Làm sao để đối phó với đồng nghiệp không chịu hợp tác

11/11/2021 16:47 PM | Kinh doanh

Thực tế môi trường công sở nào cũng tồn tại những vấn đề nan giải như: Đồng nghiệp "khó ở", không chịu hợp tác, đồng nghiệp có "cái tôi" quá cao, gây khó dễ,...

Không phải ai cũng may mắn được làm việc trong môi trường tích cực, đồng nghiệp cởi mở và giúp đỡ lẫn nhau. Thực tế môi trường công sở nào cũng tồn tại những vấn đề nan giải như: Đồng nghiệp "khó ở", không chịu hợp tác, đồng nghiệp có "cái tôi" quá cao, gây khó dễ,... Đây sẽ là cơn ác mộng, là kẻ thù đánh cắp sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của bạn, và nếu bạn không biết cách xử lý khôn ngoan, tất cả nhiệm vụ và kết quả công việc sẽ trì trệ và bị ảnh hưởng đáng kể.

Chúng ta không thể thay đổi vị trí công việc hay những vị đồng nghiệp "khó tính", nhưng chúng ta có thể dùng thái độ và hành động của bản thân để giảm thiểu những tác động tiêu cực. Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn bỏ túi bí quyết hữu ích và tối ưu nhất:

Tập kiên nhẫn lắng nghe

Đồng nghiệp không chịu hợp tác có thể đến từ nhiều nguyên nhân, vì bản chất tính cách, vì cảm xúc tiêu cực cá nhân đối với bạn, cũng có thể vì thiếu sự lắng nghe từ người khác. Vậy nên, bạn hãy tập kiên nhẫn lắng nghe những chia sẻ, ý kiến hay quan điểm của họ đồng thời thể hiện sự cảm thông bằng thái độ tích cực hay những cử chỉ nhẹ nhàng như cái gật đầu. Ứng xử mềm mỏng với họ thay vì thẳng thắn đánh giá để xem thử họ có những chuyển biến ra sao. Sau đó, bạn mới nên có những động thái khác sao cho phù hợp và sẽ được đề cập dưới đây.

Giữ bình tĩnh và tránh mâu thuẫn

Những giờ làm việc đầy căng thẳng mệt mỏi có thể khiến tinh thần của mọi người đi xuống, đây là điều không thể tránh khỏi. Khi đó tất cả đều dễ bực bội và khó chịu, và nếu bạn không giữ được bình tĩnh, sẽ rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Đồng nghiệp có thể đang cảm thấy bị xuống tâm trạng nên mới có thái độ tiêu cực hay không chịu hợp tác. Điều bạn cần làm lúc đó đó chính là biến mình trở thành nguồn năng lượng nhẹ nhàng xóa tan những áp lực, căng thẳng.

Tuyệt đối không nên để sự nóng giận chế ngự cảm xúc để rồi hành động, cư xử thô lỗ. Việc này không những không có tác dụng làm đồng nghiệp bạn chịu hợp tác mà mối quan hệ giữa hai bạn cũng sẽ tệ đi ít nhiều. Một quãng thời gian nghỉ "xả hơi" cho cả hai, hay một cốc cà phê tỉnh táo giữa giờ có thể sẽ giúp cả bạn và đồng nghiệp cảm thấy tốt hơn.

Không đem cảm xúc tiêu cực về nhà

Phần lớn thời gian một ngày chúng ta là ở chốn công sở, tiếp xúc với đồng nghiệp và quản lý. Vậy nên, khi về đến nhà, hãy vứt bỏ những cảm xúc mệt mỏi, tiêu cực một ngày sang một bên và nghỉ ngơi. Bạn có thể dành thời gian để suy nghĩ giải pháp cho vấn đề đồng nghiệp không hợp tác đó, nhưng nếu không tìm ra được, đừng quá lo lắng hay bối rối. Có những việc ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và chúng ta không nên để những gì vị đồng nghiệp đó gây ra xâm phạm thời gian riêng tư đáng lẽ được ở bên gia đình, người thân của chúng ta.

Khi những suy nghĩ ập đến, hãy lập tức hành động, đơn giản như làm việc nhà, nghe một bản nhạc, đọc một cuốn sách. Tinh thần minh mẫn và tích cực sẽ dễ nảy ra những ý tưởng hay và độc đáo hơn. Biết đâu được, một cuốn sách tâm lý nào đó mà bạn đọc có thể giúp bạn xoay chuyển tình huống thì sao!

Mạnh dạn trực tiếp đối thoại

Làm sao để đối phó với đồng nghiệp không chịu hợp tác - Ảnh 1.

Im lặng không phải là cách giải quyết vấn đề, thậm chí còn khiến mọi chuyện tệ đi. Để cởi bỏ những ẩn khuất, hiểu lầm đằng sau người đồng nghiệp của mình, bạn hãy mạnh dạn trực tiếp đối thoại. Dùng thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng đi kèm một chút lo lắng, quan tâm trong lời nói, cử chỉ có thể sẽ làm cho vị đồng nghiệp kia cảm thấy gần gũi và dễ sẻ chia cảm xúc cá nhân hơn. Trực tiếp đối thoại là cách nhanh nhất nhưng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp khéo léo, mềm dẻo.

Một lối cư xử tôn trọng, lịch sự, không buộc tội, không trách móc, luôn cởi mở, thân thiện và bày tỏ khả năng lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp họ thoải mái nói ra nỗi lòng. Có thể đó là một cái hẹn cà phê chiều giờ tan làm, một bữa trưa giữa giờ dưới căn tin hay chỉ cần một vài phút đứng hóng gió ngoài ban công tòa nhà công ty. Vừa sẻ chia, vừa cùng nhau tìm giải pháp cho cả hai.

Giữ khoảng cách lành mạnh khi không còn giải pháp

Khi mọi gợi ý ở trên đều thất bại, khi sự không hợp tác của họ đến từ cảm xúc chủ quan, hướng về phía bạn và họ có thành kiến với bạn, hãy giữ khoảng cách lành mạnh với họ. Ngoài công việc, phải có một ranh giới được thiết lập để bảo vệ sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của bạn. Hãy kiên định và mạnh mẽ trong cảm xúc để không bị sự khó chịu, bất bình của họ ảnh hưởng đến bạn.

Một vài kỹ năng xử lý tình huống tích cực bạn có thể áp dụng khi gặp phải những vị đồng nghiệp khó chịu, không chịu hợp tác đó chính là: đối xử với họ nhã nhặn lịch sự, tôn trọng cho dù họ có đối xử không tốt với bạn. Có thể, sự tích cực của bạn sẽ thay đổi thái độ của họ.

Nếu hành vi của họ gây hậu quả nghiêm trọng như làm dở dang cả một dự án lớn khi không chịu hợp tác, khối lượng công việc quá lớn và họ không chịu san sẻ,… hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của cấp lãnh đạo hoặc phòng nhân sự (HR) tại công ty bạn.

Để đối phó với đồng nghiệp không chịu hợp tác, hãy áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp khác nhau và đón xem sự chuyển biến. Mọi vấn đề đều có cách giải quyết và bạn hãy duy trì một tinh thần tích cực, lạc quan để làm việc năng suất và hiệu quả nhất. 

HR Insider

Cùng chuyên mục
XEM