Làm việc cật lực cả tháng, chi tiêu cho ăn chơi bao nhiêu là hợp lý?

12/06/2022 13:18 PM | Sống

Đối xử tốt với bản thân đúng cách cho đến khi bạn đạt được mục tiêu tài chính lớn hơn, việc đó không có gì là không ổn.

Nhiều người luôn sống trong sự tiết kiệm quá mức, không dám đi ăn với bạn bè, đi du lịch hay mua quần áo. Trong khi đó, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng...bạn luôn làm việc chăm chỉ để kiếm tiền rồi quẩn quanh với nỗi lo cơm- áo- gạo- tiền đến mức ám ảnh.

Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự thưởng cho mình một khoản nhỏ trong tổng số thu nhập, miễn sao bạn phải có kế hoạch hợp lý và "ép" bản thân tuân thủ cho đúng quy định mà mình đã đặt ra.

Vì sao cần đặt ra kế hoạch?

Thiết lập danh mục tiền cho ăn chơi giúp bạn chú ý hơn cách xài tiền của mình.

Các khoản chi tiêu cho ăn chơi được lập dựa trên thực tế, vừa giúp bạn dễ dàng bám vào ngân sách chi tiêu vừa tự thưởng cho bản thân.

"Một ngân sách chi tiêu không giới hạn sự tự do của bạn, mặt khác nó cho bạn sự tự do", theo Tác giả và Chuyên gia Rachel Cruze.

Bên cạnh đó, quyết định ngân sách có mục đích trên từng khoản chi tiêu giúp bạn không cảm thấy tội lỗi khi xài tiền. Lên ngân sách để tự thưởng cho bản thân, giống như một ngày ăn thoải mái trong quá trình giảm cân hay một ngày nghỉ ngơi không chạy bộ trong tuần.

Làm việc cật lực cả tháng, chi tiêu cho ăn chơi bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 1.

Hãy tính toán và lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng

Nếu bạn đã kết hôn, hãy đảm bảo rằng bạn và bạn đời của mình có khoản chi tiêu này cho mỗi người. Và khi bạn xài hết ngân sách cho giải trí, mua sắm quần áo,...bạn phải chấp nhận nó và không đụng vào các danh mục chi tiêu khác.

Dùng bao nhiêu tiền cho ăn chơi là hợp lý?

Theo Chuyên gia Tom Corley, con số lý tưởng nhất là 10% tổng thu nhập sau thuế của bạn. Nó bao gồm những lúc đi ăn ngoài, tiệc tùng, xem phim, spa thư giãn, gym hoặc thậm chí một chuyến du lịch.

Ví dụ: Bạn biết rằng mình sẽ có 20 triệu đồng để tiêu xài cho tháng này, bạn không nên tiêu quá 2 triệu đồng cho các nhu cầu ăn chơi trong tháng.

Cũng theo Corley, bạn nên cố gắng tiêu dùng dưới mức 10% này. Con số này trông có vẻ nhiều, nhưng có thể các hóa đơn thẻ tín dụng của bạn đã vượt qua nó từ lâu.

Ngoài ra, đối với các chị em, chỉ nên chi khoảng 5% tiền lương hàng tháng cho việc mua quần áo. Ví dụ nếu mỗi tháng bạn nhận được 3,5 triệu đồng, về lý thuyết, bạn không được chi quá 175 nghìn đồng cho quần áo, tức là 2,1 triệu đồng cho cả năm.

Làm việc cật lực cả tháng, chi tiêu cho ăn chơi bao nhiêu là hợp lý? - Ảnh 2.

Chỉ nên sử dụng 5% tiền lương cho việc mua sắm quần áo

Tất nhiên, tùy thuộc hoàn cảnh thì con số này sẽ là khác nhau. Chẳng hạn, con số 5% với những phụ nữ độc thân có mức lương 90 triệu đồng khác với con số 5% của một gia đình 4 người, mức thu nhập 20 triệu đồng. Hoặc, nếu bạn có một công việc phải di chuyển ngoài đường nhiều, phải tham gia nhiều buổi thuyết trình, bạn sẽ phải chi nhiều hơn. Nếu bạn là một blogger thời trang, bạn càng phải chi nhiều hơn nữa. Ngược lại, nếu bạn là một người theo chủ nghĩa tối giản, bạn sẽ có thể tiết kiệm tối đa ngân sách.

Trong trường hợp bạn có ngân sách eo hẹp, lương thấp, hoặc đang có những mục tiêu tài chính khác (ví dụ trả nợ), bạn không nên chi tiêu quá con số 5%.

Ngoài ra, một minh chứng đã được đưa ra rằng một người chỉ mặc khoảng 20% tủ quần áo của họ. Một nửa số phụ nữ không dùng tới 35% trang phục họ có, gây lãng phí trung bình khoảng 600 đô la mỗi năm. Do đó, việc bán bớt những món đồ bạn có là cách rất tốt để tiết kiệm tiền và sống tối giản hơn, bởi ba lý do chính: giúp cắt giảm sự lộn xộn của tủ đồ, khiến mọi thứ mới mẻ hơn, và những món đồ bạn sử dụng cũng sẽ trở nên "có chọn lọc" hơn.

Nguồn: Financialbestlife, Ramsey Solutions, CNBC

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM