Lắp cả triệu “hộp đen” cho ô tô để làm gì?
Ðể phục vụ công tác quản lý nhà nước, từ 1/7/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - GPS cho hơn 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải. Thiết bị được xem như là “hộp đen” giám sát toàn bộ hoạt động của xe trên đường. Tuy nhiên, hiện nhiều “hộp đen” đang bị tê liệt hoặc dữ liệu thu được chỉ để “lưu kho”.
Ngoài giám sát toàn bộ hành trình, hệ thống GPS lắp đặt trên ô tô còn có chức năng thông báo cho cơ quan quản lý biết nếu xe chạy sai hành trình, chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng quy định… Thông báo này có thể là âm thanh, tin nhắn động hoặc thể hiện màu đỏ trên màn hình hệ thống theo dõi. Khi có thiết bị này, để biết được phương tiện chở hàng hoặc chở khách có chạy đúng hành trình, đúng tốc độ, dừng đỗ đúng các vị trí đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh hay không… cơ quan quản lý chỉ cần ngồi ở phòng làm việc là có thể biết thông qua nhận tin thụ động (hệ thống tự thông báo) hoặc chủ động kiểm tra.
Tuy nhiên, tại hầu hết các Sở GTVT trên cả nước (đơn vị được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) chia sẻ theo dõi GPS) hệ thống GPS được trang bị, kết nối tại đây hầu như “tê liệt” hoặc chỉ ở dạng kho dữ liệu hậu kiểm. Đơn cử, trong thời gian qua báo Tiền Phong liên tục ghi nhận và phản ánh tình trạng xe khách chạy trái tuyến, xuyên tâm để lập bến cóc, xe dù tại nội đô.
Sau khi ghi nhận hàng loạt hình ảnh, biển số xe vi phạm, chúng tôi đã đề nghị đại diện một số Sở GTVT địa phương trích xuất dữ liệu giám sát hành trình của xe vi phạm, tuy nhiên dữ liệu về hành trình, thời gian xe hoạt động trên địa bàn “trắng” thông tin. Lý giải việc này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hệ thống máy chủ trên Tổng cục ĐBVN hoạt động, kết nối dữ liệu không ổn định, nhiều dữ liệu về trạng thái của xe không được truyền về. Một số trường hợp có thông tin, nhưng phòng chức năng của Sở GTVT Hà Nội phải tra thủ công, không nhận được thông báo.
Tiếp đó, trong hơn một năm qua, khi Sở GTVT Hà Nội thực hiện điều chuyển, hợp lý hóa luồng tuyến, toàn bộ xe khách Nghệ An, Hà Tĩnh phải về bến Nước Ngầm hoạt động, tuy nhiên PV nhận thấy có rất nhiều xe khách chạy tuyến Hà Nội - Vinh (Nghệ An) được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận... liên tục chạy trái tuyến, dừng đỗ bắt khách trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân). Khi chúng tôi đề nghị cả Sở GTVT Hà Nội và Tổng cục ĐBVN trích xuất giám sát hành trình các xe này thì đa số là trắng số liệu.
Đánh giá về việc này, ngày 16/7 đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng: cùng với “liệt” nhiều chức năng, sau khi được lắp đặt một thời gian, từ cuối năm 2018 đến nay hệ thống GPS truyền về Sở GTVT Hà Nội hoạt động rất kém và lỗi liên tục. “Trước sự việc này Sở đã có công văn đề nghị Tổng cục ĐBVN khắc phục để thiết bị hoạt động đúng chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi”, đại diện Sở GTVT nói.
CSGT đề nghị công khai, chia sẻ dữ liệu GPS
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, trên cả nước hiện có hơn 1 triệu ô tô kinh doanh vận tải, trong đó nhiều nhất là xe khách, taxi, xe tải… Thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, đến hết năm 2018 tất cả xe kinh doanh vận tải trên đã lắp thiết bị GPS. Theo ông Quyền, qua phản ánh của doanh nghiệp và các hiệp hội vận tải, mặc dù mỗi đầu xe đầu tư 3-5 triệu đồng cho đơn vị lắp thiết bị GPS, với doanh nghiệp có hàng trăm xe như taxi, thì số tiền trang bị thiết bị GPS lên đến cả tỷ nhưng hiện nay hoạt động không ổn định.
Để công tác phối hợp kiểm tra và xử lý xe vi phạm kịp thời, hiệu quả hơn, phát huy hết khả năng mà thiết bị công nghệ mang lại, Cục CSGT, Bộ Công an vừa đề nghị Bộ GTVT nâng cấp và chia sẻ kết nối dữ liệu giám sát hành trình đã lắp trên các xe kinh doanh vận tải. Mục đích của việc này là thay vì dữ liệu thu được từ thiết bị GPS chỉ để lưu lại tại Tổng cục ĐBVN thì nay chia sẻ để CSGT cũng theo dõi, giám sát qua đó xử lý “nóng”, kịp thời các vụ phương tiện vi phạm luật giao thông.
Theo Cục CSGT, 5 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 6.779 vụ TNGT, làm chết 3.128 người, bị thương 5.254 người. Riêng đường bộ chiếm 98% các vụ tai nạn này. Nguyên nhân chính được phân tích, chủ yếu do chạy quá tốc độ, không làm chủ được tốc độ; lấn làn và lái xe hoạt động quá giờ quy định… Các hành vi này đều được thiết bị GPS giám sát và báo về các trung tâm quản lý, nếu những thông tin này được khai thác có hiệu quả thì có thể hạn chế, ngăn chặn được những vụ tai nạn thương tâm.
Cho ý kiến về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86 vừa trình Chính phủ, đơn vị đã tham mưu để Bộ GTVT đưa nội dung chia sẻ, kết nối dữ liệu với các bộ ngành có liên quan trong đó có CSGT. Tuy nhiên, ông Huyện cũng nêu khó khăn, trong trường hợp Nghị định 86 sửa đổi được Chính phủ thông qua để có cơ sở xử lý vi phạm giao thông phát hiện qua thiết bị GPS, phải sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông cho đồng bộ.