Lật tẩy các trò thôi miên bắt cóc, chụp thuốc mê cướp tài sản: Chỉ là "thuốc mê" câu view

01/08/2017 14:32 PM | Sống

Ở một xứ sở mà có một ai nhẹ dạ bơi trong biển thông tin do "cư dân mạng" tán phát đều trở nên mê mê tỉnh tỉnh nhìn cuộc đời này với màu tối đen thì cần gì "thuốc mê" nữa.

Lang thang trên Facebook, chúng ta không khó để bắt gặp những bài viết về một loại tội phạm rất bí ẩn, xài chiêu " thôi miên hốt bạc".

Nhìn cảnh các chị em like, share rồi động viên, tuyên truyền trong cơn hoang mang tột độ, tôi muốn gửi một vài thông điệp để tất cả chúng ta có một cái nhìn khoa học hơn, thực tế hơn về loại tội phạm này.

"Thôi miên hốt bạc" toàn là tin đồn thất thiệt

Ngắn gọn nhé: "Đó hoàn toàn là tin đồn thất thiệt với mục đích câu view trên nỗi lo lắng của cộng đồng".

Nhiều vụ trộm, chiếm đoạt tài sản xảy ra qua đơn trình báo của các nạn nhân thì cùng một kịch bản, người bị hại rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt, cả người mệt mỏi, mồ hôi toát ra nhiều, không làm chủ được hành vi, nhận thức... sau đó ngất xỉu tại chỗ.

Song thực tế kết luận điều tra lại khác hoàn toàn. Không tin thì ai có người nhà làm cảnh sát điều tra cứ hỏi xem có cái án nào là "thôi miên hốt bạc" không?

Vậy thì kẻ thủ ác đã dùng chiêu thức võ lâm gì để lột sạch tài sản của nạn nhân mà họ không hề chống cự?

Hàng trăm người dân vây bắt người phụ nữ nghi thôi miên. (Hình: Báo Thanh Niên)

Đơn cử một vụ điển hình: "thôi miên, đánh thuốc mê" vào năm 2013 tại cửa hàng 490 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Theo khai báo của chị Vũ Hoàng Điệp (23 tuổi, trú tại ngõ 29 Nguyễn Thái Học, Ba Đình), một người phụ nữ bước vào cửa hàng, giả vờ mua hàng, lúc này có mỗi chị Điệp trông hàng, đối tượng đột nhiên xõa tóc, bỗng dưng làm chị Điệp mê man.

Chị Điệp cấp tốc chạy ra đồn báo mấy chú công an là nhà em mới bị thôi miên rồi mất 35.000 ơ rô, 1.900 đô la, 48 triệu VND, 2 điện thoại iPhone.

Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan công an kết luận chỉ là vụ trộm thông thường và hành vi xoã tóc kia là không liên quan đến hành vi tội phạm thực hiện trong vụ án. Đối tượng bị bắt là Lê Thị Hồng Thiệp (SN 1967, ở Thái Nguyên, hiện trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Điều độc đáo là số tài sản bị mất thực tế chỉ có 1 chiếc điện thoại, thấp hơn nhiều lần so với nội dung khai báo. Công an quận Đống Đa đã có biện pháp xử lý việc khai báo gian dối của chị Vũ Hoàng Điệp khi chị này khai khống việc mất một chiếc điện thoại lên thành mất hơn cả tỷ đồng theo đúng quy định pháp luật.

Lý do vì sao phải làm thế thì chắc chỉ người trong cuộc mới biết.

Nếu không "thôi miên" vậy có trường hợp chụp thuốc mê để hoạt động tội phạm hay không?

Nói thêm về "thôi miên", Th.S Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN khẳng định: "Thôi miên không thể lừa được bất kỳ người nào, không ai có thể sử dụng thôi miên để làm một việc mà người được thôi miên không muốn". Điều đó đã đủ khẳng định các tin đồn ác ý kia là hoàn toàn không có cơ sở.

Nói đến đây, các bạn có thể thắc mắc nếu không "thôi miên" vậy có trường hợp chụp thuốc mê để hoạt động tội phạm hay không?

Bài viết này không bàn đến việc nạn nhân bị đối tượng dụ dỗ cho dùng thuốc an thần liều cao (thông qua ăn, uống…). Chỉ đề cập đến việc bị chụp thuốc mê (dạng hay thấy trong phim ảnh).

Về mặt khoa học, nếu phân loại theo phương thức sử dụng thì chỉ có 2 loại "thuốc mê": dạng tiêm và dạng hít.

Tiêm thì không dễ dàng đứng giữa đường cắm kim vào thân thể người ta. Vừa đâm vào đối tượng chưa kịp "mê" thì khả năng cao người mê sẽ chính là kẻ thủ ác vì sẽ bị đánh ngất xỉu.

Còn hít - nếu không áp má kề môi, chụp mặt nạ có thuốc mê hay phun trực tiếp dung dịch gây mê vào đường hô hấp - thì thuốc mê sẽ tán phát trong không khí nên dù nạn nhân có hít phải, cũng chỉ đủ để nạn nhân phán một câu đau thương kiểu như "anh ơi anh quảng cáo quạt phun sương à?" và tất nhiên không đủ liều để đưa ai vào cơn mộng được cả.

Nói thêm một tí, việc xài khí để gây mê rất khó, đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức, bởi nếu không sẽ có nguy cơ bị... gục trước nạn nhân. Hơn nữa, loại biệt dược này chỉ được dùng trong hệ thống y tế kiểm soát chặt còn hơn ma tuý .

Trong thiên hạ có một loại chất tên là Scopolamine - hay còn gọi là Burundanga - dân giang hồ thì mệnh danh nó là "hơi thở của quỷ.

Tuy nhiên, đã nói thì phải nói cho hết ý, trong thiên hạ có một loại chất tên là Scopolamine (hay còn gọi là Burundanga - dân giang hồ thì mệnh danh nó là "hơi thở của quỷ") có thể xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời.

Scopolamine không màu, không mùi vị, có thể gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác rất mạnh. Đặc biệt là chỉ từ 2 đến 3 phút sau khi hít vào, Scopolamine ngăn chặn không để ký ức hình thành nên vì vậy, những sự kiện xảy ra trong giai đoạn thuốc ảnh hưởng tới não bộ sẽ không được ghi lại.

Rất may, Scopolamine rất khó mua (kể cả nhập lậu) và khó bảo quản để đảm bảo công dụng như lý thuyết. Mặt khác, giá thành không hề rẻ nếu dùng chất này mà lừa phải cô nào xài điện thoại dỏm và để trong ví toàn tiền lẻ thì xem như cụt vốn, khả năng cao thủ phạm sẽ trụy tim vì tức.

Như đã trình bày ở trên, trước những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát các loại thuốc gây mê của ngành y tế, tội phạm khó có khả năng tiếp cận những loại thuốc đặc biệt này.

Nên việc sử dụng Scopolamine ở Việt Nam để gây án gần như không thể. Nhất là không thể có chuyện xuất hiện nhiều vụ việc "thôi miên, thuốc mê" trộm cắp, bắt cóc mọc như nấm sau mưa trên Internet.

Những gì liên quan đến bùa, ngải, tâm linh, thôi miên, thần bí... toàn là các chị bán hàng online gặp mới hiểm!

Thực chất, trong những vụ án loại này, bọn tội phạm đã lên kế hoạch chi tiết tiếp cận "con mồi".

Chúng biết quy luật đi lại, sinh hoạt của nạn nhân, chúng sẽ dùng chiêu cũ là tạo những tình tiết làm phân tâm "con mồi" ví dụ để móc túi chị trung niên ham vui chúng sẽ dùng thanh niên bụng 6 múi, để móc túi thanh niên đa tình chúng sẽ dùng một cô vừa đi tắm trắng về…

Và hành vi của bọn tội phạm sẽ chuyên nghiệp như một tiết mục ảo thuật. Nạn nhân (đa phần là phụ nữ, nhẹ dạ, hiền lành) sau khi mất một số lượng lớn tài sản sẽ hoảng loạn, thậm chí ngất xỉu, có trường hợp sợ người thân trách móc, đã bịa ra chuyện bị "thôi miên".

(Ảnh minh họa)

Nói đến đây, chúng ta rõ ràng không nên hoang mang, lo sợ trước những tin đồn thất thiệt về "thuật thôi miên, đánh thuốc mê".

Có 1 điểm nhỏ thôi, tôi lưu ý các anh chị để chúng ta lưu ý xem những gì liên quan đến bùa, ngải, tâm linh, thôi miên, thần bí... người thường ít khi gặp lắm. Toàn là các chị bán hàng online gặp mới hiểm! Mà cứ mỗi lần các mẹ ấy "gặp" thì view với follow tăng ầm ầm. Tội nghiệp, cái nghề bán hàng online sao mà hay gặp xui quá!

Ở một xứ sở mà bọn cướp vô tư dàn cảnh đánh ghen để cướp cả xe máy của nạn nhân, nạn nhân tức tối khóc to và quỳ lạy trước vô vàn smart phone vô cảm quay clip xung quanh thì cần gì thuốc mê hở Giàng?

Ở một xứ sở mà có một ai nhẹ dạ bơi trong biển thông tin do "cư dân mạng" tán phát đều trở nên mê mê tỉnh tỉnh nhìn cuộc đời này với màu tối đen, đâu đâu cũng lừa đảo, đâu đâu cũng bịp bợm thì cần gì "thuốc mê" nữa, phải không?

Theo Nguyễn Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
XEM