Lãnh đạo Vietcombank và VietinBank: Giảm lãi suất cho vay có chiều sâu

01/08/2019 14:46 PM | Kinh tế vĩ mô

Trao đổi với BizLIVE, lãnh đạo Vietcombank và VietinBank đều khẳng định việc giảm lãi suất cho vay rõ ràng và thực chất, chính ngân hàng cũng hưởng lợi.

Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, cuối chiều 31/7, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2019 các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

 Điểm chung, quyết định trên tại các ngân hàng đều áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn bằng VND, với nhóm đối tượng chính là các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên theo xác định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, một số thành viên mở rộng thêm nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khởi nghiệp.

Giá trị của lần giảm này được một số thành viên áp dụng cho cả các khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2019.

Chiều sâu đó được xác định quy mô dư nợ vào khoảng 25-30% tổng dư nợ tùy thành viên. Mức giảm là 1%/năm so với trần lãi suất cho vay VND mà Ngân hàng Nhà nước quy định hiện hành đối với nhóm doanh nghiệp trên, tức tối đa 5,5%/năm.

Trả lời BizLIVE, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, 5,5%/năm nói trên cũng là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

“Để giảm được lãi suất cho vay, ngân hàng phải thực sự chủ động được kế hoạch tài chính và kế hoạch kinh doanh của năm. Với Vietcombank, việc thực hiện rõ ràng và thực chất, cứ căn theo các tiêu chí công khai để thực hiện và áp cả với các khoản vay hiện hữu chứ không chỉ với khoản vay mới”, ông Thành nói.

Cụ thể, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm tới khoản 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Vietcombank.

Ước tính, chỉ riêng tại Vietcombank, sẽ có khoảng 400 tỷ đồng chi phí vay vốn của doanh nghiệp được giảm thiểu từ chính sách trên. Dù vậy, tính toán sau giảm lãi suất, ngân hàng này vẫn chủ động được kế hoạch lợi nhuận khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng năm nay, bằng bù đắp các nguồn thu trong mở rộng khách hàng và doanh số các sản phẩm dịch vụ ngoài lãi.

Tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), quyết định giảm lãi suất cho vay lần này cũng khá tương đồng ở các điểm trên.

Trao đổi với BizLIVE, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank phân tích thêm, giá trị chiều sâu của đợt giảm lãi suất này không chỉ nằm ở con số.

Trước hết, ông Lê Đức Thọ giải thích, tính thực chất của giảm lãi suất nằm ở mục tiêu chung của các ngân hàng, mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã định hướng, là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế và tăng trưởng GDP nửa cuối năm 2019.

“Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thúc đẩy, kinh tế tăng trưởng tốt thêm thì đây là lợi ích chung, ngân hàng cũng hưởng lợi từ mục tiêu chung này”, Chủ tịch VietinBank nói.

Ở một chiều sâu khác, ông Thọ cho biết, đi cùng với giảm lãi suất, VietinBank xây dựng các chương trình cụ thể khi cho vay.

Đó là tập trung thêm ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng với mô hình mới so với trước đây: mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa các bên từ nông dân, người tạo vùng nguyên liệu - doanh nghiệp chế biến, thương mại, xuất khẩu - ngân hàng. Theo Chủ tịch VietinBank, chính chuỗi liên kết này giúp giảm thiểu các chi phí và rủi ro trung gian, qua đó cũng tạo điều kiện để giảm lãi suất.

Một mô hình nữa mà VietinBank ưu tiên giảm lãi suất cho vay lần này là các hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp. “Kích thích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ tạo thêm sự minh bạch, khả năng nắm bắt tình hình tài chính và hoạt động của họ sẽ bài bản hơn. Và điểm này cũng giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro”, ông Lê Đức Thọ phân tích.

Theo MINH ĐỨC

Cùng chuyên mục
XEM