Lãnh đạo tỉnh cà phê với doanh nhân, khi nào cà phê với dân?

18/03/2017 17:00 PM | Kinh doanh

Mới đây, một số báo thông tin, ghi nhận việc lãnh đạo một số địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang… tổ chức mô hình “cà phê doanh nhân”, nhằm gặp gỡ giữa lãnh đạo địa phương và doanh nhân. Vậy, không biết, lãnh đạo địa phương sẽ ngồi với những người dân khác, bằng phương thức nào?

Đây là một câu hỏi nghiêm túc, với quan điểm xây dựng nền hành chính công bình đẳng, hiệu quả, và nhân văn.

Cà phê doanh nhân, hiệu quả đến đâu

Hướng về DN (doanh nghiệp), tháo gỡ khó khăn cho DN, đối thoại với DN… hiện nay đang diễn ra khá rầm rộ tại các địa phương, sau chỉ đạo của Chính phủ, từ Nghị quyết 35. Đây là cách làm, hướng đi đúng, bởi vì DN có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất - khoa học kỹ thuật - thị trường phát triển, tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, tạo nên sức mạnh, sức sống của nền kinh tế - xã hội.

Thực tế lâu nay vẫn có không ít “rào cản” đối với DN là chi phí “bôi trơn”, tình trạng “ngâm” thủ tục hồ sơ, kiểm tra liên miên hoặc bỏ mặc DN khó khăn.

Theo VCCI, năm 2016, trung bình có khoảng 66% DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức. 9 - 11% DN tham gia khảo sát từ năm 2014-2016 cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu, cao hơn hẳn mức 6 - 8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Đó là “điểm nghẽn” trong hệ thống hành chính công làm cản trở sự phát triển của DN mà Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo phải xoá bỏ.

Tuy nhiên, việc quan tâm giải quyết khó khăn cho DN đang có xu hướng “theo phong trào” và đã có những biểu hiện mang tính hình thức.

“Cà phê doanh nhân” là một ví dụ. Mô hình này, rằng “hay thì thật là hay”, nhưng suy cho cùng, những ai có vinh hạnh được ngồi cùng cà phê với lãnh đạo? Những doanh nhân, doanh nghiệp thuộc diện nhỏ, yếu, có được ngồi không, hay chỉ các “ông lớn” đã quen biết ngồi với nhau?

Câu chuyện quanh bàn cà phê, chỉ là chuyện phiếm, rất hạn chế để đi sâu vào các vấn đề hay đi đến giải pháp. Thực chất, lãnh đạo các địa phương không phải không hiểu DN, mà hiểu rất rõ là đằng khác. Vấn đề là từ “hiểu” đến hành động là một khoảng cách, nhiều khi không đơn giản.

Những câu chuyện, lời hứa tại quán cà phê liệu có thể chuyển thành hành động, phát huy hiệu quả? Trong khi, những nội dung đã ghi vào biên bản, nghị quyết, kết luận tại các hội nghị, hội thảo, dấu đỏ hẳn hoi, còn khó thực hiện, phát huy.

Chưa nói về nguyên tắc, trong giờ hành chính, cán bộ công chức không được ngồi la cà quán xá, vừa trái luật, vừa phản cảm.

Lãnh đạo ngồi với dân bằng cách nào?

Trong trường hợp lãnh đạo tỉnh dành nhiều thời gian ngồi với doanh nhân, lo công việc liên quan đến DN thì thời gian đâu để giải quyết các công việc liên quan đến những người dân khác?

Thực ra, doanh nhân không phải là tầng lớp yếu thế. Đây là tầng lớp có tiền, thậm chí rất nhiều tiền, và có nhiều mối quan hệ trong xã hội, là các ông chủ. Có tiền, có quan hệ, nhiều doanh nhân thực sự là những người có địa vị cao, có “uy lực”, “trọng lượng” trong xã hội.

Trong khi đó, những đối tượng yếu thế, “thấp cổ bé họng” mới thực sự cần đến sự quan tâm thường xuyên, sự giúp đỡ thiết thực của lãnh đạo địa phương.

Tự hỏi, khi lãnh đạo ngồi cà phê với doanh nhân thì không biết các vị sẽ “ngồi” với công nhân, nông dân, bà con tiểu thương… bằng cách, phương thức nào?

Hiếm có hình ảnh lãnh đạo địa phương ăn bữa cơm ca cùng công nhân để hiểu được cuộc sống thực tế hàng ngày của những người “áo xanh”.

Cũng hiếm dịp những lãnh đạo chủ chốt địa phương chia sẻ, lắng nghe tâm tư những người dân đang khiếu kiện bức xúc kéo dài. Cách ứng xử phổ biến là bút phê “kính chuyển” bộ phận tham mưu. Có những lá đơn cứ chuyển đi chuyển lại vòng vèo, hàng năm trời không ai giải quyết.

Cũng hiếm dần các lãnh đạo chủ chốt địa phương “vi hành”, đi cơ sở trong vai một dân thường để cảm nhận những gì thực tiễn mà người dân đang nếm trải.

Một nền hành chính công, đương nhiên sẽ công bằng, sòng phẳng, vận hành theo đúng các quy định, quy chuẩn pháp luật. Nền hành chính ấy cũng sẽ được xây dựng để có cơ chế bảo vệ người dân, những người yếu thế, một cách hiệu quả, thiết thực.

Ngày trước, đại thần Nguyễn Trãi đã khuyên vua Lê Thái Tông về đạo lý của quân vương: Dám xin bệ hạ rủ lòng thương yêu... muôn dân... Sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Một nền hành chính phục vụ đương nhiên sẽ nhân văn và quan tâm nhiều hơn đến dân sinh, đến tầng lớp những người yếu thế, dễ tổn thương.

Theo Quang Đại

Cùng chuyên mục
XEM