn sốt tại Bắc Giang, những mảnh đất nông nghiệp, đất rừng trước đó tưởng như không có giá trị nhiều cũng được rao bán với mức giá từ 3 - 7 triệu đồng/m2.
"Không ít người dân ở địa phương được nhóm cá mập thổi giá, do họ có nhiều đất từ trước đến khi thấy giá đất tăng cao bất thường. Nhờ tâm lý nhanh nhạy họ cũng kịp bán đi một ít cũng thu về cả tỷ đồng rồi", anh Tuấn Anh nói.
Nhà đầu tư này cho biết, trong mấy năm trở lại đây, vẫn kịch bản tạo sốt ảo cũ nhưng nhóm cá mập thu về không ít tiền của. Còn những nhà đầu tư non kinh nghiệm vì ham lợi chạy theo cơn sốt vô tình dính bẫy. Nhiều người chật vật mãi vẫn phải chấp nhận "cắt lỗ" để gỡ vốn.