Lần đầu tiết lộ: Ông Hoàng Nam Tiến kể về ba mẹ với nhiều điều PHI THƯỜNG chuẩn 'soái ca', 'tổng tài' khiến giới trẻ 'mắt tròn, mắt dẹt'

15/04/2024 17:55 PM | Sống

Tác giả cho biết, "Thư cho em" là cuốn sách đầu tiên, duy nhất và cũng là cuốn sách cuối của của đời ông, kể về chuyện tình giữa thời chiến của ba mẹ: Bi tráng nhưng không kém phần lãng mạn!

Trong buổi lễ ra mắt cuốn sách "Thư cho em", tác giả Hoàng Nam Tiến đã kể về chuyện tình của ba mẹ là Tướng Hoàng Đan và bà An Vinh, cùng trích dẫn những bức thư tình được ông cất giữ trong nhiều năm qua. 

Ông Hoàng Nam Tiến dí dỏm chia sẻ, trước đây đi học, ông học chuyên Toán, thường điểm Văn rất kém. Ông không ngờ ở tuổi này, ông còn cho ra mắt cuốn sách đầu tay và có lẽ là cuốn sách của cuộc đời.

Cuốn sách kể về tình yêu sâu đậm của thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh (1933-2022). "Thư cho em" gồm 4 phần: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!; Hương gây mùi nhớ; Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ và Về đây bên nhau. 4 phần tương ứng các mốc thời gian từ khi vợ chồng ông Hoàng Đan và bà An Vinh nên duyên đến tháng ngày phải xa cách vì chiến tranh, đến khi hoà bình lập lại. 

Giữa những khoảng không cách xa, tình yêu của họ được kết nối qua những lá thư. Bằng một cách kỳ diệu, họ luôn giữ liên lạc với nhau giữa sự khốc liệt của chiến tranh.

Chuyện chưa từng kể về ba mẹ qua lời ông Hoàng Nam Tiến: Làm nhiều điều PHI THƯỜNG chuẩn 'soái ca', 'tổng tài' khiến giới trẻ 'mắt tròn. mắt dẹt' - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam Tiến.

"Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau"....

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ khi ông đọc được những lá thư của ba mẹ, ông chợt nhận ra hoá ra ba mẹ không có gì đặc biệt. Tình yêu của người lình và cán bộ Cách mạng là tình yêu chung của cả thế hệ cha ông thời chống thực dân, đế quốc. Ông nhận ra ở Việt Nam có ít tư liệu văn chương, sách báo nhắc đến chuyện tình yêu. 

Tác giả cuốn sách nhấn mạnh: "Tình yêu của ba mẹ tôi không có gì đặc biệt, bởi cả thế hệ đều như vậy. Tôi tin các bạn trẻ giờ đọc cuốn sách sẽ thấy rất rõ về lãng mạn Cách mạng, tình cảm vợ chồng hoà quyện với tình yêu đất nước. Đã có cả một thế hệ đã phải nén tình yêu cá nhân, tình yêu gia đình để dành tình yêu cho đất nước".

Và để cuốn sách đến được tay độc giả, ông Tiến đã đổi 2 biên tập viên - không phải do họ không xuất sắc mà như ông Tiến phân trần: "2 bạn biên tập viên đó rất giàu kinh nghiệm, có những tác phẩm xuất sắc nhưng khi các bạn viết, tôi đọc và chợt nhận ra đó không phải văn của mình. Văn trơn tru quá, hay quá, tình cảm quá, đó không phải là tôi". Cuối cùng, ông Tiến quyết định chọn một biên tập viên trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm viết sách để có những câu chuyện... thật nhất!

Chuyện chưa từng kể về ba mẹ qua lời ông Hoàng Nam Tiến: Làm nhiều điều PHI THƯỜNG chuẩn 'soái ca', 'tổng tài' khiến giới trẻ 'mắt tròn. mắt dẹt' - Ảnh 2.

Những lá thư của tướng Hoàng Đan và vợ - bà An Vinh.

Trong buổi ra mắt cuốn sách, nhiều câu chuyện về tướng Hoàng Đan và bà An Vinh được ông Tiến chia sẻ lại. Ông kể về ba từng đạp 1300km vượt núi băng rừng để xin cưới mẹ. Thế nhưng, dù cảm động nhưng bà An Vinh đã từng chối: "Bây giờ mà em lấy anh, em lại sinh con, sẽ về quê để nuôi bố chồng. Em sẵn sàng làm điều đó nhưng em không muốn thế". 

Bà An Vinh xuất thân trong một gia đình bề thế nhưng do hoàn cảnh thất thế nên về sau, bà phải đi ở tại một gia đình người họ hàng (chị gái của tướng Hoàng Đan). Bà An Vinh không muốn tiếp tục kiếp "con sen", muốn thay đổi cuộc đời. Sau khi hiểu rõ nỗi lòng người vợ, tướng Hoàng Đan đã dành 3 đêm tân hôn chỉ để cầm tay vợ, chia sẻ trò chuyện đơn thuần, "không làm gì cả". Tướng Hoàng Đan đã giữ được lời cam kết cho đến năm 1958, khi bà An Vinh được Chính phủ cho chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội, khi đó người con trai đầu của họ mới chào đời. 

Và còn rất nhiều những bức thư khác đã tái hiện những câu chuyện rất đời giữa thời chiến, gắn liền với tình cảm vợ chồng, tình yêu gia đình. Đó là những giận dỗi, hờn ghen mà bà An Vinh khi thấy chồng lâu viết thư hồi đáp. Là khi tướng Hoàng Đan động viên vợ cùng học tập, cùng nhau đọc cuốn sách "Chiến tranh và hoà bình" rồi viết thư chia sẻ nội dung. Là khi 2 vợ chồng cùng nhau thu vén chi tiêu gia đình, trao đổi để tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí. Hay cả trong việc nuôi dạy con, họ cũng bàn bạc với nhau để có phương pháp tốt nhất. 

Chuyện chưa từng kể về ba mẹ qua lời ông Hoàng Nam Tiến: Làm nhiều điều PHI THƯỜNG chuẩn 'soái ca', 'tổng tài' khiến giới trẻ 'mắt tròn. mắt dẹt' - Ảnh 3.

Các độc giả có mặt trong buổi ra mắt đặt câu hỏi.

Trong trận chiến ác liệt, gia đình ông Tiến cũng từng bàng hoàng trước tin tướng Hoàng Đan hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên may mắn sau đó ba ông Tiến đã sống sót và không hề bị thương. Đến giờ, ông Tiến vẫn nhớ vào bữa cơm tối, tiếng chuông điện thoại vang lên nhưng không ai dám nghe máy vì lo sợ điều đang suy nghĩ là sự thật. Ông Tiến dí dỏm cho biết, cuối cùng, vì là người nhỏ nhất trong nhà nên ông đã nghe điện thoại và nhận được tin ba còn sống. Cảm giác lúc đó vỡ oà trong hạnh phúc. Sau này khi ba ông trở về, ba cũng không bao giờ nhắc lại những chuyện cũ. "Chưa bao giờ tôi thấy ba khoe chiến công, đó là nguyên tắc của ba tôi", ông Tiến kể.

Về ba mẹ của mình, ông Tiến chia sẻ đã học được rất nhiều điều. Về mẹ, ông học được tính kỷ luật với bản thân đến mức khắt khe. Điều thứ hai mà ông học được từ cả ba và mẹ là tự học. Trong tất cả các bức thư, tướng Hoàng Đan và vợ đều động viên nhau học tập không ngừng. Bà An Vinh đi lấy chồng năm 21 tuổi, khi chưa học hết cấp 2. Nhưng khi chồng vắng nhà đi chiến đấu, bà đã nỗ lực học hết cấp 2, cấp 3 và Đại học. Sau này, bà còn đi học Quản trị Kinh doanh cao cấp. 

Chuyện chưa từng kể về ba mẹ qua lời ông Hoàng Nam Tiến: Làm nhiều điều PHI THƯỜNG chuẩn 'soái ca', 'tổng tài' khiến giới trẻ 'mắt tròn. mắt dẹt' - Ảnh 4.

"Một người phụ nữ sẽ vô cùng hấp dẫn, ấn tượng và quyến rũ khi độc lập về cuộc sống, tinh thần và tài chính. Đặc biệt, mẹ tôi luôn nhấn mạnh phải 'bằng với chồng về trí tuệ'. Sự khác biệt về kiến thức, tri thức giữa 1 cặp đôi không phải là điều kiện đủ nhưng là điều kiện cần để tạo dựng mối quan hệ bền vững. Một người phụ nữ không chỉ đảm đang, chung thuỷ mà còn cần độc lập, hiện đại", ông Tiến bật mí.


Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM