Làm gì khi bất đồng quan điểm với sếp?
Theo các chuyên gia, phản ứng tự nhiên của con người thường là né tránh sự bất đồng quan điểm với cấp trên. Họ cho rằng, cơ thể chúng ta sinh ra đã có bản năng sinh tồn nên chúng ta sẽ tự nhiên mà tránh xa bất cứ điều gì gây hại cho bản thân.
Yếu tố chính gây ra nỗi lo sợ này chính là cảm giác sẽ có những tác động tiêu cực. Lúc đó chúng ta sẽ lập tức nghĩ rằng: "Sếp chắc sẽ không thích mình" hay "Sếp sẽ nghĩ mình là kẻ phiền nhiễu, rắc rối."
Thậm chí có người còn tự kỷ ám thị: "Chắc mình sắp bị sa thải mất rồi!". Mặc dù lựa chọn đồng tình luôn dễ dàng nhưng các chuyên gia cho rằng không phải lúc nào làm vậy cũng đúng. Dưới đây là bí quyết để bạn thể hiện quan điểm bất đồng với những người "quyền lực" hơn mình.
Hãy thực tế với những rủi ro
Hầu hết mọi người đều có xu hướng quan trọng hóa những rủi ro khi phải nói lên chính kiến. Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tưởng tượng việc mình làm sẽ là sai lầm khủng khiếp.
Vâng, đương nhiên đồng nghiệp hay sếp bạn sẽ ngạc nhiên và có chút khó chịu ban đầu. Nhưng không đến nỗi bạn bị sa thải hay trở thành kẻ thù trọn kiếp với họ.
Vì thế, trước tiên hãy nghĩ tới những rủi ro khi bạn KHÔNG LÊN TIẾNG – có lẽ dự án sẽ đi chệch hướng hay bạn sẽ mất lòng tin của nhóm mình – sau đó hãy đặt lên bàn cân một cách thực tế để so sánh những rủi ro khi không được nói ra với những hậu quả tiềm tàng của việc lên tiếng cảnh báo.
Quyết định xem có nên trì hoãn việc lên tiếng hay không
Sau khi đánh giá rủi ro, bạn có thể quyết định giữ kín ý kiến của mình.
Nếu bạn nghĩ rằng những người khác cũng sẽ đồng tình với bạn, bạn có thể tự mình thiết lập "một đội quân" trước. Mọi người có thể đóng góp kinh nghiệm hay những thông tin cho quan điểm của bạn – tất cả những điều đó khiến cho quan điểm trái chiều của bạn ngày càng mạnh mẽ và có giá trị.
Cũng không tồi nếu bạn có thể trì hoãn việc nêu ý kiến của mình trong một buổi họp hay ở nơi đông người. Thảo luận riêng tư nhiều khi khiến những người quyền lực cảm thấy dễ chịu và ít bị đe dọa.
Vì một mục tiêu chung
Trước khi bạn chia sẻ ý kiến của mình, hãy nghĩ xem liệu người sếp hay cấp trên quyền lực của bạn quan tâm tới điều gì – đó có thể chỉ đơn thuần là sự tín nhiệm của cả nhóm hay hoàn thành dự án đúng thời hạn. Bạn có nhiều khả năng được lắng nghe ý kiến nếu bạn kết nối quan điểm bất đồng của mình với "mục tiêu cao cả".
Khi lên tiếng, hãy nghĩ tới bối cảnh bạn nói, khi đó bạn sẽ được nhìn nhận như đang tích cực đóng góp ý kiến vào mục tiêu chung chứ chẳng phải cố tình hạ thấp người khác. Các cuộc thảo luận sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho bạn.
Xin phép để thể hiện quan điểm không đồng tình
Bước này nghe có vẻ quá hình thức nhưng đó là một cách thông minh để giúp sếp bạn cảm thấy "an toàn về mặt tâm lý" và vẫn duy trì quyền kiểm soát. Bạn có thể nói đại loại như: "Tôi biết chúng ta dường như đang cố gắng đạt chỉ tiêu như cam kết. Nhưng có một vài lý do khiến tôi cho rằng điều đó không khả thi. Liệu tôi có thể nói lên những lý do đó?" Điều đó giúp cho mọi người lựa chọn "cho phép nói"; và giả sử họ đồng tình thì bạn càng cảm thấy tự tin hơn để bày tỏ quan điểm bất đồng.
Bình tĩnh
Bạn sẽ cảm thấy hồi hộp như rớt tim ra ngoài nhưng dù điều gì xảy ra bạn cũng nên giữ bình tĩnh trong cả lời nói và hành động. Khi bạn giao tiếp miễn cưỡng hay lo lắng sẽ giảm tải hiệu quả thông điệp, những gì bạn muốn nói như một mớ hỗn độn và đồng nghiệp phải lựa chọn đâu là thứ cần nghe.
Hít một hơi thật sâu có thể giúp bạn nói từ tốn và nhấn mạnh ý chính, thay vì nói nhanh và to hơn khi thấy lo lắng. Điều đó còn giúp bạn tự tin hơn cho dù bạn đang cảm thấy bối rối.
Xác nhận quan điểm ban đầu
Sau khi bạn đã được đồng thuận để phát biểu, hãy trình bày thật rõ quan điểm để chắc chắn mọi người cùng hiểu. Sau đó mới trình bày rõ ràng ý tưởng, ý kiến hay đề nghị bạn muốn đưa ra.
Đừng đưa ra bất kỳ phán xét nào
Khi bạn bày tỏ quan ngại của mình, hãy chú ý cẩn thận với lời nói. Tránh dùng những từ ngữ mang tính "phán xét người khác" như kiểu "ngu ngốc", "tầm nhìn ngắn hạn" hay "vội vàng"…; bạn nên loại bỏ cách diễn đạt tiêu cực vì người nghe có khả năng sẽ hiểu nhầm hoặc cho rằng bạn đang ám chỉ điều gì. Thay vì thế hãy chỉ nói đến những con số thực tế.
Hãy khiêm tốn!
Nhấn mạnh lại rằng bạn đang đưa ra ý kiến cá nhân, không phải là điều đáng tự hào gì cả. Cho dù ý kiến của bạn mang có đủ thông tin đã được nghiên cứu kỹ càng, nhưng dù gì nó vẫn chỉ là một ý kiến, vì thế hãy đừng vội đưa ra khẳng định mạnh mẽ nào.
Thay vì nói "Nếu chúng ta vẫn thiết lập một mục tiêu như thế cho quý tới, chúng ta sẽ không thể làm được" thì hãy nói "Đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu quý."
Điều này sẽ giúp cuộc đối thoại dễ dàng tiếp diễn. Đồng thời, hãy nhắc mọi người đây chỉ là ý kiến của bạn và mời mọi người phản biện.
Thừa nhận quyền lực của sếp
Cuối cùng, những người có quyền thường vẫn là người sẽ đưa ra quyết định. Bạn có thể nói: "Tôi biết anh có tiếng nói cuối cùng tại đây. Điều này tùy thuộc vào anh." Điều đó không chỉ cho thấy bạn biết vị trí của bản thân mà còn nhắc nhở người đó rằng trách nhiệm với lựa chọn đang đặt lên vai họ.
Nhưng đừng vội vàng quay lưng lại với ý kiến của chính bản thân mình hay khen ngợi người khác một cách giả tạo. Bạn hãy cố gắng thể hiện sự tôn trọng người khác đồng thời tôn trọng bản thân.
*Nội dung trích cuốn "101 Mẹo đối phó với sếp", Minh Phương biên soạn.