Làn sóng kì thị, bắt nạt và tẩy chay bùng nổ ở Nhật Bản trong mùa Covid-19 đến từ sự tinh khiết trong nền văn hóa xứ Phù Tang
Ngoài nỗi sợ bị lây nhiễm, các chuyên gia cho rằng định kiến với những người gián tiếp liên quan đến bệnh tật bắt nguồn từ ý nghĩa sâu xa của sự tinh khiết và sạch sẽ trong nền văn hóa vốn luôn từ chối những thứ được cho là xa lạ, ô uế hoặc rắc rối.
Dịch Covid-19 tại Nhật Bản không đơn giản chỉ là một loại bệnh dịch, mà nó còn là sự phân biệt đối xử, kì thị và thành kiến với người bệnh, gia đình và nhân viên y tế.
Theo Japan Today, một chiến dịch của chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự lây nhiễm của virus nhưng điều này lại không làm cho sự quấy rối và kì thị trong xã hội Nhật Bản "hạ nhiệt". Hơn thế nữa, điều này còn khiến cho những người mắc bệnh không dám đi xét nghiệm và làm cản trở cuộc chiến chống lại đại dịch của đất nước này.
Khi Arisa Kadono có kết quả dương tính Covid-19 và phải nhập viện vào đầu tháng 4, cô chỉ được xác định là một người phụ nữ ở độ tuổi 20 và làm việc trong ngành kinh doanh thực phẩm. Vậy mà chẳng mấy chốc, bạn bè cho cô biết những tin đồn vô căn cứ đang lan truyền rằng quán bar nơi cô đang làm việc là một ổ dịch, và rằng cô đã đi ăn tối cùng với một cầu thủ bóng chày nổi tiếng cũng bị nhiễm Covid-19, rằng cô đã trốn khỏi bệnh viện và đi truyền virus cho nhiều người khác.
Arisa nói trong một cuộc phỏng vấn được gọi đến nhà cô ở Himeji, phía tây Nhật Bản sau 3 tuần nằm viện điều trị rằng: "Cứ như tôi là một tên tội phạm vậy!"
Ngoài một cơn sốt nhẹ vào ngày đầu tiên và mất khứu giác, Arisa Kadono không có bất kì triệu chứng gì nghiêm trọng mặc dù kết quả xét nghiệm liên tục đưa ra là dương tính SARS-CoV-2. Trong khi đó, mẹ cô bị viêm phổi và được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện khác.
Có rất nhiều người khác ngoài Arisa đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và thành kiến. Arisa Kadono đã quyết định lên tiếng vì bản thân và những người bệnh khác rằng: "Tôi thực sự muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người trong việc đổ lỗi cho những người bị nhiễm bệnh."
Ngoài nỗi sợ bị lây nhiễm, các chuyên gia cho rằng định kiến với những người gián tiếp liên quan đến bệnh tật bắt nguồn từ ý nghĩa sâu xa của sự tinh khiết và sạch sẽ trong nền văn hóa vốn luôn từ chối những thứ được cho là xa lạ, ô uế hoặc rắc rối.
Nhân viên y tế mạo hiểm mạng sống của mình để chăm sóc bệnh nhân là những người chịu sự phân biệt đối xử rõ ràng nhất. Bên cạnh đó là những người làm việc tại các cửa hàng tạp hóa, những người giao hàng và những người phục vụ các công việc thiết yếu cũng đang phải đối mặt với sự quấy rối. Thậm chí cả các thành viên trong gia đình họ cũng phải chịu sự kì thị.
"Tôi có thể hiểu được chuyện mọi người sợ virus, nhưng chúng tôi đang làm việc chăm chỉ ở tuyến đầu và phải chịu áp lực rất lớn. Chúng tôi cũng có gia đình riêng mà chúng tôi quan tâm. Phân biệt đối xử với chúng tôi chỉ vì chúng tôi là nhân viên y tế đang làm chúng tôi nản lòng và mất tinh thần." - Một nhân viên y tế ở độ tuổi 30 chia sẻ, tuy nhiên, cô không nêu tên tuổi vì sợ rằng mình có thể trở thành mục tiêu bị nhắm đến.
Một y tá khác được một vài bà mẹ tiếp cận và yêu cầu rời khỏi công viên Tokyo, nơi mà cô đang cho những đứa trẻ đi chơi. Một số y tá không được chào đón tại các nhà hàng họ thường ghé. Một số thì còn bị tài xế taxi từ chối. Bộ Y tế gần đây đã ban hành chỉ thị cho các cơ sở mầm non chăm sóc con cái của y bác sĩ sau khi một số nơi từ chối làm điều này.
Một y tá kì cựu ở Hokkaido cho biết mẹ của một trong những đồng nghiệp của cô đã bị đình chỉ công tác. Chồng của một đồng nghiệp khác không nhận được việc làm mới vì công việc của vợ anh.
Cả hai y tá này đều được giao nhiệm vụ chăm sóc những người nhiễm Covid-19 và phải ở lại một khách sạn để bảo vệ gia đình trong khi họ phải làm việc trong điều kiện không có thiết bị bảo hộ và xét nghiệm đầy đủ.
"Chúng tôi hiểu nỗi sợ hãi của mọi người, nhưng nhân viên y tế đang làm hết sức mình để ngăn ngừa đại dịch. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của mọi người. Chúng tôi không yêu cầu bất kì điều gì đặc biệt, chỉ cần một lời cảm ơn đã là một phần thưởng to lớn để khích lệ chúng tôi rồi." - Ông Toshiko Fukui, người đứng đầu Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản cho biết.
Nhà tâm lý học lâm sàng Reo Morimitsu làm việc tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Suwa cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NHK rằng: "Phản ứng của cộng đồng có thể đang khiến những người mắc bệnh không dám tìm đến sự chăm sóc y tế đúng cách. Điều này dễ làm tăng nguy cơ bệnh dịch lây lan rộng hơn."
Các báo cáo cho biết cảnh sát Nhật Bản hồi tháng trước đã phát hiện khoảng hơn chục người chết một mình trong nhà hoặc gục ngã trên đường phố, những người này sau đó đều có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Morimitsu nói: "Virus dường như không chỉ lây nhiễm vào cơ thể con người mà còn đang lan đến tâm trí và hành vi của chúng ta, gây hại cho cộng đồng và chia rẽ xã hội của chúng ta."
Định kiến và sự phân biệt đối xử với những người bị cho là "không tinh khiết" là một phần di sản của thời phong kiến, khi một số người Nhật tham gia vào các ngành nghề như thuộc da hoặc đồ tể bị coi là ô uế. Con cháu của những người này về sau vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Những người mắc bệnh phong cũng phải chịu sống cuộc sống cô lập trong hàng thập kỉ mặc dù đã có cách chữa trị.
Nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 của Mỹ vào Nhật Bản, được gọi là hibakusha, và những người bị thương trong các vụ tai nạn công nghiệp như ngộ độc thủy ngân cũng phải đối mặt với sự kì thị tương tự. Gần đây, một số người chạy trốn khỏi vụ nổ hạt nhân năm 2011 ở Fukushima cũng đã bị bắt nạt và quấy rối.
Naoki Sato, một chuyên gia về tội phạm học và văn hóa Nhật Bản tại Viện Công nghệ Kyushu, đã viết trong một bài báo gần đây trên tạp chí trực tuyến Gendai Business rằng: "Đằng sau sự phân biệt đối xử với những bệnh nhân mắc Covid-19 chính là ý nghĩa rằng các bệnh nhân này không tinh khiết. Nỗi lo lắng ngày càng gia tăng và nỗi sợ bị lây nhiễm đã làm tăng thêm sự kì thị với những người nhiễm bệnh."
Có khá nhiều báo cáo đến từ khắp đất nước Nhật Bản cho thấy sự phân biệt đối xử này. Ở Mie, miền trung Nhật Bản, người ta đã ném đá vào nhà của bệnh nhân mắc Covid-19 và phá hoại tài sản. Ở Iwate, một người đàn ông đã chết trong cô độc sau khi bị hàng xóm không cho phép rời khỏi nhà để đi khám bệnh.
Trước tình hình này, một số nơi ở Nhật Bản đã bắt đầu gửi đến những thông điệp cảm ơn và ca ngợi nhân viên y tế. Một số tổ chức đã bắt đầu hoạt động quyên góp và hỗ trợ cho các bệnh viện. Một y tá từ Hokkaido cho biết: "Chiến dịch này nhằm để nâng cao nhận thức và chống phân biệt đối xử. Tuy muộn màng nhưng người dân đã bắt đầu cổ vũ chúng tôi. Các cửa hàng lân cận đôi khi mang đến cho chúng tôi những món ăn như bánh kếp, mì xào và sữa."
(Theo Japan Today)