Lăng mộ Tần Thủy Hoàng bề thế nhưng mộ con trai kế vị lại như thường dân: Vì đâu nên nỗi?
Những câu chuyện xoay quanh Tần Thủy Hoàng và con cháu của vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc luôn hấp dẫn sử gia và các nhà nghiên cứu.
Dù hoàng đế đầu tiên của nhà Tần là Tần Thủy Hoàng được chôn cất trong lăng mộ nguy nga và bí ẩn chẳng khác gì một kỳ quan của Trung Hoa, thì Hoàng đế Tần Nhị Thế, con trai Tần Thủy Hoàng, lại an nghỉ ở một nơi bình thường.
Thậm chí, có thể coi việc có mảnh đất an táng tử tế đã là điều may mắn với vị vua này. Tại sao lại vậy?
Vị Hoàng đế thứ hai của nhà Tần: Lên ngôi mờ ám
Tần Thủy Hoàng có 20 người con trai. Phù Tô là con cả, còn Hồ Hợi (Tần Nhị Thế) là con thứ 18. Ban đầu, Hồ Hợi hoàn toàn không có cơ hội kế vị nếu xét về cả ngôi thứ lẫn tài năng. Tuy nhiên, khi Tần Thủy Hoàng đi tuần du đột nhiên bị bệnh nặng và chết ở Cối Kê. Theo lẽ thường, Phù Tô sẽ là người kế nghiệp và lúc này ông đang ở phía bắc gần Tân Cương.
Tuy nhiên, có hai viên đại thần là Triệu Cao (hoạn quan) và Lý Tư (giữ chức Thừa tướng) vì sợ mất quyền lực do Phù Tô vốn không trọng dụng họ nên đã viết thư mạo danh của Tần vương, ban cho Phù Tô cái chết. Rồi sau đó, Hồ Hợi mới lên làm vua.
Nơi chôn cất của vị hoàng đề thứ hai thời nhà Tần khá thoáng đãng (Ảnh: Baike.Baidu.com)
Dưới thời Tần Nhị Thế, nhà Tần trở nên suy vong. Vua rất tàn bạo và mải vui chơi, thậm chí còn đem giết những đại thần mà mình không ưa. Hơn hai mươi người anh chị em của mình, Tần Nhị Thế cũng đem giết hết cùng gia đình của họ vì sợ ngai vàng của mình lung lay.
Tần Nhị Thế còn cho mở rộng và tiếp xây cung A Phòng vốn đã nhiều thị phi từ thời vua cha, tốn kém rất nhiều tiền của và công sức của nhân dân.
Cuốn ''Sử ký'' của Tư Mã Thiên mô tả, riêng phần đã hoàn thành của cung A Phòng rộng tới mức ''chiều từ Đông sang Tây của phần điện phía trước dài 500 bộ (hơn 800m), chiều từ Nam sang Bắc dài 50 trượng (hơn 150m), phía trên có thể ngồi được hàng chục ngàn người, phía trước có thể dựng được cột cờ 5 trượng.
Cung A Phòng được ghi nhận là nơi cất giữ vàng bạc, châu báu cũng như hàng ngàn vạn mỹ nữ mà quân Tần cướp được trong cuộc chiến tranh chinh phục 6 nước chư hầu.
Người ta truyền tai nhau, vàng bạc trong cung điện chất cao như núi, còn mỹ nữ có cả vạn người.
Tuy tàn ác là thế nhưng khi tại vị, Tần Nhị Thế chỉ nghe theo lời Triệu Cao và bị điểu khiển bởi viên quan này. Nhà Tần thi hành chính sách hà khắc, khiến trăm họ bất bình, khởi nghĩa nổi lên khắp nơi.
Có một bảo tàng gần khu mộ, trưng bày hiện vật khảo cổ thời Tần Thị Thế, cung cấp thông tin về giai đoạn đầy biến động của triều đại này, chữ trên bảng: Tần Nhị Thế hoàng đế mộ . (Ảnh: Iicc.org.cn)
Sau này Tần Nhị Thế bị Triệu Cao chèn ép, không còn quyền lực. Những cuộc khởi nghĩa nổ ra, quân triều đình liên tiếp thua trận nhưng Triệu Cao vẫn giấu diếm Tần vương. Khi không thể giấu được nữa, Triệu Cao làm cuộc "chính biến Vọng Ly Cung". Ông ta bàn mưu với con rể là Diễm Nhạc phế truất Tần Nhị Thế.
Mộ đế vương nhưng quy mô chỉ như người thường
Lúc này Tần Nhị Thế biết không làm gì được nên phải lẩn tránh rồi uống thuốc độc tự tử năm 24 tuổi và được chôn theo nghi thức thường dân ở nơi "phía nam đất Đỗ, trong vườn Nghi Xuân" khi ấy.
May mắn cho ông, Trung Hoa tuy sau đó rơi vào cảnh chiến loạn, chia cắt nhưng không có kẻ địch tìm thấy nơi chôn cất ông.
Gần mạn phía nam của làng Điển Trì, thị trấn Điển Giang, huyện Nhạn Tháp, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, có một ngôi mộ với đường kính khoảng 25 mét và cao khoảng 5 mét. Nếu mọi người trông vào thì nó chỉ giống như mộ bình thường. Nhưng thực sự nó rất có giá trị lịch sử dù tương đối ảm đạm.
Đặc biệt là so sánh với lăng mộ bề thế gần đó của Hán Tuyên Đế thì thật sự sẽ hiện rõ khác biệt. Nhưng đây cũng là ngôi mộ của một người từng làm vua. Đó chính là nơi an nghỉ của Tần Nhị Thế, người con trai của Tần Thủy Hoàng và cũng là hoàng đế thứ hai của nhà Tần.
Ngôi mộ rất đơn giản bởi sau một loạt biến cố đầy bi kịch của nhà Tần thì ông đã được chôn cất như nghi thức chôn cất một thường dân.
Mộ của Tần Nhị Thế ở Thiểm Tây (Ảnh: Kknews.cc)
Phía trước ngôi mộ, có một tấm bia mà trên đó khắc thời điểm dựng bia là năm Càn Long thứ 41 (1776) dưới thời nhà Thanh.
Đó là tấm bia đá do Tổng đốc tỉnh Thiểm Tây thời ấy là Tất Nguyên Lập dựng lên và khắc chữ "Tần Nhị Thế Hoàng Đế Mộ" (tức mộ của Hoàng đế Tần Nhị Thế).
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng bề thế và nguy nga chẳng khác gì một kỳ quan của Trung Hoa. Ảnh minh họa.
Tham khảo: KKNEWS.CC