Lần đầu công bố báo cáo tài chính, FPT Shop đang ở đâu so với Thế Giới Di Động?

30/08/2017 15:22 PM | Kinh doanh

Số liệu báo cáo của FPT Shop cho thấy, khoảng cách đối với đối thủ dẫn đầu là Thế Giới Di Động đã quá xa.

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail, đơn vị chủ quản hệ thống FPT Shop vừa lần đầu công bố báo cáo tài chính sau khi FPT bán 30% vốn tại Công ty này cho 2 công ty quản lý quỹ VinaCapital và Dragon Capital.

Lâu nay các số liệu vắn tắt về doanh thu, lợi nhuận trước thuế của FPT Retail vẫn được công ty mẹ FPT công bố. Tuy vậy, với việc công bố báo cáo chi tiết giúp cho nhà đầu tư có thể đánh giá chi tiết hơn về hiệu quả hoạt động của chuỗi bán lẻ này.

 Lần đầu công bố báo cáo tài chính, FPT Shop đang ở đâu so với Thế Giới Di Động?  - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của FPT Retail có mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, đạt mức 6.355 tỷ đồng. Giá vốn tăng chậm hơn giúp lãi gộp tăng 34% lên 843 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp qua đó tăng từ 13% lên 13,3%.

Trong 6 tháng đầu năm, các loại chi phí của FPT Retail cũng tăng khá mạnh, trong đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 26% và 27%. Dù vậy, FPT Retail vẫn đạt mức lợi nhuận sau thuế 113 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù báo cáo của đơn vị chủ quản chuỗi FPT Shop vẫn cho thấy mức tăng trưởng khá tốt nhưng khoảng cách đối với đối thủ cạnh tranh là Thế Giới Di Động đã quá xa. FPT Shop đang có 438 cửa hàng trên toàn quốc.Trong khi đó, báo cáo mới đây của Thế Giới Di Động cũng cho biết công ty này có tổng cộng 1.609 siêu thị đang phục vụ khách hàng. Trong đó, riêng chuỗi Thế giới di động là 1.034 siêu thị, hơn gấp đôi so với FPT Shop.

Không những vậy, các chỉ số hiệu quả hoạt động của Thế Giới Di Động cũng cao hơn hẳn so với FPT Retail, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng doanh số và biên lợi nhuận.

 Lần đầu công bố báo cáo tài chính, FPT Shop đang ở đâu so với Thế Giới Di Động?  - Ảnh 2.

Về tình hình tài sản, tổng tài sản tính đến 30/6/2017 của FPT Retail đã giảm 1.770 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước xuống mức 2.942 tỷ đồng. Nguyên nhân từ việc Công ty giảm nợ vay ngắn hạn khoảng 1.000 tỷ đồng và giảm gần 1.000 tỷ khoản phải trả người bán ngắn hạn (chủ yếu là khoản phải trả cho Công ty TNHH Apple Việt Nam) so với con số cùng kỳ năm 2016.

Song song đó, các khoản tiền gửi của FPT Retail cũng giảm xấp xỉ 800 tỷ đồng, tương ứng với số tiền vay ngắn hạn đã trả cho Công ty mẹ FPT. Ngoài ra, hàng tồn kho của Công ty cũng giảm xuống còn 1.137 tỷ đồng so với con số 1.948 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Vốn chủ sở hữu của FPT Retail tại thời điểm cuối quý 2 đạt 628 tỷ đồng, tương ứng giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu đạt hơn 31.400 đồng.

FPT Retail là thành viên của tập đoàn FPT Việt Nam ra đời từ tháng 8 năm 2007 dưới hai thương hiệu chính là FPT Shop và F Studio By FPT. Mới đây sau khi FPT công bố bán bớt 30% cổ phần của FPT Retail cho 2 công ty quản lý quỹ VinaCapital và Dragon Capital, đại diện FPT Retail cho biết, FPT Retail đang nghiên cứu và chọn lựa một số hướng đi mới để tạo đà tiếp tục tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.

Theo Huy Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM