Lần đầu tiên, một đứa trẻ sinh ra bằng tử cung cấy ghép từ người đã chết

06/12/2018 10:43 AM | Khoa học

Cột mốc này sẽ mở ra hi vọng cho nhiều phụ nữ hiếm muộn, thậm chí cả phụ nữ chuyển giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một phụ nữ Brazil đã sinh con thành công sau khi cấy ghép tử cung từ một người hiến tặng đã chết. Đây là một cột mốc thực sự đối với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản nói riêng và y học nói chung.

Bởi tử cung có thời gian sống ngoài cơ thể tương đối ngắn, từ trước đến nay, chỉ tử cung cấy ghép từ người sống mới giúp các bà mẹ hiếm muộn mang thai và sinh nở thành công.

Các nhà nghiên cứu nói rằng đột phá hôm nay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cấy ghép tử cung từ người hiến tặng đã mất không chỉ giúp cho ra đời những đứa trẻ mới, mà còn tiết kiệm mạng sống của những người cho tử cung khi còn sống, bởi ca phẫu thuật đặc biệt xâm lấn này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng của họ.

Lần đầu tiên, một đứa trẻ sinh ra bằng tử cung cấy ghép từ người đã chết - Ảnh 1.

Lần đầu tiên, một đứa trẻ được sinh ra từ tử cung cáy ghép của người đã chết

Trong báo cáo trường hợp mới được công bố trên tạp chí Y khoa Lancet, các nhà nghiên cứu tại Đại học São Paulo ở Brazil công bố họ đã cắt tử cung từ một phụ nữ 45 tuổi từng 3 lần sinh con và chết vì xuất huyết não.

Cơ quan này sau đó được cấy sang cho một phụ nữ 32 tuổi bị rối loạn bẩm sinh khiến cô không có tử cung. Bảy tháng sau khi cấy ghép, các bác sĩ đã chuyển một phôi thai được thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, từ trứng của người phụ nữ và tinh trùng của chồng, vào tử cung cho cô.

Toàn bộ quá trình mang thai của người phụ nữ sau đó diễn ra bình thường. Đến ngày 15 tháng 12 năm 2017, ở tuần thai thứ 36, các bác sĩ tiến hành mổ đẻ cho người phụ nữ để sinh con. Đứa bé được theo dõi suốt 7 tháng sau đó, ở thời điểm bài báo khoa học được viết, sức khỏe của 2 mẹ con đều bình thường và tốt.

Tiến sĩ Dani Ejzenberg, trưởng nhóm nghiên cứu ở Brazil cho biết: "Việc sử dụng tử cung của những người hiến tặng đã chết có thể mở rộng khả năng tiếp cận của phương pháp điều trị này". Ông nói thêm: "Số người sẵn sàng và cam kết hiến tặng nội tạng khi chết lớn hơn nhiều so với những người hiến tặng sống".

Các chuyên gia hy vọng cấy ghép tử cung một ngày nào đó sẽ trở thành thủ thuật khả thi cho nhiều phụ nữ hơn, những người phải chịu cảnh hiếm muộn vì không có tử cung hoặc cơ quan bị hư hỏng - thậm chí có khả năng là những người phụ nữ chuyển giới đang tìm cách mang thai.

Năm 2014 ở Thụy Điển, lần đầu tiên các bác sĩ tiến hành thủ thuật ghép tử cung, giúp một phụ nữ bị khiếm khuyết cơ quan này mang thai và sinh con được. Kể từ đó, đã có khoảng 10 đứa bé trên khắp thế giới sinh ra nhờ kỹ thuật ghép tạng này.

Mặc dù vậy, tất cả các ca cấy ghép tử cung thành công kể trên đều từ nguồn nội tạng hiến tặng của người còn sống – thường là thành viên trong gia đình hoặc bạn của người nhận. Bất kể người cho là ai, họ cũng phải trải qua một thủ thuật cắt bỏ tử cung triệt để, kéo dài từ 10-12 tiếng đồng hồ (giờ mới rút gọn xuống 4-6 tiếng).

Đó là một phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm tính mạng. Thậm chí, nếu ca phẫu thuật thành công, người cho tử cung cũng phải mất thời gian rất lâu mới có thể phục hồi sức khỏe. Do đó, các nhà khoa học và bác sĩ đã rất hy vọng rằng tử cung từ người hiến tặng đã mất có thể thay thế cho người sống.

Năm 2011, các nhà nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện cá ghép tử cung từ người hiến tặng đã chết đầu tiên, nhưng người phụ nữ nhận đã không thể mang thai.

Tiến sĩ Rebecca Flyckt, một nhà nội tiết sinh sản tại Cleveland Clinic ở Mỹ, cũng từng thực hiện hai ca cấy ghép tương tự nhưng cũng thất bại. Cô cho biết, trong ca cấy ghép đầu tiên thì tử cung từ người chết đã bị nhiễm trùng sau cấy ghép, và cô buộc phải phẫu thuật lần nữa để bỏ nó ra khỏi cơ thể người phụ nữ nhận. Trong ca thứ hai, mọi thứ đều tốt nhưng người phụ nữ nhận tử cung vẫn chưa thể mang thai nổi.

Một phần của thách thức trong việc cấy ghép tử cung từ một người hiến tặng đã chết là quá trình – sàng lọc người cho cơ quan, xem nó có phù hợp với người nhận không dựa trên loại máu và các tính chất khác, và cuối cùng là ca mổ - rất mất thời gian.

Tử cung có thời gian sống sót không lâu sau khi nó bị ngừng cung cấp máu. Bởi vậy, từ trước đến nay, thủ tục ghép tử cung chỉ có thể được thực hiện từ người sống sang người sống, khi công việc sàng lọc đã được hoàn thành trước và 2 ca phẫu thuật diễn ra song song trong 2 phòng mổ liền kề.

Lần đầu tiên, một đứa trẻ sinh ra bằng tử cung cấy ghép từ người đã chết - Ảnh 2.

Cấy ghép tử cung là một phẫu thuật nguy hiểm cho cả người nhận và người cho còn sống

Trong ca cấy ghép ở Brazil, các bác sĩ thực tế cũng báo cáo rằng tử cung người chết đã ở vào tình trạng thiếu máu cục bộ - có nghĩa là bị mất nguồn cung cấp máu - trong gần 8 giờ. Về cơ bản, đó là thời gian chờ gấp đôi so với bất kể ca ghép tử cung từ người hiến tặng sống nào.

"Điều này thực sự cho chúng ta biết rằng tử cung là một cơ quan rất đàn hồi [có sức sống cao]", tiến sĩ Flyckt nói.

Cũng như tất cả những người nhận nội tạng khác, người phụ nữ nhận tử cung trong trường hợp này phải uống các loại thuốc ức chế miễn dịch để giảm nguy cơ đào thải. Các bác sĩ phẫu thuật cũng đã thực hiện thủ tục cắt bỏ tử cung trong ca mổ đẻ để chấm dứt quá trình uống thuốc đó cho cô.

Từ trước đến nay, việc cấy ghép tử cung được coi là "tạm thời", nghĩa là tử cung chỉ dùng một lần. Nó ở lại trong cơ thể người phụ nữ cho đến khi cô ấy mang thai và sinh con, sau đó sẽ được loại bỏ. Nếu không, các nguy cơ đào thải và nhiễm trùng sẽ còn tồn tại cho tới cuối đời cô ấy. Việc sinh con thứ 2 từ một tử cung cấy ghép cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

ZKnight

Từ khóa:  đứa trẻ
Cùng chuyên mục
XEM