Cách đây 50 năm, chiếc máy này ra đời và đã tạo ra cả 1 cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng

14/07/2017 13:51 PM | Kinh doanh

Khi chiếc máy ATM đầu tiên ra đời năm 1967, cho phép rút tiền mặt 24/7, nó được coi là 1 phát minh đột phá.

James Shepherd-Barron nhớ rõ cái ngày mà ông đang đi dạo cùng bố mình trên 1 con phố ở thị trấn Dorking, Surrey (Anh). Đó là năm 1967, khi cha của ông nảy ra ý tưởng mà sau này dẫn đến sự ra đời của chiếc máy ATM đầu tiên trên thế giới.

“Khi đó tôi khoảng 6 hay 7 tuổi. Cánh cửa ngân hàng đóng sập trước mặt bố tôi vì đó là giữa trưa ngày thứ 7. Ngân hàng sẽ không mở cửa trước sáng thứ 2, đồng nghĩa ông không thể có tiền mặt và đó là 1 điều tồi tệ”, James nhớ lại.

Không thể rút được tiền mặt ngoài giờ giao dịch, John Shepherd-Barron đã nghĩ đến 1 chiếc máy cho phép khách hàng rút tiền vào bất kỳ thời gian nào, dù đó là ngày hay đêm.

Khi chiếc máy ATM đầu tiên ra đời năm 1967, cho phép rút tiền mặt 24/7, nó được coi là 1 phát minh đột phá. Theo thỏa thuận với John Shepherd-Barron, ngân hàng Barclays lắp đặt chiếc máy ATM đầu tiên tại Enfield, London với diễn viên Reg Varney là khách hàng đầu tiên.

“Khi đó không có những chiếc thẻ với dải băng từ tính màu đen phía sau, mọi người đều sử dụng séc”, Shepherd-Barron nói. “Đó là 1 thời kỳ rất khác, vì thế có thể rút tiền 24/7 chính là 1 cuộc cách mạng lớn… Đó cũng là máy móc đầu tiên cho phép công chúng tiếp cận với tự động hóa, lần đầu tiên mọi người nhận thức được chuyện tự phục vụ”.

Mặc dù là quê hương của máy ATM, nước Anh lại bị tụt lại phía sau trên con đường phát triển của máy ATM. Ở các nước khác, máy ATM được bổ sung thêm nhiều chức năng cũng như tăng cường bảo mật, vì thế máy ATM vẫn đi đầu trong công cuộc cải tiến phương thức thanh toán. Ví dụ như bạn có thể dùng máy ATM để mua vé xem bóng đá ở Tây Ban Nha hay mua tem ở Mỹ. Từ 10 năm trước, Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng các biện pháp an ninh sinh trắc như quét vân tay. Bank of America cung cấp những chiếc máy ATM cho phép người dùng nói chuyện qua video với giao dịch viên của ngân hàng.

Ở Anh đang diễn ra làn sóng các ngân hàng ồ ạt đóng cửa hàng loạt chi nhánh và đó chính là cơ hội để máy ATM phát huy tác dụng nhiều hơn. Trong 2 năm qua, những ngân hàng lớn nhất đã đóng cửa khoảng 1.000 chi nhánh, khiến người dân ở một số vùng gặp bất tiện.

Theo Ian Gausden, giám đốc của công ty chuyên cung cấp công nghệ thanh toán Vocalink, ở những vùng như vậy các ngân hàng phải dựa vào mạng lưới ATM như một kênh cung cấp dịch vụ. Các nghiệp vụ mà chi nhánh ngân hàng thực hiện 20 năm trước giờ có thể được thực hiện trên máy tính, trên di động hoặc trên máy ATM.

Do đó, ngay khi máy ATM vừa bước sang tuổi 50 vào tháng 6, tương lai của phát minh này đang trở thành tâm điểm bàn luận. Với chi phí thiết kế và lắp đặt khá đắt đỏ, những chiếc máy ATM đang đối mặt với câu hỏi về sự cần thiết trong bối cảnh tiền mặt chịu áp lực lớn trước sự trỗi dậy nhanh chóng của các phương tiện thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động cũng như các loại thẻ thông minh không tiếp xúc (contactless card).

Với sự phát triển của các phương thức thanh toán trực tuyến và tiền điện tử, nhiều người đã dự báo tiền mặt sẽ biến mất trong tương lai và vì thế vai trò của máy ATM cũng bị hoài nghi. Theo 1 nghiên cứu mới được hiệp hội thanh toán của nước Anh (Payments UK) công bố, đến cuối năm 2018 tiền mặt sẽ mất ngôi phương tiện thanh toán phổ biến nhất ở Anh.

Nhưng Payments UK cũng cho rằng thậm chí trong 10 năm nữa tiền mặt vẫn sẽ chiếm khoảng 20%. Năm ngoái, NHTW Anh công bố tổng giá trị các tờ giấy bạc đang lưu hành ở Anh lần đầu tiên vượt qua cột mốc 70 tỷ bảng. Trung bình mỗi năm có khoảng 192 tỷ bảng tiền mặt được rút ra khỏi các cây ATM tại Anh.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM