Lần đầu tiên Việt Nam xây thành công đường giao thông từ 6,5 tấn rác thải nhựa

01/10/2019 16:39 PM | Kinh doanh

Đoạn đường dài 1,4 km tại Hải Phòng sẽ được xây dựng từ 6,5 tấn rác thải nhựa. Hiện đoạn đường 200m ban đầu đã hoàn tất và vừa được khánh thành ngày 1/10.

Đoạn đường giao thông được xây dựng và gia cố bởi nhựa tái chế đầu tiên vừa được khánh thành tại khu công nghiệp DEEP C, Hải Phòng, Việt Nam.

Đoạn đường 200m hoàn tất đầu tiên được khánh thành dưới sự chứng kiến của Ngài Paul Jansen, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, và lãnh đạo UBND Thành phố Hải Phòng cũng như đại diện các sở, ban ngành liên quan.

Giai đoạn tiếp theo của dự án này sẽ được hoàn thành trong tháng 11 năm 2019, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1,4 km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác – tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo.

Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) cung cấp. Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 – 180 độ C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.

Lần đầu tiên Việt Nam xây thành công đường giao thông từ 6,5 tấn rác thải nhựa - Ảnh 1.

Trải nhựa đường từ rác thải nhựa ngày 27/9/2019.

Trước khi trải nhựa đường thực tế, ĐH Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hai thí nghiệm với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam. Sau khi triển khai thành công dự án này, nhiều đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa sẽ được xây dựng trong các Khu công nghiệp DEEP C.

"Dự án này là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng", ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết thêm.

"Mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương."

Theo bà Regula Schegg, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Circulate Capital, hiện có khoảng 150 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên đại dương và mỗi năm số rác thải nhựa này tăng thêm khoảng 8 triệu tấn. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Châu Á cần khoảng 26 nghìn tỉ USD để cải thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm 45% lượng nhựa thông qua cải thiện quản lý và chất thải tại Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Dow có mặt ở Việt Nam kể từ năm 1995. Hiện nay công ty có khoảng 110 nhân viên tại 3 cơ sở, trong đó có 1 nhà máy sản xuất ở tỉnh Đồng Nai, phục vụ khách hàng trong các ngành chăm sóc người tiêu dùng, cơ sở hạ tầng và công nghiệp đóng gói bao bì. Trên quy mô toàn cầu, Dow có 113 nhà máy sản xuất tại 31 quốc gia và có khoảng 37.000 nhân viên. Doanh thu của Dow năm 2018 là khoảng 50 tỷ USD.

DEEP C được thành lập vào năm 1997 bởi các cổ đông Vương quốc Bỉ (Rent-A-Port, Ackermans-Van Haaren) và các cổ đông Việt Nam (UBND Thành phố Hải Phòng). DEEP C là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3000 ha đất và nhà xưởng xây sẵn cho thuê ở Hải Phòng và Quảng Ninh.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM