Lãnh đạo Phú Quốc nói về băng nhóm ‘bảo kê’ trong cơn sốt đất

18/05/2018 19:16 PM | Bất động sản

“Chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra xử lý từ tỉnh đến huyện để giảm đi tình hình mua bán đất đai, đặc biệt tình hình bao lấn chiếm, xây dựng trái phép. Bên cạnh đấy là vấn đề an ninh trật tự có băng nhóm bảo kê cho việc mua bán, tranh chấp, xây dựng cũng có. Nó làm cho tình hình phức tạp”, ông Huỳnh Quang Hưng –Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói.

Bên lề Hội thảo "Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (18/5), ông Huỳnh Quang Hưng –Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã trao đổi với báo chí xung quanh tình trạng mua bán và quản lý đất đai trong cơn sốt vừa qua.

Ông Hưng cho hay, hiện có trên 287 dự án của các nhà đầu tư tại tỉnh Kiên Giang. Các thủ tục hành chính từ xin chủ trương, lập dự án, bồi thường... rất nhiều. Nếu luật mới đây hợp nhất chỉ có duy nhất Chủ tịch đặc khu - người được giao quyền nhiều hơn thì mô hình sẽ gọn nhẹ và nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông Hưng cũng chia sẻ việc huyện đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế đã được địa phương chuẩn bị từ lâu. Trong đó có cả công tác nhân sự đến các chính sách cho các nhà đầu tư.

“Người dân Phú Quốc và nhà đầu tư rất quan tâm đến việc Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, họ mong đợi được hưởng lợi của các cơ chế đặc thù khi trở thành đặc khu”, ông Hưng nói.

Vị Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cũng thừa nhận, thời gian qua ở Phú Quốc có diễn biến phức tạp về tình trạng mua bán đất đai, làm cho giá nhà đất ở đây tăng đột biến.

“Khi thông tin trở thành đặc khu như các địa phương khác tất yếu giá đất tăng, thậm chí có những địa phương không phải đặc khu mà giá đất cũng tăng, vẫn sốt. Tuy nhiên, giá đất tăng cũng phải mức độ nào và cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng”, ông Hưng nói.

Vị này cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để ổn định tình hình mua bán đất đai ở đây. “Vì khi giá đất tăng cao, sốt cao sẽ để lại hệ lụy như tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép ở trên đất đai do nhà nước quản lý trong đó có cả đất rừng. Đây là việc khó khăn thách thức cho địa phương đang xây dựng cơ chế cho đặc khu trong đó có Phú Quốc”, vị Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc nói.

Theo ông Hưng hiện nay tình hình mua bán đất đai ở Phú Quốc đã có giảm nhiệt, khi các cơ quan chức năng vào cuộc. “Chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra xử lý từ tỉnh đến huyện để giảm đi tình hình mua bán đất đai, đặc biệt tình hình bao lấn chiếm, xây dựng trái phép. Bên cạnh đấy là vấn đề an ninh trật tự có các băng nhóm bảo kê cho việc mua bán, tranh chấp, bảo kê xây dựng trái phép cũng có. Nó làm cho tình hình phức tạp…”, ông Hưng cho biết

Trả lời về việc những trường hợp cấp sai đất rừng tại Phú Quốc sẽ được xử lý thế nào? Ông Hưng cho hay, việc này phải được các cơ quan thanh tra, kiểm tra xác định các trường hợp sai phạm, cấp sai để xử lý nghiêm.

 Lãnh đạo Phú Quốc nói về băng nhóm ‘bảo kê’ trong cơn sốt đất  - Ảnh 1.

Ông Hưng cho biết, đang tập trung quản lý chặt chẽ đối với hơn 31.000 ha đất rừng chiếm 2/3 diện tích của Phú Quốc.

“Việc mua bán chuyển nhượng đất đai trái phép không qua chính quyền, đặc biệt đối với các đất rừng, đất chưa được cấp giấy nhận quyền sử dụng đất đã diễn ra ở Phú Quốc. Chúng tôi đang tập trung quản lý chặt chẽ đối với đất rừng, đối với hơn 31.000 ha đất rừng của Phú Quốc nó chiếm 2/3 diện tích của đảo được đặc biệt quan tâm. Hiện các lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra đối với loại đất này để lập bản đồ hiện trạng. Đồng thời chấn chỉnh hiện tượng phân lô, xẻ đất nông nghiệp, xây dựng trái phép… để bảo đảm tình hình ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cũng cho rằng, thông tin nói dù chưa lên đặc khu kinh tế nhưng Phú Quốc đã bị “băm nát” quy hoạch là đặt vấn đề khó cho chính quyền “Bởi hiện nay chúng tôi vẫn đang thực hiện như quy hoạch mà quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt”, ông Hưng nói.

Theo Ninh Phan

Cùng chuyên mục
XEM