Lần đầu tiên Việt Nam có ‘ve chai công nghệ’: Kết nối thu mua qua app như Uber, Grab, nhắm nâng chất lượng nguồn nguyên liệu tái chế

23/04/2021 09:14 AM | Kinh doanh

VECA được đặt tên rút tắt từ "ve chai", để nhấn mạnh hướng tiếp cận mọi đối tượng, gồm cả những người thu mua ve chai dạo. Hai Founders của VECA là hai người trẻ 8x, là bạn học thuở cấp 3, với ý tưởng ban đầu là “làm gì đó” để hoạt động tái chế hiệu quả hơn...

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một ứng dụng giúp những vật dụng đã qua sử dụng như chai nhựa, giấy vụn… có thể dễ dàng đến tay người mua chỉ bằng một cú lướt trên điện thoại thông qua app thu mua ve chai của 2 nhà sáng lập trẻ tuổi.

Chị Đỗ Thị Minh Trang – CoFounder VECA từng tốt nghiệp đại học Kiến Trúc TPHCM chuyên ngành Mỹ thuật công nghiệp. Chị Trang hiện đang sở hữu một công ty nhỏ chuyên về thiết kế. CoFounder còn lại là Bùi Thế Bảo, từng tốt nghiệp đại học Bách Khoa chuyên ngành Môi trường, có nhiều năm công tác tại nhà máy tái chế giấy.

Chị Trang và anh Bảo là bạn học tại trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM. Trong một dịp gặp mặt, họ đã bàn về ý tưởng cùng làm gì đó để việc tái chế có hiệu quả hơn cả ở mặt sản xuất mà cả ở khía cạnh xã hội.

Mong muốn giúp ích cho môi trường nhờ tái chế vật dụng đã qua sử dụng

"Có lẽ, với chúng tôi, tái chế là câu chuyện gắn liền với suy nghĩ và công việc hàng ngày. Với Bảo, ở góc độ của sản xuất, là sự nhận thấy nguồn cung của nguyên liệu tái chế luôn không đủ đáp ứng với cầu. Hơn nữa, chất lượng của nguồn nguyên liệu tái chế sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn nếu được phân loại từ nguồn đúng đắn", chị Trang nói.

Lần đầu tiên Việt Nam có ‘ve chai công nghệ’: Kết nối thu mua qua app như Uber, Grab, nhắm nâng chất lượng nguồn nguyên liệu tái chế - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, là một cư dân thành phố, chị Trang nhìn nhận việc thu gom và phân loại rác rất kém hiệu quả.

Cho dù có ý muốn bảo vệ môi trường thì cũng không dễ để làm khi rác dù được phân loại vẫn bị trộn lẫn trên xe thu gom. Hay khi muốn bán hoặc đem cho các cô ve chai thì không phải ai cũng có thời gian. Từ những suy nghĩ đó, họ xây dựng app VECA.

VECA chính là từ viết tắt của chữ "ve chai". Ban đầu, ý tưởng về tên của dự án là "Scrap Way" hoặc "Kế hoạch nhỏ". Trong đó, "Kế hoạch nhỏ" xuất phát từ kỷ niệm thời 8X, khi trường lớp thường vận động học sinh quyên góp tập, sách, báo cũ...để gây quỹ.

Còn "Scrap Way" nhấn mạnh đến việc phế liệu có thể tái chế, khác với rác không tái chế được. Nhưng cuối cùng, họ chọn cái tên VECA, rút tắt từ "ve chai", để nhấn mạnh hướng tiếp cận mọi đối tượng, gồm cả những người thu mua ve chai dạo.

Anh Bảo cho biết, kể từ khi suy nghĩ và "thai nghén" đến lúc hoàn thành app phải mất một năm rưỡi. App vừa được trình làng vào 10/4/2021 sau rất nhiều điều chỉnh, đắn đo với mô hình hoạt động.

Thay đổi tư duy mua bán ve chai truyền thống thế nào?

Ý tưởng là thế, nhưng khi triển khai, Bảo cho biết, khó khăn ban đầu chính là việc xác định mô hình kinh doanh phù hợp, không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng mà còn có thể phát triển lâu dài. Việc tiếp cận lĩnh vực vốn được vận hành thủ công và quy mô gia đình cũng là một thách thức. Cuối cùng, quan trọng nhất là tìm nguồn vốn để phát triển thị trường.

"Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang vận hành với nguồn vốn cá nhân", anh Bảo nói.

Giải thích rõ hơn về cơ chế hoạt động của VECA, chị Trang cho hay, đây là một app kết nối với 2 nền tảng riêng: Người cần bán và người thu mua.

Trong đó, bên mua sẽ là bên ve chai truyền thống, mua lẻ bán lại cho các vựa hoặc các chủ vựa trực tiếp thu mua.

Với người bán, ngoài chọn địa điểm còn có thể xác định khung thời gian. Vào thời gian đầu, khi mạng lưới những người thu mua chưa nhiều, khung thời gian VECA cho rộng là ngày trong tuần và cuối tuần.

Lần đầu tiên Việt Nam có ‘ve chai công nghệ’: Kết nối thu mua qua app như Uber, Grab, nhắm nâng chất lượng nguồn nguyên liệu tái chế - Ảnh 2.

Trong tương lai, khung thời gian có thể rút ngắn lại hơn. Đặc biệt, giá cả thu mua sẽ được cập nhật và hiển thị trên app. Đây là yếu tố mang lại sự minh bạch, đơn giản cho quá trình mua bán. Với người thu mua, các cô có thể nhận đơn hàng với quãng đường thu gom được tối ưu, tiết kiệm sức lực và thời gian.

Qua thời gian, khối lượng thu gom tăng sẽ giúp cải thiện thu nhập so với cách truyền thống. Với vựa cũng vậy, VECA mang lại khối lượng gia tăng và giải pháp quản lý thu mua.

Đứng trước nhiều băn khoăn của người dùng về việc thu mua ve chai qua app là một hình thức rất mới ở Việt Nam, mà theo thói quen của người Việt, đặc biệt là những người lớn tuổi thì thường muốn đi theo lối truyền thống. Để VECA có thể đứng vững trong lòng người dùng, chị Trang cho rằng chắc chắn việc chuyển đổi không thể diễn ra một sớm một chiều.

"Nhưng hãy xem câu chuyện của Uber, Grab với ngành xe ôm như một tham chiếu. Khi lợi ích được chứng minh và nhất là giá trị cho môi trường mang lại, chúng tôi nghĩ chính con cháu trong gia đình sẽ giúp bố mẹ/ ông bà sử dụng app. VECA cũng liên tục lắng nghe và điều chỉnh app theo cách đơn giản, dễ sử dụng nhất", nữ Founder khẳng định.

Những loại ve chai sẽ được bán lại từ các cô thu mua cho vựa nhỏ trong nội thành. Từ các vựa này, phế liệu sẽ được phân loại lại và bán đến các trạm ép trước khi đến nhà máy tái chế.

Lần đầu tiên Việt Nam có ‘ve chai công nghệ’: Kết nối thu mua qua app như Uber, Grab, nhắm nâng chất lượng nguồn nguyên liệu tái chế - Ảnh 3.

Bởi app VECA là nền tảng kết nối nên người thu mua chính là những người thu mua ve chai người dùng hay gặp trên đường từ trước tới nay. Các vựa nhỏ chuyên thu mua ve chai tại khu vực nội thành là đối tác của VECA. Qua app, họ sẽ có thêm khối lượng thu mua và cả đầu ra cho phế liệu.

Niêm yết công khai giá ve chai, thanh toán bằng tiền mặt hoặc Momo, không thu chiết khấu

Điều đặc biệt và là điểm khác so với nhưng ứng dụng gọi xe và giao hàng công nghệ hiện nay đó là mô hình của VECA không thu phí sử dụng nền tảng của bất cứ bên nào, cũng không thu chiết khấu.

Giá thu mua hiển thị trên app cũng do thị trường quy định, không do VECA đặt ra. Để phát triển bền vững, VECA hoạch định doanh thu sẽ có ở giai đoạn 2, khi dòng khối lượng phế liệu đủ lớn, cũng là lúc VECA tiến hành thu mua lại từ các vựa và bán đến các nhà máy lớn.

Cũng giống như giá thu mua của chủ vựa, giá bán ve chai dành cho những người bán qua app cũng được công khai. Cụ thể, giá thu mua được điều chỉnh cân bằng giữa lợi ích của người thu mua và của cả người bán.

"Chúng tôi có các khảo sát với vựa và người thu mua để làm việc này. Hiện có hai hình thức thanh toán: Tiền mặt và ví Momo", chị Trang nói.

Với ngân sách marketing gần như bằng 0, kể từ khi được "khai sinh" và ra mắt từ ngày 10/4 đến nay, qua 10 ngày VECA đang có 9.000 users. Người thu mua đang tìm hiểu và sử dụng trong quận Phú Nhuận khoảng 15 người.

Để có thể phát triển bền vững, đại diện VECA cho biết: Khi khối lượng phế liệu qua vựa trong hệ thống đủ lớn, đơn vị sẽ thu mua phế liệu lại từ các vựa và kinh doanh đến các nhà máy tái chế.

Lần đầu tiên Việt Nam có ‘ve chai công nghệ’: Kết nối thu mua qua app như Uber, Grab, nhắm nâng chất lượng nguồn nguyên liệu tái chế - Ảnh 4.

Hiện tại VECA mới chỉ được áp dụng tại Quận Phú Nhuận, TPHCM. Đến hết năm nay, lộ trình phát triển của app này là phủ rộng toàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm thứ 2 - 3, sẽ phát triển ra các thành phố lớn trong nước.

Đặc biệt, theo 2 nhà sáng lập, họ vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án để có thể đẩy nhanh kế hoạch phát triển. Kì vọng của VECA là trở thành một thành phần của hệ sinh thái tái chế tại Việt Nam, kết nối nhiều hơn các tổ chức, nhà máy hay công ty vào câu chuyện tái chế hiệu quả.

"VECA là 1 trong 15 startup được lựa chọn tham gia Chương trình NINJA Accelerator tại TP.HCM, tôi muốn có lời khuyên tới những bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp xây dựng hệ sinh thái tái chế nói riêng và khởi nghiệp nói chung đó là "Hãy làm thôi!"", chị Trang cho biết.

Hương Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM