Làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản sẽ tràn vào Việt Nam
Khẳng định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản trước chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4-8/6.
Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chào xã giao nhà Vua và Hoàng Hậu, hội kiến với Chủ tịch Lưỡng viện, Chủ tịch Đảng, hầu hết các tập đoàn lớn như Toyota, Mitsubishi…tổ chức JICA… gặp gỡ với một số doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, tham dự diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản…
Dư luận Nhật Bản coi đây là chuyến thăm đặc biệt, lớn nhất từ trước đến nay bởi tập trung vào hợp tác kinh tế giữa hai bên. Cùng đi với Thủ tướng có tới gần 200 doanh nghiệp Việt Nam với mục đích vừa tìm hiểu, hợp tác, ký kết thỏa thuận…trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân dịp này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Nhật Bản phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, về chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
PV: Thưa Đại sứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai Châu á từ ngày 4-8/6. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm lần này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao của Việt Nam sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4-8/6 tới đây là chuyến thăm 2 trong 1.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm sẽ tham dự Hội nghị Tương lai châu Á. Đây là Hội nghị được ghi nhận là diễn đàn uy tín hàng đầu trong khu vực.
Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu đang ở ngã ba đường và những bước tiếp theo của châu Á”, diễn đàn thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của những chính khách, học giả hàng đầu trong khu vực và thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida cũng tham gia vào diễn đàn này. Ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có Thủ tướng Lào, nguyên Thủ tướng Singapore, Malaysia…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời làm diễn giả chính của diễn đàn, phát biểu ngay tại phiên khai mạc. Điều này cho thấy nước chủ nhà và Ban tổ chức đã đánh giá cao vai trò vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu của mình sẽ đưa ra một thông điệp là Chính phủ Việt Nam sẽ tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, tạo ra nhiều cơ hội làm ăn và hợp tác với các nước trên thế giới trong đó có Nhật Bản.
Trong quan hệ song phương, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện việc việc xây dựng và vun đắp những mối quan hệ cá nhân, thân tình giữa các nhà lãnh đạo luôn luôn là một yếu tố hết sức quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm từ khi Việt Nam có Chính phủ mới (tháng 4/2016) đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe có tới 5 lần gặp gỡ và trao đổi với nhau. Đó là dịp Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng tại Mie và đã có cuộc hội đàm đầu tiên rất thành công với Thủ tướng Abe tại Tokyo (tháng 5/2016).
Ngoài ra, hai Thủ tướng cũng đã gặp gỡ và trao đổi với nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Mông Cổ (tháng 7/2016), Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào (tháng 9/2016). Tiếp đó là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 1/2017) và cuộc gặp gỡ lần này tại Tokyo.
Chỉ riêng tần xuất gặp gỡ, trao đổi thường xuyên như trên đã phần nào nói lên mức độ gần gũi và tin cậy giữa những người đứng đầu Chính phủ của hai nước và điều đó cũng có tác động không nhỏ tới đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
PV: Trong chuyến Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nội dung được tập trung đó là hợp tác kinh tế. Xin Đại sứ cho biết rõ hơn các nội dung này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Đúng là trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, bên cạnh các cuộc hội đàm, gặp gỡ với lãnh đạo các chính giới, đảng phái tại Nhật Bản nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực thì nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước là một nội dung trọng tâm của chuyến thăm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho toàn bộ chuyến thăm, trong đó có các nội dung kinh tế. Thủ tướng sẽ có các cuộc ăn sáng, ăn trưa làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực tài chính,ngân hàng, công nghệ, sản xuất chế tạo, tin học..., và tranh thủ tiếp riêng cũng như đi thăm một vài trụ sở và cơ sở sản xuất của các công ty, tập đoàn đang có ý định đầu tư lớn vào nước ta trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng sẽ tiếp lãnh đạo các tổ chức kinh tế quan trọng như Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (JICA),Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) để bàn về các định hướng hợp tác về ODA, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm tới.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế Việt-Nhật với chủ đề "Hướng tới kỷ nguyên mới của quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản."
Đây sẽ là diễn đàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó khoảng 1.300 là đại diện của các tập đoàn, công ty sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của Nhật Bản cùng với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm rất cao của Chính phủ và giới doanh nghiệp Nhật Bản tới các tiềm năng hợp tác, kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam sẽ có bài phát biểu quan trọng để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng và minh bạch tại Việt Nam, một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.
Thủ tướng Việt Nam cũng dành nhiều thời gian để trực tiếp lắng nghe và giải đáp các nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Tại Osaka, Thủ tướng cũng có nhiều cuộc làm việc với các tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản ở khu vực Kansai.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ dự lễ cắt băng khánh thành "Tuần lễ hàng Việt Nam" với hàng chục gian hàng bày bán các sản phẩm, hàng hóa, nông sản của Việt Nam tại một siêu thị lớn của Nhật Bản.
Đáng chú ý nữa là tháp tùng Thủ tướng lần này có lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và các địa phương của Việt Nam cũng sẽ có các ký kết hợp tác, đầu tư với nhiều địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản với tổng giá trị lên tới nhiều tỷ USD.
Nói gọn lại, nội dung kinh tế của chuyến thăm lần này là rất lớn, rất quan trọng, nhưng cũng lại rất cụ thể là bằng các dự án, hợp đồng ký kết với tổng giá trị lớn tới gần 20 tỷ USD giữa các doanh nghiệp và các địa phương của hai nước. Đây là con số kỷ lục. Điều này cũng nói lên lên tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên còn rất lớn.
Chúng ta hy vọng rằng chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ góp phần tạo ra một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới.
Trong nước, chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị tốt hơn nữa trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi đủ điều kiện đón làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản. Đây là nguồn "ngoại lực" hết sức quan trọng, kết hợp với phát huy nội lực, tôi tin rằng sẽ phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong thời gian tới.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hai nước sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Hiện tại quan hệ hai nước được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh của khu vực châu Á với sự song trùng về lợi ích. Mặt khác, hai nước chúng ta không có mâu thuẫn về lợi ích, có sự hiểu biết về văn hóa, có sự cảm mến lẫn nhau.
Do vậy, có thể nói mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đang rất phát triển. Lãnh đạo hai nước chúng ta nhiều lần khẳng định rằng quan hệ hai nước chúng ta đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất.
Chỉ riêng trong 2017, từ đầu năm đến nay, các lãnh đạo cao cấp nhất của Nhật Bản đã thăm Việt Nam, đó là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 1, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Tiếp đó là chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Oshima đến Việt Nam vào tháng 5 vừa qua. Và đầu tháng 6 tới đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với sự trao đổi qua lại thường xuyên giữa các lãnh đạo, Bộ ngành, địa phương, sự quan tâm giữa chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức của hai nước, tôi tin rằng quan hệ hai nước sẽ phát triển tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!.