Lật mặt ‘Thánh rắc muối’ Salt Bae: Ăn chặn tiền típ của nhân viên, chủ đích moi tiền của khách, bán đồ rẻ tiền với giá trên trời
Đế chế ẩm thực của ‘Thánh rắc muối’ độc hại hơn những gì người ta vẫn tưởng.
Bước vào nhà hàng sang trọng Nusr-Et, bạn sẽ được nhân viên mời vào tận bàn - nơi những người phục vụ đeo găng tay cao su màu đen đi lại nhanh như diều hâu. Dưới ánh sáng mờ ảo và âm nhạc sôi động, khu vực này cảm giác như hộp đêm và điểm thu hút duy nhất là Nusret Gökçe, hay Salt Bae (Thánh rắc muối).
Gökçe có đế chế ẩm thực trải dài khắp 3 châu lục với 22 nhà hàng bít tết đắt đỏ. Công việc chủ yếu là đi từ nhà hàng này sang nhà hàng khác, chụp ảnh với thực khách VIP và biểu diễn màn rắc muối hoa mỹ. Trên mạng xã hội, Gökçe cũng phô trương sự giàu có bằng loạt ảnh chụp đồng hồ đắt tiền, máy bay riêng hoặc du thuyền hạng sang. Tại các nhà hàng ở New York, khách hàng có thể phải trả 300 USD cho một chiếc “bánh mì kẹp thịt vàng” được thực hiện bởi người đàn ông này.
Những năm qua, sự giàu có và nổi tiếng của Gökçe biến anh ta thành bức tranh biếm họa, đồng thời là hiện thân sống động của những bức ảnh chế meme. Tuy nhiên, 7 vụ kiện tại 2 thành phố cùng một loạt cuộc phỏng vấn với các cựu nhân viên nhà hàng đã khắc họa một khía cạnh khác của Gökçe: một ông chủ nhỏ nhen, ám ảnh về sự giàu có và đặt nặng lợi ích cá nhân.
Theo Insider, Gökçe bị cáo buộc ăn chặn tiền boa, phân biệt đối xử với nhân viên và vi phạm luật lao động. Các cựu nhân viên, từ bồi bàn đến pha chế, đều nói rằng “thánh rắc muối” có xu hướng thiên vị và hứng lên là sa thải.
“Bên ngoài trông hào nhoáng, nhưng bên trong thì tồi tệ”, cựu nhân viên pha chế tại Nusr-Et London nói với Insider.
Đáp lại, Christy Reuter, luật sư đại diện cho Gökçe và các doanh nghiệp của anh ta cho rằng: “Các cáo buộc trên mổ xẻ từ các vụ kiện cũ và khiếu nại có từ lâu. Thật không may, nhà hàng cao cấp và đầu bếp nổi tiếng thường là mục tiêu bị phỉ báng vô căn cứ. Nusret cũng không ngoại lệ”.
Quay trở lại tháng 1/2017 - thời điểm Gökçe gây sốt khắp mạng xã hội với clip rắc muối lên bít tết. Meme Salt Bae ra đời. Các chương trình nổi tiếng cũng nói nhiều về hiện tượng này, trong khi nhiều ngôi sao hạng A như Leonardo DiCaprio và David Beckham đổ xô đến các nhà hàng của Gökçe.
Đằng sau sự hào nhoáng trên Instagram, Gökçe trong mắt nhân viên lại là một người có thể tạo ra bầu không khí sợ hãi. Bất kỳ sơ suất nào cũng có thể khiến họ gặp rắc rối với người quản lý hoặc tệ hơn là với ông chủ.
Vụ kiện vào tháng 8/2021 đệ trình bởi 5 cựu nhân viên nướng thịt tại Nusr-Et New York cho thấy Gökçe thường xuyên chửi bới nhân viên và đổ lỗi vô cớ. Họ cũng không bao giờ biết liệu mình có bị sa thải trước khi kết thúc ca làm việc hay không.
“Không ai biết liệu anh ta có đang theo dõi mình hay không. Thật khó chịu khi ở gần người này”, một cựu nhân viên hướng dẫn thực khách tại Nusr-Et London ám chỉ cặp kính râm đặc trưng của “thánh rắc muối”.
Được biết người phụ nữ này nằm trong số hàng chục nhân viên đầu tiên được thuê làm tại nhà hàng ở London vào năm 2021. Hai tháng sau, chỉ một nửa còn trụ lại. Có đồng nghiệp bị sa thải tại chỗ vì vô tình làm vỡ cốc trước mặt Gökçe. Cũng có người bị đuổi vì ông chủ không thích chiếc áo sơ mi họ đang mặc.
“Nếu ông ta không vừa mắt ai, người đó coi như hết cơ hội. Việc sa thải không được thông báo trước. Họ được yêu cầu rời đi ngay lập tức”, người nhân viên này nói thêm.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2020, đế chế nhà hàng bít tết khoe khoang về việc “miễn phí cho 40.766 phụ nữ” tại tất cả nhà hàng Nusr-Et. Tuy nhiên, trong mắt 3 nhân viên từng làm việc tại đây, các nhà hàng của Gökçe gắn liền với văn hóa cường điệu.
“Chúng tôi cảm thấy mình không được tôn trọng”, một cựu nhân viên tại Nusr-Et Miami nói.
Trong khi phần lớn được mặc đồng phục tiêu chuẩn, một số nhân viên nữ bị yêu cầu mặc những chiếc váy trông giống như đang đến hộp đêm. Vụ kiện vào tháng 11/2021 mô tả điều tương tự.
Trong đơn khiếu nại, Elizabeth Cruz, cựu nhân viên pha chế tại Nusr-Et New York, cho biết cô bị yêu cầu thay “giày cao gót, váy ngắn và áo hở hang” trong ngày đầu tiên đi làm. Khi biết Cruz là người Dominica, người quản lý ngay lập tức ám chỉ nơi đây nổi tiếng với những phụ nữ lang chạ. Một số đồng nghiệp nam bắt đầu quấy rối, nói rằng cô nên làm vũ nữ thoát y.
Hai tuần sau khi làm việc, Cruz yêu cầu được mặc đồng phục tiêu chuẩn nhưng bị người quản lý từ chối. Vài ngày sau, cô bị sa thải.
Trong vụ kiện khác, được đệ trình vào tháng 1/2020, Melissa Compere, cựu nhân viên tại Nusr-Et Miami, cho biết cô được thuê làm nhân viên phục vụ đồ ăn và chuyển sang pha chế cocktail. Cô không được thăng chức dù có hàng chục năm kinh nghiệm, chỉ vì giới tính là nữ.
Tháng 11/2018, Compere bị sa thải khi một thực khách phàn nàn về việc tìm thấy mảnh thủy tinh trên bàn. Ít nhất 7 nhân viên có liên quan, nhưng chỉ 2 người nữ bị sa thải.
Trong đơn khiếu nại được gửi vào tháng 11/2021, Angelo Maher, người phục vụ tại Nusr-Et New York, cho biết mình bị sa thải vào tháng 3/2020 chỉ vì lên tiếng phản đối sự phân biệt đối xử. Anh cho biết các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, đồng hương với “thánh rắc muối”, được ưu ái hơn những người khác. Maher cũng từng bị đồng nghiệp gọi là “đồ Tây Ban Nha” và phải chịu sự đau khổ về tinh thần và thể chất sau khi chỗ làm việc trở thành nơi phân biệt đối xử nhắm vào những người không phải là người Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhức nhối hơn, Nusr-Et mang danh là nhà hàng sang trọng, song các nhân viên cũ lại tố mọi thứ từ khăn ăn đến đồ thủy tinh đều là đồ rẻ tiền. Đồng phục “mỏng như tờ giấy” là nỗi ám ảnh của nhiều người từng làm việc ở đây. Có người bị rách đồ chỉ sau một tuần mặc.
“Nhà hàng chỉ cố gắng moi tiền từ những thực khách bước qua cửa”, cựu quản lý bộ phận rượu vang tại chi nhánh London, cho biết.
Hơn nữa, Gökçe còn bị tố ăn chặn tiền boa của nhân viên và sa thải nếu họ phàn nàn.
Maher cho biết anh không được phép nhận tiền boa khi phục vụ người nổi tiếng, như rapper người Pháp Montana, trong nhà hàng ở New York.
Trong vụ kiện khác một cựu bồi bàn khác ở New York, Mustafa Fteja, cũng cáo buộc Gökçe ăn bớt 3% tiền boa trước khi chia cho nhân viên. Ban quản lý sẽ sa thải một cách có hệ thống từng người phục vụ nếu họ có phàn nàn về điều này.
Ngoài ra, trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, các nhân viên vẫn phải ở lại nhà hàng qua đêm để đảm bảo tòa nhà không bị phá hoại. Họ phải làm việc quá sức và không được trả lương làm thêm giờ theo yêu cầu của luật pháp New York.
Theo: BI