Làm ngân hàng: Bỏ thì thương, vương thì tội

17/07/2017 14:42 PM | Kinh doanh

Một ngày bạn thức giấc, nhưng tất cả những gì bạn muốn làm chỉ là đặt lưng lại, nhắm mắt và ngủ tiếp. Bạn chỉ đi làm như một cái máy, những công việc hàng ngày đơn điệu và nhàm chán, động lực học hỏi tiến bộ triệt tiêu gần như hoàn toàn. Bạn mong mỏi đến cuối tuần còn thứ Hai như một cơn ác mộng. Vậy thì rất có thể, bạn đang phải đối mặt với căn bệnh kinh niên giới ngân hàng: chán việc.

Kể cũng phải, bởi ngân hàng là một ngành vừa đặc thù vừa nhạy cảm. Nhân viên thì phải ăn mặc chuẩn mực, "phom mồ", đi đứng tác phong chuyên nghiệp, có vậy khách hàng họ mới tin tưởng.

Và dường như bất kể thứ gì liên quan đến ngân hàng cũng đều được quy định rõ ràng. Từ mẫu chứng từ, mẫu biên lai, đến cách trình bày văn bản, màu sắc chữ,… đều phải có quy tắc cả thành văn lẫn bất thành văn. Điều rõ ràng nhất chính là CV xin việc, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu ứng viên sử dụng mẫu CV có sẵn, thậm chí có những ngân hàng còn chuyên nghiệp đến mức định dạng sẵn cả CV, chỉ cho phép ứng viên điền thông tin khớp với yêu cầu, vừa để giảm bớt thời gian chuẩn bị không cần thiết, vừa sử dụng được công cụ lọc nhanh chóng và hiệu quả. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp đều không quy định điều này, thậm chí có những doanh nghiệp đề cao tính sáng tạo và đánh giá thí sinh qua bản CV của họ, thì cách làm này của giới ngân hàng càng cho thấy sự khác biệt không hề nhỏ.

Trong quá trình làm việc, hầu như ở công đoạn nào cũng có quy định chuẩn mực, và nhân viên ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Cũng chẳng trách được điều này, bởi đặc tính nhạy cảm của ngành nghề, chỉ cần sai một li là đi ngàn dặm. Muốn mở tài khoản khách hàng phải điền đúng và đủ ngần này thông tin trên mẫu đăng ký, muốn vay tiền thì phải làm ngần này công đoạn, từ đánh giá khách hàng, đánh giá tài sản, đánh giá khoản vay,… Hỗ trợ tín dụng muốn giải ngân phải làm ngân này thao tác, phải qua một hai cấp kiểm soát và phê duyệt.

Bao nhiêu là công đoạn, bao nhiêu là con người cùng tham gia vào vận hành một bộ máy đồ sộ, làm thế nào để nó hoạt động trơn tru? Câu trả lời cũng chính là nguyên nhân tiếp theo khiến dân ngân hàng ngán ngẩm: áp lực thời gian. Ngân hàng sử dụng bộ công cụ đánh giá hiệu quả làm việc dựa trên nhiều yếu tố, trong đó đáng kể phải nhắc tới yếu tố thời gian. Từ lúc đẩy hồ sơ đến lúc phê duyệt khoản vay, tái thẩm định chỉ có sáu tiếng đồng hồ, hay hỗ trợ tín dụng chỉ có một tiếng để hoàn thiện thủ tục giải ngân. Hoặc là từ lúc đơn vị kinh doanh yêu cầu hỗ trợ, bộ phận nghiệp vụ liên quan phải giải quyết trong vòng một ngày làm việc,…

Chưa kể áp lực chỉ tiêu, rủi ro tứ phía, khách hàng mất khả năng trả nợ, hạch toán nhầm, báo cáo sai, khách hàng tố thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp,… Trăm dâu đổ đầu tằm, khiến dân ngân hàng nhìn thì thích, nhưng vào làm rồi lại chẳng kiếm đâu ra động lực.

Nói ra nói vào, có người nói hay là bỏ quách đi. "Thôi mình bỏ quách đi" cũng là câu cửa miệng của không biết bao nhiêu thế hệ dân ngân hàng, nhưng cứ lớp sau đè lớp trước, những người nói câu đó vẫn ngày ngày đến cơ quan gõ bàn phím lách cách, thi thoảng ngó nghiêng tin tuyển dụng, đọc tới đọc lui lại lướt qua, rồi lại tìm một vị trí khác "đỡ khổ hơn" ở một ngân hàng khác, một hai năm sau lại tiếp tục "thôi mình bỏ quách đi". Nói là một chuyện, làm hay không lại là chuyện khác, và cũng không nhiều người đủ quyết tâm dứt áo ra đi.

Có người nói, giờ làm gì mà chẳng chán. Có phải như mấy cháu học sinh chán học thì nằm bò ra mơ mộng cảnh sáng sáng cắp túi đi, chiều chiều cắp túi về, phòng làm việc máy lạnh ro ro, ai nấy bóng bẩy chỉnh tề, gõ bàn phím lách cách đâu. Ai cũng biết đi làm không chỉ là đi làm, còn gánh trên vai áp lực cơm áo gạo tiền, tích góp tiền mua nhà, tậu xe, nay cho con uống sữa gì, học trường nào thì con không bị bạo hành ngược đãi,… Những nỗi lo quá đỗi thường nhật, hiển hiện hàng ngày hàng giờ, khiến hai chữ "đam mê" vùi sâu, đến lúc giật mình chẳng hiểu mình đã đánh rơi nó ở đoạn nào của cuộc đời. Nhìn sang bên cạnh, thấy cậu đồng nghiệp vò đầu bứt tóc, giữa tháng rồi mà chưa có khoản vay nào, sếp thì giục, khách thì chẳng có. Nhìn lại mình, cũng chẳng khá khẩm hơn, trong đôi mắt chỉ còn mệt mỏi và chán nản.

Dẫu vẫn biết, làm ngân hàng không chỉ có hai từ "áp lực" mà diễn tả, phải là người trong cuộc mới có thể thấu hiểu những mệt mỏi chất chồng ngày này qua tháng khác, nhưng có lẽ ta cũng nên biết tự hài lòng với những gì mình có. Chẳng phải ước mơ ngày xưa của chúng ta chỉ là có một công việc ổn định, sáng sáng cắp túi đi, chiều chiều cắp túi về đó sao? Sự ổn định luôn đi đôi cùng sự nhàm chán, nhưng đừng để sự nhàm chán đó gặm nhấm tuổi trẻ của mình. Công việc dù cho có căng thẳng đến đâu, luôn phải dành cho mình một thời gian nào đó trong ngày được thư giãn, được làm mới mình. Việc than thở không hề có tác dụng gì ngoài nhắc đi nhắc lại cho não bộ ghi nhớ sự chán nản, sao phải vậy khi chúng ta biết mình vẫn cần gắn bó với công việc này?

Thay vì ngồi một chỗ phàn nàn, hãy thử học một điều mới mẻ, sáng tạo thêm cho cuộc sống của riêng mình. Bởi cuộc sống chỉ đơn điệu nếu bạn cho rằng nó một màu. Cây bút màu trong tay bạn, kể cả công việc có xám xịt đến đâu, vẫn còn những mảng khác chưa được bạn nhòm ngó tới mà, phải không?

Theo Phương Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM