Làng nghề làm nhang trăm tuổi ở TP Hồ Chí Minh tất bật vào vụ Tết
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, gần 1 thế kỷ qua làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân vẫn giữ được nét đẹp văn hoá của một làng nghề truyền thống.
Nằm trên đường Mai Bá Hương, Làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cách trung tâm TP hơn 30km về phía Nam, làng nhang Lê Minh Xuân là nơi kiếm sống của khoảng 124 hộ gia đình. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió, nhiều hộ dân nơi đây vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển làng nghề gần một thế kỷ qua.
Đây được xem là làng nghề lâu đời nhất TP Hồ Chí Minh và còn là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ. Tại đây, người dân sản xuất quanh năm, tập trung sản xuất vụ chính vào các dịp lễ lớn nhưng như Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy Âm lịch…
Thời điểm giáp tết, đi dọc đường Mai Bá Hương sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh những sào phơi nhang, những bó "hoa nhang" phơi dọc 2 bên đường với màu sắc nổi bật dưới ánh nắng, đây được xem là nét đặc trưng đã có từ lâu đời của làng nghề này.
Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012, làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân được coi là sự minh chứng của "chiếc xe" chuyên chở những lời thỉnh cầu hay ước mong của con người đến với tổ tiên, trời, phật. Mới đây, làng nghề truyền thống làm nhang Lê Minh Xuân được Sở du lịch TP Hồ Chí Minh công bố là 1 trong 10 điểm check-in thú vị nhất TP dịp Tết dương lịch 2024.
Trải qua thời gian dài, đến nay các hộ làm nghề nhang tại xã Lê Minh Xuân cũng dần thưa thớt hơn, tại góc đường Thích Thiện Hòa - Mai Bá Hương, xưởng làm nhang của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (Chủ xưởng nhang Minh Phước) được xem là xưởng nhang lớn nhất ở đây với diện tích khoảng 6.000m2...
"Năm nay, do tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, hàng đi chậm hơn so với thời điểm trước đây. Mọi năm, tháng 10 là chúng tôi đã có đơn đặt hàng Tết, tháng 11 mình giao hàng, để tháng 12 người ta đóng gói đưa ra thị trường. Làm ra bao nhiêu là hàng đi hết bấy nhiêu. Nhưng năm nay, hầu như không ai dự trữ hàng Tết. Khi nào cần thì họ mới tới mua trực tiếp. Số lượng nhang giảm phân nửa". Chị Thúy than thở.
Với gần 30 năm gắn bó với nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân, chị Thúy cho biết, cơ sở của chị chỉ làm nhang sạch, không qua pha chế độc hại và chủ yếu bỏ sỉ cho các khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây. Dù hiện đơn hàng Tết chưa có nhiều nhưng chị Thúy vẫn cho nhân công tiếp tục se nhang, để chuẩn bị lượng nhang sẵn, khi khách đến có hàng để bán, cũng như không bị ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động.
"Trung bình thu nhập một nhân công được khoảng 250.000 đồng/ngày, cộng với cuối năm có thưởng. Nhưng năm nay không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi chỉ mong những ngày tới sẽ có nhiều đơn hàng để tôi thưởng cho họ đón một cái Tết đủ đầy", chị Thúy chia sẻ.
Trước đây, cơ sở của chị Thúy chủ yếu làm nhang se tay, phơi nhang dưới trời nắng, khi lỡ có mưa xuống là "chạy không kịp". Nhưng những năm gần đây, chị cũng như nhiều cơ sở khác đã đầu tư máy se nhang, lò sấy để nhang đẹp, đều màu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như tăng công suất gấp 5-6 lần.
"Se tay, một ngày một người làm trung bình được 9-10 thiên, nhưng khi làm máy, một ngày có thể chạy được 60-70 thiên (mỗi thiên là 1.000 cây nhang). Già trẻ, lớn bé gì đều có thể làm được hết miễn có sức khỏe và mắt sáng", chị Thúy nói.
Theo ghi nhận của PV, nhìn chung các hộ gia công nhang đều có một nỗi niềm rằng "sắp Tết nhưng số đơn hàng gia công quá ít, không đủ để trang trải", tuy vậy, họ vẫn cố gắng gượng để giữ nghề truyền thống của địa phương.
Suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề nhang Lê Minh Xuân, hiện các chủ cơ sở làm nhang tại đây đang "lấy công làm lời" để giữ nghề. Bởi ngoài việc mưu sinh, họ vẫn lặng lẽ làm công việc lưu giữ một nghề thủ công truyền thống mang nét văn hóa tâm linh của dân tộc trong lòng một đô thị sầm uất như TP Hồ Chí Minh…