Làm sao để giáo viên 'hài lòng' và 'hạnh phúc'?
Đừng đi tìm trường học lý tưởng, nếu như giáo viên chưa thể sống đúng và hạnh phúc với những giá trị của họ, cũng như chưa thể tự hào về nghề nghiệp của họ.
Có một quy tắc trong tâm lý học, được thiền sư Thích Nhất Hạnh khái quát lại trong sách của ông: "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới". Nói rõ hơn, sứ mệnh của giáo viên là chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương trẻ em; thầy cô có hạnh phúc thì mới có thể giúp đỡ được trẻ em, mới có thể tạo ra trẻ em hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Nhưng, làm thế nào để thầy cô hạnh phúc? Liệu có phải chỉ cần "khoác" lên vai thầy cô những mỹ từ ngợi ca hay tăng lương lên cao chót vót là đủ? Các chuyên gia đã đưa ra câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi "khó nhằn" này.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên: Cần trả lại đúng những giá trị cho nghề giáo
Từ trải nghiệm lớn lên bên những người thân là giáo viên, trực tiếp giảng dạy và cả trải nghiệm bước ra khỏi sự nghiệp ấy để có thể nhìn nghề giáo bằng cả vị thế của người trong cuộc và ngoài cuộc, anh Khánh Nguyên cho rằng, có 5 điều quan trọng để thầy cô hạnh phúc:
1. Trước hết, thầy cô giáo cần được thực hiện đúng sứ mệnh của nhà giáo. Thầy cô giáo nào cũng mong được làm việc trong môi trường thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường. Thầy cô khó có thể làm tốt công việc của mình nếu như ngành của mình mất uy tín xã hội, trường của mình thiếu liêm chính học thuật, nghề của mình không được xã hội tôn trọng. Nhà giáo không thể là nhà giáo nếu họ không thể sống thật, làm thật mà phải quay cuồng trong những thứ "giả giáo dục" như chạy đua thành tích, phải dối, phải giấu, phải diễn…
2. Thứ hai, thầy cô giáo cần được trả lương đúng và đủ cho các công việc họ làm. Nói giáo viên bị trả lương thấp là có cơ sở, vì hiện nay lương của giáo viên bằng hoặc thấp hơn lương của người giúp việc gia đình. Ngay cả nếu xã hội coi trường học là nơi trông trẻ, và giáo viên là người giữ trẻ, thì mức lương họ nhận được là quá thấp so với trình độ, chất lượng lao động, ảnh hưởng của họ đối với trẻ em.
3. Thứ ba, giáo viên phải được giải thoát khỏi những công việc không phải của giáo viên. Hiện nay giáo viên vẫn còn phải làm những công việc không phải của họ như đòi nợ học phí, thu tiền bảo hiểm y tế, chào bán sách giáo khoa, tiếp thị các khóa học tiếng Anh…
Một trường học tử tế, chuyên nghiệp sẽ không bao giờ huy động giáo viên vào công việc thu tiền học sinh dưới bất kỳ hình thức nào, điều đó phá vỡ sự tôn nghiêm của nghề giáo - nghề lãnh đạo trẻ em. Thành công của người lãnh đạo luôn phụ thuộc vào sự tôn nghiêm họ có được. Giáo viên đã quá bận rộn với công việc của nghề giảng dạy và chăm sóc học sinh, chưa kể những công việc công ích, hỗ trợ cộng đồng như phối hợp ngành y tế tiêm vaccine cho học sinh, hỗ trợ ngành công an làm căn cước cho học sinh…
4. Thứ tư, giáo viên cần được đối xử công bằng. Nếu như ở trong trường công, giáo viên thường được huy động làm rất nhiều việc không liên quan theo kiểu "nước sông, công lính", thì ở khu vực giáo dục tư, rất phổ biến tình trạng giáo viên bị ép ký hợp đồng với điều khoản phạt với số tiền 5 - 10 tháng lương của họ nếu họ xin nghỉ việc trong năm. Điều này là trái với luật lao động vì luật chỉ quy định thời gian báo trước khi kết thúc hợp đồng.
Ký hợp đồng kèm theo khoản phạt giữ chân như vậy, ở các nước phát triển, là một hình thức của lao động cưỡng bức (forced labor), một khái niệm hầu như chưa được biết tới tại Việt Nam. Thật đáng tiếc, đây lại là một thông lệ của rất nhiều trường tư ở Việt Nam hiện nay.
5. Thứ năm, giáo viên cần được tự chủ. Chính vì ngành giáo dục không tự tin vào đội ngũ nhân lực của mình nên mới kiểm soát giáo viên thông qua một cách triển khai chương trình học cứng nhắc, hệ thống giáo án bài giảng y như văn mẫu mà không cho giáo viên sự linh hoạt trong giảng dạy. Cách quản lý giáo viên hiện nay không dựa trên niềm tin vào năng lực của họ, sự sáng tạo của họ, sự cần mẫn cống hiến của họ.
Thay cho việc giám sát họ bằng đủ các công cụ, chế tài, ràng buộc họ bằng rất nhiều các loại chứng chỉ dư thừa, các khóa học vô nghĩa, ngành giáo dục nên tập trung vào việc tuyển chọn được những giáo viên chất lượng, đảm bảo thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, dám sa thải tất cả những giáo viên không đạt yêu cầu về năng lực và đạo đức nghề nghiệp để giáo viên có thể tự hào về chính mình, về đồng nghiệp của mình, về ngành nghề của mình trước xã hội.
Tóm lại, nghề giáo xứng đáng được tôn vinh, vì đó là nghề phụng sự xã hội, là nghề bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em, là nghề có sức ảnh hưởng to lớn và lâu dài tới chất lượng con người và trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, sự tôn vinh không nên là một ngày hình thức, một khẩu hiệu sáo rỗng, mà là trả lại đúng những giá trị cho chính nghề nghiệp đó để người làm nghề sống được với nghề, tự hào với nghề, không muốn bỏ nghề vì họ tự nguyện trung thành với lý tưởng về sứ mệnh nghề nghiệp của mình.
Đừng đi tìm trường học lý tưởng, nếu như giáo viên chưa thể sống đúng và hạnh phúc với những giá trị của họ, cũng như chưa thể tự hào về nghề nghiệp của họ. Đó không phải là trường hợp của Việt Nam, mà là một quy luật phổ biến ở mọi nơi trên thế giới.
Thạc sĩ khoa học - Tâm lý học phát triển và Giáo dục Nguyễn Minh Thành: Mô hình hạnh phúc PERMA
Theo anh Nguyễn Minh Thành, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng và khoa học Giáo dục tại Đại học công giáo Louvain, Bỉ: Để thầy cô hạnh phúc, mấu chốt nằm ở việc người giáo viên trong môi trường đó họ cảm nhận được đầy đủ các nhân tố của PERMA+, đó là:
- Positive Emotions: Có cơ hội được trải nghiệm những cảm xúc tích cực mà môi trường học đường mang lại cho họ. Nhận thức được rằng, bên cạnh đó, công việc sẽ có lúc khó khăn, buồn chán, thất vọng... chấp nhận rằng đó là 1 trạng thái hoàn toàn tự nhiên, và có năng lực + sự trợ giúp để đối mặt và đi qua nó.
- Engagement: Trải nghiệm cảm giác "thuộc về" và "đắm mình" trong công việc. Tức là người giáo viên phải cảm nhận thấy họ gắn kết với công việc và ngôi trường này. Họ tập trung hoàn toàn vào công việc mình đang làm. Họ được giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực làm việc, sở thích, điểm mạnh của mình... và có thêm độ khó để gia tăng sự thử thách, phát triển nghề nghiệp cho bản thân. Điều vô cùng quan trọng, đó là, giáo viên phải có cơ hội phát triển sự nghiệp và được trợ giúp (nếu cần) để làm được điều đó (Ví dụ: Thường xuyên được tham gia đào tạo chuyên môn).
- Relationships: Nghiên cứu kéo dài gần 70 năm về Hạnh Phúc đã phát hiện ra rằng: Yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới Happiness và Well-being đó là: Có những mối quan hệ lành mạnh và sâu sắc. Điều này cũng đúng với môi trường giáo dục. Người giáo viên được tồn tại và làm việc trong một môi trường học đường, mà ở đó tạo ra những cơ hội cho họ trải nghiệm các mối quan hệ hiệu quả, lành mạnh, bền vững.
Nói cụ thể hơn đó là quan hệ với đồng nghiệp, quản lý, học sinh, và phụ huynh. Đó là sự gắn kết của một "cộng đồng giáo dục" một cách lành mạnh. Có thể chìa khoá không nằm ở cụm từ "thân mật", nhưng chắc chắn nó không thể là những mối quan hệ độc hại "Toxic Relationships".
- Meaning: Một cuộc sống có ý nghĩa là khi người ta "Sống cho chính mình, rồi sống cho những điều vĩ đại hơn bản thân mình". Trong công việc cũng vậy, giáo viên cần được trợ giúp để tìm ra ý nghĩa của nghề nghiệp họ đang theo đuổi. Họ có thích làm công việc này không? Tại sao có? Tại sao không? Và nếu câu trả lời là "Không" thì liệu có chuyển thành "Có" được chứ? Làm như thế nào? Câu chuyện không chỉ nằm ở sở thích nữa, nó còn là ở bài toán Năng lực và sự dẫn dắt.
- Accomplishment: Đây là từ liên quan trực tiếp đến thành tựu trong công việc mà người giáo viên họ cần được ghi nhận. Nó là vấn đề về tiền lương, vấn đề về sự ghi nhận thành quả mà họ đã đạt được, sự cố gắng trong nghề nghiệp cần được ghi nhận, và trao thưởng xứng đáng.
Thành tựu ở đây bao gồm cả về mặt Vật chất (Lương, thưởng); Tinh thần (Tuyên dương, khen, động viên); Phát triển nghề nghiệp (Thăng tiến trong công việc). Có một thứ quan trọng nữa trong chữ cái này của mô hình PERMA đó là: Nhà giáo cần phải hiểu về điểm mạnh của họ (Nhân cách, năng lực, sở trường...) và xây dựng cho mình một sự Kỷ luật nội tâm, một thói quen làm việc hiệu quả... để đạt được những thành tựu kể trên. Và nhà quản lý, cố vấn, cần nhìn ra được điều này và hỗ trợ khi giáo viên cần.
- Health: Sức khoẻ thể chất và tinh thần: Trong tâm lý học có một cụm từ đó là "Job Burnout" tạm dịch là "Kiệt sức trong công việc", ám chỉ trạng thái một người cảm thấy kiệt quệ, làm việc không hiệu quả và mất sự kết nối với chính bản thân mình. Trạng thái này có tồn tại ở giáo viên không? Câu trả lời là chắc chắn có. Một môi trường làm việc hiệu quả cần tính đến việc đảm bảo, hoặc hỗ trợ cho nhà giáo có thể đặt sự phúc lợi cho bản thân mình (Well-being) trở thành một mối quan tâm hàng đầu.
Các giáo viên cần được chăm sóc về mặt sức khoẻ tinh thần (mental health) bằng các hoạt động tư vấn tâm lý, môi trường làm việc lành mạnh và đảm bảo số giờ làm việc, số lượng công việc. Ngoài danh tính là giáo viên, họ cũng còn là các cá nhân độc lập, cha mẹ, vợ/chồng... vì vậy, họ cần được tạo điều kiện để cân bằng phần nào đó giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Sự hỗ trợ từ nhà trường, đồng nghiệp rất quan trọng!