Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng

16/04/2023 19:01 PM | Sống

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn luôn là bí ẩn đối với các nhà khoa học. Vì vậy, họ đã quyết định khoan hơn 40.000 lỗ trên gò đất chôn cất Tần Thủy Hoàng và tìm thấy nhiều manh mối quan trọng.

Bí ẩn lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Trung Quốc xưa đã nảy sinh quan niệm về phong thủy của lăng mộ. Tức là, khi chọn địa điểm để xây dựng, người xưa phải đảm bảo theo nguyên tắc: "Lập mộ an phần cần phải ở nơi có núi có nước". Những nơi có địa thế như vậy được coi là tốt nhất cho phong thủy của lăng mộ. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chính là một kiểu mẫu lăng mộ được xây theo quan niệm phong thủy đó.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 1.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở nơi địa thế có cả núi và nước. (Ảnh: Sohu)

Tần Vương mất ngày 11 tháng 7 năm 210 TCN - ở tuổi 49. Lăng mộ của ông được xây dựng rất hoành tráng. Quá trình xây dựng lăng mộ kéo dài tới 38 năm, huy động 700.000 lượt người. Thực tế, lăng mộ được xây dựng ngay từ khi Tần Thủy Hoàng mới 13 tuổi, nhưng được đẩy mạnh sau khi ông lên ngôi hoàng đế và công trình chỉ hoàn thành sau khi Tần đế qua đời.

Trong bộ Sử ký, Tư Mã Thiên thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng như sau: "Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung điện, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, như Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy dầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi."

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 2.

Theo Tư Mã Thiên, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được xây dựng rất hoành tráng. (Ảnh: Sohu)

Sau khi chôn cất xong, có người nói: "Những người thợ làm máy và cất giấu đều biết chỗ cất giấu, thế nào họ cũng tiết lộ việc lớn". Cho nên sau khi cất giấu xong, Tần Nhị Thế (con trai Tần Thủy Hoàng) sai đóng đường hầm đi đến huyệt và cửa ngoài hầm. Những người thợ và người cất giấu không làm sao thoát ra được. Rồi sai trồng cây, trồng cỏ lên trên ngụy trang thành cái núi. Vì vậy, những thông tin về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng không có nhiều.

Phát hiện quan trọng

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 3.

Năm 1974, lần đầu tượng binh sĩ làm bằng đất nung được tìm thấy. (Ảnh: Sohu)

Năm 1974, trên một cánh đồng vắng vẻ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, một số nông dân đang đào giếng gần Tây An phát hiện hàng loạt tượng binh sĩ làm bằng đất nung với kích thước tương đương người thật. Sau nhiều thập niên khảo sát, các nhà khảo cổ nhận định, đó là một phần trong đội quân gồm 8.000 binh sĩ đất nung bảo vệ vòng ngoài cho lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Họ cũng xác định sự tồn tại của một cung điện nằm sâu hàng chục mét dưới lòng đất..  

Phát hiện này thực sự rất đáng giá nhưng các nhà khoa học vẫn lo lắng bởi trong một số tài liệu sử có chép lại rằng, Hạng Vũ đã từng phái 300.000 binh lính của mình và đặc biệt cử Anh Bố chỉ huy nhiệm vụ khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, khi đoàn quân của Hạng Vũ tiến hành đào mộ của Tần Thủy Hoàng gặp nhiều khó khăn. Lối đi của lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã được đào, nhưng bên trong có rất nhiều cạm bẫy, khiến binh lính thương vong rất nhiều. Hạng Vũ tự mình đi vào và rơi vào bẫy. Vì vậy, Hạng Vũ ra lệnh đốt toàn bộ lăng mộ của Tần Thủy Hoàng trong cơn thịnh nộ. Nhiều người cho rằng, sau khi bị lửa thiêu rụi, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chỉ còn lại một cái vỏ trống rỗng.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 4.

Trong một số cuốn sử liệu, có thông tin rằng Hạng Vũ đã tìm thấy và phá hủy lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Sohu)

Để xác định xem lăng mộ thực sự rỗng hay không, các nhà khảo cổ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như thiết bị dò tia vũ trụ và khoan vào lòng đất. Sau khi khoan tới hơn 40.000 lỗ xung quanh gò đất cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp, rồi đưa máy dò xuống nơi được cho là lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở đó, họ đã tìm ra được nhiều manh mối quan trọng.

Các nhà khảo cổ không tìm thấy dấu vết của sự phá hủy nhân tạo quy mô lớn, mà thay vào đó họ phát hiện ra sự tồn tại của một cung điện dưới lòng đất cao hơn 30m. Toàn bộ cung điện dưới lòng đất được bao quanh bởi những bức tường đất có độ dày từ 4 đến 5 mét, chiều dài xung quanh cung điện dưới lòng đất là hơn 300 mét, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở giữa cung điện dưới lòng đất.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 5.

Sau khi khoan hơn 40.000 lỗ và đưa máy dò xuống nơi được cho là chôn cất Tần Thủy Hoàng, các nhà khoa học đã tìm thấy manh mối quan trọng. (Ảnh: Sohu)

Họ cũng tìm thấy bằng chứng chứng minh những mô tả của Tư Mã Thiên về các hồ và đường nước chứa đầy thủy ngân để mô phỏng các con sông và biển lớn của Trung Quốc. Các mô tả khác của Tư Mã Thiên như bẫy trang bị để hại bất cứ ai vào lăng mộ - không được xác minh.

Bề mặt của mộ không còn vững chãi, nhưng các cấu trúc dưới lòng đất hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Một Buồng trung tâm đặt quan tài của Tần Thủy Hoàng và hầu hết các kho báu có giá trị vẫn không bị xáo trộn. Nơi đây chiếm đến 2/3 tổng diện tích, lăng mộ còn có chỗ chôn cho các phi tử của Tần đế với 48 ngôi mộ nhỏ được tìm thấy. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra 98 căn phòng ngay bên cạnh khu vực của đội quân đất nung.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 6.

Qua đường hầm binh mã ở bên ngoài lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tượng binh sĩ, tượng ngựa và nhiều vũ khí... (Ảnh: Sohu)

Thông qua khai quật đường hầm binh mã (đội quân đất nung bên ngoài lăng mộ Tần Thủy Hoàng), các nhà khảo cổ đã phát hiện ra vũ khí như cung nỏ, chiến xa, tượng ngựa… chúng đều không có dấu vết bị đốt cháy hay hư hại. Từ đây, các nhà khảo cổ cho rằng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chưa hề bị phá hủy và cũng không trống rỗng.

Nguy cơ tiềm ẩn

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 7.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, có chiều dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. (Ảnh: Sohu)

Hơn nữa, các chuyên gia còn phát hiện ra đo nồng độ thủy ngân ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng cao gấp 280 lần mức bình thường. Họ ước tính, lượng thủy ngân bên trong có thể lên tới 100 tấn. Mà thủy ngân là chất rất dễ bay hơi, nếu như lăng mộ của Tần Thủy Hoàng thực sự đã bị mở ra thì thủy ngân sẽ không thể tồn tại lâu như vậy. Do đó, có thể thấy lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn nguyên vẹn dưới lòng đất.

Theo số liệu thăm dò khảo cổ, lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có chiều dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Với tổng diện tích 41.600 m2, tương đương diện tích 5 sân bóng đá quốc tế, đây là lăng mộ lớn nhất trong triều đại Tần và Hán.

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rỗng hay đặc: Chuyên gia quyết định khoan hơn 40.000 lỗ bên trên mới tìm ra manh mối quan trọng - Ảnh 8.

Sau lần các nhà khảo cổ Trung Quốc đã mở một lăng mộ hoàng gia của triều đại nhà Minh ở Bắc Kinh vào năm 1950 và chứng kiến những vật liệu quý bị hủy, họ lo ngại sau khi khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng sẽ phá hỏng nó. (Ảnh: Sohu)

Thế nhưng, các nhà khảo cổ đến nay vẫn chưa thể khai quật thêm vì lo ngại có thể làm hỏng lăng mộ và làm mất đi thông tin lịch sử quan trọng. Trước đó, nhiều cuộc khai quật đã vô tình gây ra thiệt hại không thể khắc phục. Ví dụ như  năm 1870 cuộc khai quật thành phố Troy do Heinrich Schliemann dẫn dắt đã phá hủy mọi dấu vết chính của thành phố cổ do sự vội vàng của các nhà khảo cổ. Hay vào những năm 1950, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã mở một lăng mộ hoàng gia của triều đại nhà Minh ở Bắc Kinh và chứng kiến những vật liệu quý như lụa và giấy bị phân hủy ngay sau khi tiếp xúc ánh sáng ngoài trời. Kể từ đó, họ rất thận trọng trong việc tiếp cận những lăng mộ tương tự như lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

*Bài viết được tổng hợp thông tin từ Sohu, 163, QQ.

Theo Nguyệt Phạm

Cùng chuyên mục
XEM