Làm chủ ngân hàng trị giá 23 tỷ đô, vị CEO 83 tuổi vẫn hằng ngày đạp xe đi làm
Là CEO của ngân hàng trị giá 23 tỷ USD nhưng Wilmer hằng ngày vẫn đạp chiếc xe cũ có 2 lốp cọc cạch đi làm.
Wilmer là CEO kiêm Chủ tịch M&T Bank – một ngân hàng tại Buffalo (New York, Mỹ). Năm nay, ông đã 83 tuổi. Wilmer nắm chức vụ CEO của ngân hàng kể từ năm 1983 và suốt từ đó cho đến nay, ông vẫn làm theo cách mình muốn và chưa có ý định dừng lại.
Văn phòng của Wilmer chứa đầy nhưng đồ đạc lấy từ vườn nho của ông tại Bordeaux (Pháp) và hằng ngày đạp chiếc xe cũ có hai lốp cọc cạch lên cơ quan. Wilmer chẳng ngại mắng bất kỳ ai ông cho là đang đe dọa tới ngân hàng và các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ của mình mặc cho đó là Chính phủ với các chính sách kiểm soát quá đà, hay các quỹ đầu tư tham lam.
"Nói thế nào bây giờ nhỉ? Tôi không thể tốn thời gian để lo lắng xem người khác nghĩ gì được", Wilmer - vị CEO ngân hàng có vốn hóa lên tới 23 tỷ USD chia sẻ. Quả thật Wilmer là "người đi ngược trào lưu" theo lời nhận xét của Heckscher - một bạn học cùng Harvard của ông. "Ông ấy luôn làm mọi thứ ngược lại".
Trước khi gia nhập M&T vào thập niên 80, Wilmer đã trải qua vài công việc. Ông làm trong cơ quan tài chính của New York dưới thời thị trưởng John Lindsay, sau đó là Giám đốc chi nhánh tại Bỉ của Morgan Guaranty – tiền thân của J.P. Morgan Chase & Co.
Đến với M&T, ông đã giúp nhà băng dần phát triển, dù chỉ tập trung vào các thị trường tăng trưởng chậm ở New York và vùng Rust Belt. Chiến lược của ông rất đơn giản: Cho những người đáng tin cậy vay những khoản vay chất lượng.
Năm 1990, M&T đạt doanh thu 286 triệu USD, với lượng tiền gửi 6,2 tỷ USD. Đến năm 2008, lượng tiền gửi đã lên 42,6 tỷ USD, tạo ra doanh thu 2,9 tỷ USD. Năm nay, tiền gửi tại ngân hàng này có thể tăng lên 100 tỷ USD.
Dưới sự lãnh đạo của Wilmer, M&T đã mua lại 24 đối thủ, dù chưa bao giờ lên kế hoạch M&A. Ông cho biết đánh giá cơ hội khi nó xuất hiện sẽ tốt hơn là cam kết tăng trưởng theo một con số cụ thể nào đó. Trên quan điểm lãnh đạo của ông, M&T chỉ mở rộng ở những thị trường ngân hàng đã thâm nhập và kiên quyết tiến hành kinh doanh khi đã hiểu rõ kinh tế địa phương.
"Anh có thể nghĩ tôi bất thường, nhưng ngân hàng tôi thì chẳng có gì kỳ lạ cả. Chúng tôi luôn cố gắng làm tốt tất cả mọi việc", Wilmer chia sẻ.
Angela Bontempo - một thành viên lâu năm trong hội đồng quản trị của ngân hàng nhớ rằng khi được Wilmers tuyển dụng: "Ông ấy là một người thực tế".
Những năm 2007, Wilmer từng gặp khó khăn khi không cưỡng lại được sức hấp dẫn của tín dụng giá rẻ, và rất hối hận vì đã mở rộng sang mảng cho vay thế chấp dưới chuẩn cũng như các địa điểm khác không quen thuộc.
Dẫu vậy, khi cảm nhận thấy sự an toàn, Wilmer không ngần ngại dấn thân. Ví dụ như việc ông mua lại Wilmington Trust - một công ty quản lý quỹ mặc cho có thời kỳ nó bị buộc tội của phía tòa án về việc vi phạm các khoản vay.
Tài lãnh đạo của Wilmer được minh chứng bằng việc trong suốt khủng hoảng tài chính và đến tận bây giờ, M&T vẫn không giảm cổ tức và chưa lỗ một quý nào. Trong gần 34 năm từ khi Wilmer tiếp quản M&T, nhà băng này vẫn đạt khoản lời trung bình 16,7% mỗi năm. Việc này giúp ông gần đạt tới đẳng cấp của huyền thoại đầu tư Warren Buffett.
Dù vậy, phong cách giản dị thường ngày của Wilmer thường khiến nhiều người đánh giá thấp ông. Wilmer đi gặp khách hàng bằng chiếc Toyota Corolla đời 1990, dán sticker thể hiện tình yêu của ông với người cháu nội. Ông vẫn dùng chiếc xe này cho đến năm ngoái, khi nó hỏng hẳn.
Trong cuộc họp, Wilmer cũng thường khiến người nghĩ rằng ông đang không hề chú tâm. "Thỉnh thoảng, người ta tưởng ông ấy buồn ngủ", David Walentas – giám đốc một hãng bất động sản ở Brooklyn cho biết. "Nhưng ông ấy là người thông minh nhất trong phòng họp đấy".
Năm ngoái, M&T đã chứng kiến mức tăng 22% lợi nhuận nhưng hội đồng quản trị vẫn cắt giảm mức lương của Wilmer xuống còn 3,5 triệu USD từ mức 3,7 triệu USD. Lý do là bởi như vậy... lợi tức của cổ đông sẽ tốt hơn!
Thật khó kể hết những thành tựu mà Wilmer làm được cho M&T. Thành lập năm 1856, M&T hiện là nhà tuyển dụng lớn thứ 3 trong khu vực. Họ đã hỗ trợ tài chính cho rất nhiều tổ chức, từ ban nhạc đến sở thú, thậm chí cử nhân viên đến hội đồng thành phố để gỡ rối vấn đề.
Dù vậy, Wilmer luôn tránh xa ánh hào quang. Ông hầu như không phát biểu trong các diễn đàn ngân hàng, hay thậm chí trong buổi công bố báo cáo tài chính quý của công ty. Điểm nhấn lớn nhất của ông có lẽ là trong bức thư gửi tới cổ đông hàng năm.
Wilmer cũng không biết ông sẽ còn ở vị trí này trong bao lâu. Nhưng ông không vội ra đi: "Họ đã nói gì về nhạc đồng quê ấy nhỉ? À, cây violon càng lâu đời thì âm thanh càng hay".