Lãnh đạo FPT vẫn là những người già. Nhân tố trẻ như anh Hoàng Nam Tiến có cơ hội nào không? - Đây là câu trả lời của "lão tướng" Trương Gia Bình

01/04/2017 15:37 PM | Kinh doanh

Ai có thể nói chuyện được với các lãnh đạo cấp cao của các Tập đoàn như Google, AT&T, hay các Bộ trưởng ở các Thành phố?

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Tập đoàn FPT diễn ra chiều 31/3, một cổ đông đặt câu hỏi khá hóc búa nhưng lại "quen thuộc" với lãnh đạo tập đoàn: "Lãnh đạo của FPT vẫn là những người già. Nhân tố trẻ như anh Hoàng Nam Tiến có cơ hội nào không?".

Đáp lại thắc mắc này, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: "Hỏi ban lãnh đạo FPT có già hay không thì tôi không trả lời về tuổi tác, mà quan tâm họ có sáng tạo, nỗ lực đóng góp vào hoạt động của công ty không? Dựa tên tiêu chí đó, tôi thấy họ ok. Mà thực ra những người lãnh đạo trên 60 là rất ít, số lãnh đạo 45-55 mới là chính, và mới là số lượng lớn".

"Ai có thể nói chuyện được với các lãnh đạo cấp cao của các Tập đoàn như Google, AT&T, hay các Bộ trưởng ở các Thành phố? Ở cấp Tập đoàn, những người lớn tuổi là hợp lý. Những người trẻ hơn dù có chức vụ nhưng vẫn cần phải tích lũy kinh nghiệm. Sự kết hợp giữa già và trẻ là hợp lý", ông Bình chất vấn.

Về thắc mắc của cổ đông liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho tương lai của tập đoàn, lãnh đạo FPT cho biết việc chuyển giao thế hệ, đào tạo thế hệ trẻ đã được lãnh đạo công ty lên kế hoạch kỹ càng, được đo bằng chỉ tiêu cụ thể.

"Ở FPT quan trọng người lãnh đạo là người có thể giải quyết những vấn đề mà ở cấp thấp hơn không giải quyết được, đưa ra giải pháp và đôi khi là thực hiện giải pháp đó".

"FPT là một trong những tập đoàn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho lớp lãnh đạo kế cận", Chủ tịch FPT khẳng định.

"Thiên thời địa lợi đang đến với chúng ta. Chúng ta có đủ thế và lực để thực hiện các kế hoạch" – ông Trương Gia Bình nói trong video nhìn lại những thành tựu của FPT năm 2016.

Tại đại hội lần này, HĐQT của FPT trình cổ đông một số nội dung quan trọng về Kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng doanh thu là 46.619 tỷ đồng – tăng 15% so với năm 2016 và lợi nhuận trước thuế là 3.408 tỷ đồng – tăng hơn 13%.

Trong đó, lợi nhuận từ khối công nghệ chiếm tỷ trọng cao nhất, dự kiến là 1.359 tỷ đồng – tăng 23,3%; từ khối viễn thông là 1.210 tỷ đồng – tăng 1%; lợi nhuận từ khối Phân phối và bán lẻ là 741 tỷ đồng – tăng 36,2%; duy nhất khối giáo dục và đầu tư có kế hoạch giảm lợi nhuận tới 42%, chỉ còn 98 tỷ đồng.

Cổ Tân

Cùng chuyên mục
XEM